Xã hội
Giải pháp để hạn chế rút Bảo hiểm xã hội một lần
03:46 PM 24/07/2023
(LĐXH) - Nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần được cái lợi trước mắt, nhưng có hại về lâu dài. Vì ngay khi hưởng BHXH một lần thì toàn bộ quá trình đã đóng BHXH trước đó của người lao động (NLĐ) không còn được bảo lưu, cũng như các quyền lợi khác của NLĐ sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu.


Người lao động nộp hồ sơ hưởng BHXH một lần tại BHXH TP Thủ Đức, TPHCM năm 2023

Cơ sở pháp lý, thực trạng rút BHXH một lần

BHXH (1) là sự bù đắp một phần thu nhập dành cho NLĐ khi NLĐ bị ốm đau, thai sản hay bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết.

Chế độ BHXH một lần là một trong những quyền lợi của người tham gia BHXH. Để được hưởng chế độ này, NLĐ phải nộp hồ sơ theo quy định cho cơ quan BHXH xem xét giải quyết.

NLĐ có yêu cầu được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây (2):

“1. Người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 của Nghị định này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

b) Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội;

c) Ra nước ngoài để định cư;

d) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế"

Suốt hơn 2 năm dịch Covid-19 kéo dài cũng như bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều biến đổi chưa từng có tiền lệ đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thiệt hại tính mạng, tài sản con người, phát sinh các vấn đề khó khăn thách thức khác đối với đời sống xã hội. Thất nghiệp gia tăng, nhiều người mất việc làm kéo dài nhất là ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp…, do không đủ tiền để trang trải cuộc sống, họ đã lựa chọn cách rút BHXH một lần mà không chờ đến tuổi để hưởng lương hưu và các quyền lợi khác. Thời gian qua, làn sóng rút BHXH một lần - đặc biệt đối tượng là công nhân có dấu hiệu gia tăng, thông tin về việc Luật BHXH sửa đổi chuẩn bị trình Quốc hội theo hướng giảm tỷ lệ số tiền BHXH một lần được nhận tạo tâm lý lo lắng đối với NLĐ.

Cán bộ Bảo hiểm xã hội TPHCM hướng dẫn người dân thủ tục tham gia BHXH tự nguyện tại huyện Nhà Bè TPHCM

Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam (3), năm 2021, đã có hơn 800.000 người hưởng BHXH một lần. Trong khi đó trước năm 2019, số người rút BHXH một lần bình quân/năm khoảng 500.000 người, đến năm 2022 tăng lên gần 900.000 người. Điều đáng lo ngại hơn là số người hưởng BHXH một lần có xu hướng trẻ hóa. Những người hưởng chế độ BHXH một lần trong thời gian qua, chủ yếu tập trung ở độ tuổi từ 20 - 39 (chiếm 79% tổng số người hưởng BHXH một lần giai đoạn 2014 - 2018). Trong đó, tập trung nhiều nhất ở nhóm tuổi từ 25 - 29 (chiếm 27,6%); nhóm tuổi từ 30 - 34 đứng thứ hai (chiếm 25,3%); tiếp theo là nhóm tuổi từ 35 - 39 và nhóm tuổi từ 20  24 lần lượt là 15,5% và 10,6%.

Những NLĐ mất việc làm, không có thu nhập, đa số chọn rút BHXH một lần để giải quyết khó khăn cần khoản tiền cấp bách lo chi tiêu, trang trải cuộc sống, tiền ăn học cho con, khám chữa bệnh... Một số khác lựa chọn nhận BHXH một lần vì không hiểu được những lợi ích của việc hưởng lương hưu, cũng như tính nhân văn, ưu việt, lâu dài, và tính chia sẻ, trách nhiệm cộng đồng, vai trò của BHXH. Mặc dù cơ quan BHXH các cấp, các ngành, các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin, khuyến cáo tới NLĐ thay vì nhận BHXH một lần nên bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc, nhưng số lượng người nhận BHXH một lần vẫn ngày càng tăng.

Bảo hiễm xã hội TPHCM tổ chức Hội thi tìm hiểu về chính sách BHXH, BHYT cho cán bộ các xã/phường, quận/huyện trên địa bàn TPHCM

Rút BHXH một lần - lợi trước mắt, thiệt thòi lâu dài

Các chuyên gia cho rằng, việc nhận BHXH một lần NLĐ có thể giải quyết được một số khó khăn trước mắt, nhưng đồng nghĩa với việc họ đang đánh mất cơ hội hưởng chế độ an sinh xã hội khi về già. NLĐ cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi rút BHXH một lần, việc rút BHXH một lần chỉ là giải pháp cấp bách, lợi trước mắt nhưng sẽ thiệt thòi về lâu dài, như:

Thứ nhất: Mức thụ hưởng sẽ bị thiệt. Cụ thể, một năm, mức đóng BHXH bằng 2,64 tháng lương, trong khi NLĐ chỉ nhận được số tiền tương ứng 1,5 tháng lương cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng lương cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi (4). Số tiền khi nhận BHXH một lần được ít hơn nhiều so với số tiền đã đóng BHXH. Theo tính toán của cơ quan BHXH, nếu cùng một thời gian đóng BHXH thì tổng lợi ích bằng tiền khi hưởng lương hưu hàng tháng sẽ cao hơn nhiều khi hưởng BHXH một lần.

 Thứ 2: Thời gian đóng BHXH đã được tính hưởng BHXH một lần thì không được tính vào thời gian làm cơ sở để tính hưởng các chế độ BHXH khác.

Thứ 3: Mất cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng khi hết tuổi lao động hoặc nếu đủ điều kiện hưởng thì mức hưởng lương hưu thấp, do bị trừ đi thời gian đóng BHXH đã nhận một lần. Chọn rút BHXH một lần mà sau này nếu đi làm lại và có đóng BHXH thì khoảng thời gian đóng trước đó không được tính do đã hưởng BHXH một lần rồi.

Thứ 4: Không có nguồn tài chính hàng tháng đảm bảo trang trải cuộc sống khi về già và phải sống phụ thuộc vào con cái hoặc người thân khi không còn khả năng lao động, mất đi tự do, sự tự tin và sự an nhàn của cuộc sống nghỉ hưu, trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.

Thứ 5: Mất cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để chăm sóc sức khỏe, không được hưởng chế độ miễn 100% tiền khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến.

Thứ 6: Mất cơ hội tham gia BHYT 5 năm liên tục để được hưởng quyền lợi với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao và thuốc đắt tiền.

Thứ 7: Thân nhân không được hưởng trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất nếu người đã nhận BHXH một lần không may qua đời.

Theo Bảo hiểm xã hội TPHCM: việc rút BHXH 1 lần như thời gian gần đây không mang đến lợi ích gì cả, mà chỉ có thiệt cho người lao động. Theo tính toán của ngành Bảo hiểm xã hội, bình quân một người một năm phải đóng tiền BHXH lên tới 2,64 tháng lương, nhưng khi rút tiền BHXH 1 lần họ chỉ được hưởng 1,5 tháng (trước 2014) và 2 tháng (sau 2014). Đây là con số chênh lệch khá lớn, thiệt thòi cho người lao động.

Ngoài ra, rút tiền BHXH sẽ đồng nghĩa với việc người lao động tự đưa mình ra khỏi hệ thống an sinh xã hội. Tức sau này không được hưởng chế độ hưu trí và đặc biệt không còn được hưởng chế độ BHYT lúc ốm đau bệnh tật. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống an sinh của chính bản thân người đó, đồng thời phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình, xã hội.

BHXH TPHCM trao giấy khen cho các tuyên truyền viên đạt giải tại Hội thi tìm hiểu về chính sách BHXH, BHYT năm 2023

Giải pháp để hạn chế rút BHXH một lần

Khuyến khích NLĐ nên bảo lưu thời gian tham gia BHXH thay vì nhận BHXH một lần. Trong thời gian tới, để giảm thiểu việc rút BHXH một lần ở nước ta, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Một là,  đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp truyền thông của BHXH để cung cấp thông tin, định hướng dư luận, giúp NLĐ nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH. Thông qua đó từng bước tạo dựng và củng cố niềm tin của người tham gia BHXH đối với chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hai là, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của NLĐ. Chỉ khi NLĐ có thu nhập ổn định, có đủ nguồn lực tài chính để trang trải các chi phí sinh hoạt và có tích lũy khi đó sẽ nâng cao khả năng tiết kiệm, tham gia đóng góp để thụ hưởng khi về già, góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho NLĐ.

Ba là, có giải pháp căn cơ trong sửa đổi luật, nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về BHXH, trong đó xem xét sửa đổi Luật BHXH theo hướng giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu ở mức tối thiểu từ 20 năm như hiện nay, xuống còn 15 năm, thậm chí là 10 năm theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW (5). Điều này sẽ góp phần tăng mức độ hấp dẫn của chính sách BHXH trong đó có BHXH tự nguyện, NLĐ sẽ có thêm động lực tiếp tục bảo lưu, tích lũy thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu. Tiếp tục duy trì chính sách BHXH một lần, nhưng nghiên cứu sửa đổi, theo hướng để NLĐ tự quyết định lựa chọn việc thụ hưởng hoặc bảo lưu để hướng tới chế độ hưu trí lâu dài.

Bốn là, phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế; huy động các nguồn lực xã hội theo truyền thống tương thân tương ái của dân tộc; hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; kết hợp hài hoà các nguyên tắc đóng - hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững (6). Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ đem lại lợi ích tối ưu nhất cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH.

Thạc sĩ Ngô Thị Kim Oanh

Giảng viên Khoa Kinh tế

 Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Trung ương VI

Tài liệu tham khảo:

(1)&(4) Khoản 1 & 2, Điều 3, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 

(2) Khoản 1, Điều 8, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội bắt buộc

(3) BHXH Việt Nam

(5) & (6) Nghị quyết số 28-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII ngày 23/8/2018 về cải cách chính sách BHXH

 

Ảnh: Cán bộ Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức, TPHCM hướng dẫn thủ tục cho người lao động làm thủ tục hưởng BHXH một lần