Lao động
Gia nhập Công ước số 98 giúp Việt Nam bổ sung, hoàn thiện pháp luật lao động
10:07 AM 03/05/2019
(LĐXH)-Hệ thống pháp luật Việt Nam về thương lương lượng tập thể, mặc dù còn có những hạn chế nhưng về cơ bản nếu Việt Nam gia nhập Công ước số 98 thì không xảy ra xung đột pháp lý.
Ngày 3/5 tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Bộ LĐTB&XH phối hợp với Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo về việc gia nhập Công ước số 98 của ILO.
Dự và chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương; Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Chang-Hee Lee. Hội thảo cũng có sự tham gia của đại diện một số đoàn đại biểu Quốc hội, các Bộ ngành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, ông Nguyễn Sỹ Cương và ông Chang-Hee Lee điều hành Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, việc thực hiện các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế nói chung, trong việc gia nhập và thực hiện các công ước quốc tế về lao động nói riêng cũng chính là để thực hiện các tiêu chuẩn trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Hệ thống pháp luật Việt Nam về thương lương lượng tập thể, mặc dù còn có những hạn chế nhưng về cơ bản nếu Việt Nam gia nhập Công ước số 98 thì không xảy ra xung đột pháp lý.
Việc gia nhập Công ước số 98 sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam có thể vận dụng các quy định của Công ước như một cơ sở tham chiếu đáng tin cậy và được các bên thừa nhận để xây dựng pháp luật, nội luật hóa và thực thi pháp luật, hỗ trợ phát triển thương lượng tập thể và quan hệ lao động một cách đúng hướng, phù hợp với các quy luật của kinh tế thị trường.
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012, một trong những trọng tâm của việc sửa đổi lần này là các nội dung về đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước tập thể, công đoàn, giải quyết tranh chấp lao động… thì việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98 sẽ có những thuận lợi nhất định trong việc bổ sung để hoàn thiện pháp luật lao động, đáp ứng được các nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản.
Chuyên gia của ILO trình bày ý nghĩa và nội dung căn bản Công ước 98
Theo ông Nguyễn Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH, kết quả rà soát cho thấy có 3 văn bản là Bộ luật Lao động 2012, Nghị định 05/2025/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động và Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động là có những quy định cần được sửa đổi, bổ sung nếu Việt Nam phê chuẩn và thực thi các tiêu chuẩn của Công ước 98.
Nội dung cần sửa đổi, bổ sung được chia thành 2 nhóm, bao gồm: Những quy định đã phù hợp với quy định của Công ước 98, nhưng cần hoàn thiện nhằm bảo đảm thực thi có hiệu quả trên thực tế; những quy định chưa phù hợp với Công ước 98, cần sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm tính tương thích với yêu cầu của Công ước.
Công ước 98 về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể của ILO có 10 điều, nội dung Công ước tập trung từ Điều 1 đến Điều 6, bao gồm 3 nội dung cơ bản như sau: Bảo vệ NLĐ và cán bộ công đoàn trước hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn; Bảo vệ công đoàn không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; và Những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện.
Thực tiễn quan  hệ lao động ở Việt Nam cho thấy, thương lượng tập thể một cách thực chất chưa thực sự phát triển, mặc dù điều này đã được thể chế hóa trong pháp luật. Đây là một khó khăn đang tồn tại. Quan hệ lao động ở Việt Nam vẫn chủ yếu dựa trên mô hình quản trị nguồn nhân lực hơn là mô hình thương lượng tập thể. Mô hình công đoàn với Ban chấp hành công đoàn cơ sở hầu như có sự tham gia của người sử dụng lao động (chức danh quản lý) làm cho công đoàn khó có thể thực hiện được thương lượng tập thể thực chất theo “mô hình đại diện”.
Dưới góc nhìn của công đoàn, bà Phạm Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện công nhân công đoàn - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định, Công ước 98 là thực sự phù hợp và cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Từ thực tiễn Việt Nam cho thấy, tất cả các điều khoản của Công ước đều rất phù hợp trong bối cảnh Việt Nam muốn xây dựng pháp luật theo hướng thúc đẩy thương lượng tập thể. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có công văn trình bày quan điểm đồng ý với hồ sơ gia nhập Công ước 98 do Bộ LĐTB&XH dự thảo. Công đoàn Việt Nam mong muốn không chỉ phê chuẩn Công ước 98 và còn thực thi hiệu quả Công ước này. 
Theo ông Nguyễn Sỹ Cương, sau Hội thảo, những ý kiến sẽ được Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội ghi nhận và Ủy ban sẽ thẩm tra chính thức Công ước 98 trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.
Dương Thìn