Lao động
Du lịch Nha Trang khởi sắc: Nhu cầu giải quyết việc làm tăng vọt
10:58 AM 15/12/2017
(LĐXH) Trong vòng chỉ 20 năm, ngành du lịch Nha Trang đã có những bước tiến lớn, tận dụng được những lợi thế về thiên nhiên cũng như cải thiện chất lượng dịch vụ qua từng năm. Theo thống kê của UBND TP. Nha Trang, năm 2011, Nha Trang đón khoảng 2,073 triệu lượt khách thì đến năm 2016 theo thống kê chưa đầy đủ, con số ước đạt khoảng 4,5 triệu lượt khách. Số lượng du khách tăng vọt cũng dẫn tới sự gia tăng nhu cầu về lực lượng lao động phục vụ cho ngành du lịch, gây ra áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp.
Hiện nay, thông tin từ Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cho biết có khoảng 6000 doanh nghiệp đang hoạt động, mỗi năm cần tuyển khoảng 11.000 lao động tập trung vào các lĩnh vực như: du lịch, nhà hàng, khách sạn; marketing, kinh doanh, thương mại; chế biến, công nghệ thực phẩm, xây dựng… Đặc biệt, lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất. Tiêu chí tuyển dụng nhân viên của các nhà tuyển dụng của tỉnh không quá khắt khe, chỉ cần lao động có sức khỏe, nằm trong độ tuổi, nhiệt tình với công việc. Khi được tuyển dụng, doanh nghiệp sẽ bồi dưỡng và đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động. Mức lương các doanh nghiệp đưa ra cũng khá hấp dẫn, từ 4 đến 15 triệu đồng/tháng.
Người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh
Tuy nhiên, thực trạng trong việc tuyển dụng lại kém khả quan, khi có 10.000 người bước vào tuổi lao động mỗi năm, chỉ ít hơn so với cầu 1000 người nhưng các doanh nghiệp vẫn phàn nàn về việc thiếu người, nhất là các lao động chất lượng cao. Trong khi đó, số lượng người thất nghiệp ngày càng tăng vì không tìm được công việc phù hợp với mình, số lượng người được tuyển dụng trực tiếp từ các phiên giao dịch ngày càng giảm (năm 2014 là 373 người, năm 2015 giảm còn 290 và tới năm 2016 chỉ còn có 100 người). Nguyên nhân của nghịch lí này chính là do sự “lệch pha” giữa các ngành được đào tạo và nhu cầu tuyển dụng thật sự.
Theo khảo sát của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Khánh Hòa tại 348 doanh nghiệp có từ 50 lao động trở lên, các doanh nghiệp này mỗi năm đều phải đào tạo lại cho khoảng 2.000 người hệ cao đẳng, trung cấp nghề và hơn 1.700 người hệ sơ cấp nghề, tập trung ở các ngành nghề như: sản xuất chế biến sợi, vải, giày, da, kinh doanh, khách sạn nhà hàng, dịch vụ du lịch, công nghệ kỹ thuật điện tử, điện tử và viễn thông. Nhưng trung bình vẫn có 7000 người mất việc hàng năm do tay nghề và kỹ thuật yếu, không thể đảm nhiệm vị trí được tuyển dụng.
Nhiều lao động trẻ tham gia ngày hội việc làm tại Nha Trang 
Để giải quyết được thực trạng này, tỉnh Khánh Hòa cần tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người và người tìm việc; kết nối dữ liệu cung - cầu lao động với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp. Đồng thời triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng sàn giao dịch việc làm trên địa bàn tỉnh; bổ sung nhân lực, tổ chức đào tạo kỹ năng, tính chuyên nghiệp kết nối việc làm cho cán bộ, nhân viên tư vấn việc làm; đầu tư trang thiết bị đảm bảo sàn giao dịch hoạt động theo hướng hiện đại; mở rộng thêm các sàn giao dịch việc làm vệ tinh ở các huyện, thị xã, thành phố. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu, tìm hiểu rõ nhu cầu tuyển dụng lao động trên thị trường, nắm bắt được xu hướng việc làm theo hướng nào để có định hướng, tư vấn, đào tạo nhân lực  phù hợp. Mục tiêu đến năm 2018, nâng tần suất sàn giao dịch việc làm hoạt động hàng ngày; đảm bảo 100% người lao động đến các trung tâm dịch vụ việc làm được tư vấn việc làm, học nghề, trong đó có 70% người lao động được giới thiệu việc làm thành công và đáp ứng 70% doanh nghiệp tuyển dụng được lao động.

Minh Ngọc