Lao động
Đối thoại chính sách, pháp luật về An toàn vệ sinh lao động
02:29 PM 15/12/2017
(LĐXH) - Ngày 15/12, tại Hà Nội, Hội đồng quốc gia về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã tổ chức đối thoại chính sách, pháp luật về ATVSLĐ năm 2017. Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị
Tham dự hội nghị còn có ông Chang - Hee - Lee, Giám đốc tổ chức Lao động quốc tế tại Hà Nội; Đại diện các thành viên của Hội đồng, như: Bộ Y tế, Xây dựng, Công thương, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; Đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp và Sở LĐTBXH các địa phương.
Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ được thành lập theo Quyết định 1037/QĐ-TTg, ngày 10/6/2016 của Thủ tướng Chínhphủ, có trách nhiệm tư vấn cho Chính phủ trong việc xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về ATVSLĐ. Đây là cuộc đối thoại đầu tiên của Hội đồng nhằm trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ và ý kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về ATVSLĐ.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết: Sau khi Luật ATVSLĐ được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, các hoạt động triển khai, phổ biến Luật đã được triển khai rộng khắp trên toàn quốc, tới cả khu vực không có quan hệ lao động. Hệ thống thống kê, báo cáo tai nạn lao động (TNLĐ) đã được thiết lập đến các phường, xã cho phép thống kê đầy đủ hơn các TNLĐ xảy ra trên toàn quốc, đặc biệt với khu vực không có quan hệ lao động.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị
Các cơ chế, chính sách phòng ngừa TNLĐ, BNN trong khu vực có quan hệ lao động cũng được thúc đẩy thông qua các quy định hướng dẫn chi tiết về kiểm soát nguy cơ và rủi ro, về phòng ngừa rủi ro theo cơ chế bảo hiểm TNLĐ và BNN. Hội đồng quốc gia, hội đồng cấp tỉnh về ATVSLĐ được thành lập và tổ chức đối thoại nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và các cơ quan nhà nước để thúc đẩy việc cải thiện các điều kiện làm việc công bằng, an toàn cho người lao động, nâng cao hiệu quả xây dựng chính sách, pháp luật về ATVSLĐ.
Sau một thời gian chuẩn bị và tập hợp ý kiến đối thoại trên toàn quốc, cho đến nay Hội đồng đã nhận ý kiến từ 50 cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân với 157 câu hỏi, kiến nghị, đề xuất nhóm theo 57 vấn đề thuộc 8 nhóm nội dung chính. Thông qua buổi đối thoại này, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng mong sẽ thúc đẩy sự chủ động của người sử dụng lao động và người lao động trong việc cải thiện điều kiện lao động, đóng vai trò quyết định trong việc ngăn chặn TNLĐ, BNN.
Ông Hà Tất Thắng giải trình một số vấn đề liên quan đến Bộ LĐTBXH
Tại hội nghị, ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động - Trưởng ban thư ký Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ đã giải trình một số ý kiến từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp gửi đến Hội đồng và một số ý kiến liên quan đến Bộ LĐTBXH, như: Ý kiến về việc bồi dưỡng bằng hiện vật theo Điều 24 Luật ATVSLĐ là không cần thiết (Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản); Thay đổi cách tính 4 mức bồi dưỡng bằng hiện vật căn cứ mức lượng cơ sở hoặc tối thiểu vùng; Nhóm ý kiến về nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm...
Đại diện các bộ, ngành giải trình về các vấn đề liên quan
Đại diện Bộ Y tế, Xây dựng, Công thương, Giao thông vận tải, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng giải trình về các ý kiến liên quan đến lĩnh vực của ngành.
Tại hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, các doanh nghiệp, địa phương cũng đưa ra các ý kiến, thảo luận nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; quản lý các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm nghặt về ATVSLĐ, huấn luyện ATVSLĐ và hoàn thiện chính sách pháp luật về TNLĐ, một số chế độ cho người lao động; Quỹ TNLĐ, BNN.../.
Nguyễn Hiền