Xã hội
Ghi nhận kết quả thực hiện chi trả trợ cấp an sinh xã hội ở Vĩnh Phúc
06:27 PM 09/03/2024
(LĐXH)-Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, tính đến ngày 09/01/2024, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 3.713 đối tượng đang hưởng chính sách an sinh xã hội tại 09 huyện thành phố có tài khoản mở tại các ngân hàng, trong đó, đối tượng người có công là 1.669 người/17.431đối tượng thụ hưởng đạt 9,57%; đối tượng bảo trợ xã hội là 2.044 người/43.684 đối tượng thụ hưởng, đạt 4.68%.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, số đối tượng đã được chi trả qua tài khoản hưởng chính sách an sinh xã hội là 624 người, kinh phí thực hiện chi trả qua tài khoản tính đến ngày 09/01/2024 là  1,15 tỷ đồng.

Trong đó, có 197 đối tượng bảo trợ xã hội, tổng số tiền là 118 triệu đồng. Được biết, trên địa bàn tỉnh có 01/09 đơn vị đã thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng cho đối tượng này, đó là huyện lập Thạch với 197/10.400 đối tượng thụ hưởng, đạt 3,15%.

Và có 427 người có công và thân nhân người có công với cách mạng đã được chi trả trợ cấp qua tài khoản, tổng số tiền 1.032.237.000 đồng. Thống kê cho thấy, thực hiện công tác này có 05/09 địa phương đã thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng qua tài khoản, đó là các huyện Bình Xuyên 246/1.920 đối tượng thụ hưởng, đạt 12,81%; Tam Đảo 59/961 đối tượng thụ hưởng, đạt 6,14%; Vĩnh Tường 81/3.565 đối tượng thụ hưởng, đạt 2,27%; Yên Lạc 26/3.054 đối tượng thụ hưởng, đạt 0,85%; Lập Thạch 15/2.111 đối tượng thụ hưởng, đạt 0,71%. Đặc biệt hiện còn 04 địa phương chưa có đối tượng chi trả qua tài khoản, đó là thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên; huyện Sông Lô; huyện Tam Dương.

Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực hiện các chính sách xã hội, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi

Nhìn chung, việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt bước đầu đã được các địa phương tích cực triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện cũng được một bộ phận đối tượng hưởng ứng, đồng tình và ủng hộ việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.

Tuy nhiên, trên thực tế, vào thời điểm này số người thuộc đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo tham gia nhận tiền qua tài khoản còn hạn chế, nhất là đối với những trường hợp già yếu không có khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng,không có nhu cầu hoặc không muốn chi trả tiền trợ cấp qua tài khoản. Cùng với đó, một số xã hiện nay chưa có hệ thống máy rút tiền tự động (ATM) do vị trí địa lý và mật độ dân, nhiều ngân hàng chưa lắp đặt hệ thống này. Tại một số địa phương, đối tượng phải di chuyển đến các xã lân cận hoặc khu vực trung tâm để rút tiền, gây khó khăn cho đối tượng. Nhiều đối tượng đã mở tài khoản ngân hàng nhưng vẫn chưa muốn nhận trợ cấp qua tài khoản.

Vì vậy, để việc chi trả trợ cấp, các chế độ chính sách không dùng tiền mặt được hiệu quả, kịp thời,trong năm 2024,Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, hướng dẫn các đối đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội mở tài khoản tại các ngân hàng.

Sở cũng tập trung thực hiện thu thập, cập nhật thông tin tài khoản, chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội theo hướng dẫn của cơ quan cấp trên.

Thường xuyên thu thập, cập nhật, xác thực thông tin về tài khoản của các đối tượng hằng tháng trước mỗi kỳ chi trả và khi làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp. Sau khi hoàn thành thu thập, cập nhật, xác thực thông tin về tài khoản ban đầu của các đối tượng, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội lập danh sách các đối tượng hưởng (hoặc cá nhân được ủy quyền nhận) chế độ, chính sách đã có tài khoản chuyển cho tổ chức dịch vụ chi trả thực hiện chi trả qua tài khoản cho các đối tượng.

Đồng thời Sở sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động mở tài khoản cá nhân để nhận chế độ, chính sách qua tài khoản cá nhân. Việc tuyên truyền, vận động cần kết hợp với việc thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng tại địa bàn để hạn chế đi, lại của đối tượng tránh phát sinh tập trung, không gây phiền hà đến đối tượng.

Cùng với đó, Sở phối hợp với Bưu điện tỉnh, các Ngân hàng trên địa bản tỉnh và Phòng Lao động ‑ Thương binh và Xã hội mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, giải quyết các tình huống cho cán bộ thực hiện chi trả; Thường xuyên đôn đốc nắm bắt, xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện./.

Mỹ Hạnh