Lao động
Bình Dương tạo việc làm tăng thêm cho 46.393 lao động
01:46 PM 07/03/2019
(LĐXH)- Trong năm 2018, tỉnh Bình Dương có hơn 1 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp, chỉ tiêu tạo việc làm tăng thêm đạt 46.393 lao động (đạt 101% so với kế hoạch). Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm (Chương trình 120), tỉnh đã hỗ trợ tạo việc làm tăng thêm cho 15.084 lao động...
Những năm qua, xác định việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo mở việc làm là một trong những giải pháp cơ bản, mang tính bền vững nên Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm cho người lao động và được cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhờ vậy, số lao động được giải quyết việc làm hàng năm đều tăng cả về số lượng và chất lượng, thu nhập được nâng lên rõ rệt. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và nâng cao đời sống nhân dân.
Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương nộp hồ sơ hưởng trợ cấp BHTN và tư vấn giới thiệu việc làm
Đặc biệt, UBND tỉnh Bình Dương đã giao cho Sở Lao động - TBXH tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động, tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường lao động, khớp nối cung - cầu lao động trên thị trường; cập nhật hệ thống thông tin thị trường lao động, thu thập, cung cấp thông tin về việc làm trống, người tìm việc. Để tạo nguồn dữ liệu quan trọng trong việc xây dựng ban hành các chương trình, kế hoạch của địa phương, Bình Dương đã tiến hành thu thập thông tin cung, cầu lao động với tổng số gần 250.000 hộ và 7.700 doanh nghiệp được điều tra, cập nhật thông tin. Ngoài ra, để cung ứng nguồn lao động cho doanh nghiệp, Bình Dương tiếp tục thực hiện kế hoạch liên kết lao động với các tỉnh, trong đó đã ký hợp đồng với các tỉnh phía Bắc, miền Trung và miền Tây để tuyển dụng lao động.
Bên cạnh đó, Sở Lao động – TBXH cũng đã tập trung chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm nâng cao năng lực hoạt động của, tổ chức sàn giao dịch với tần suất tăng, hình thức tổ chức đa dạng, phong phú, mở rộng về thời gian, phạm vi và cách thức thực hiện như: phiên giao dịch việc làm mini, sàn giao dịch việc làm trực tuyến (tư vấn qua các tiện ích trên sàn giao dịch trực tuyến, qua Email, facebook, skype…); tiếp tục liên kết với các Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh qua việc thực hiện sàn giao dịch việc làm; tư vấn, giới thiệu việc làm thông qua các hình thức tư vấn trực tiếp, qua mạng, điện thoại, tin nhắn; xây dựng bản tin thông tin thị trường lao động, ngân hàng dữ liệu lao động tỉnh Bình Dương. Đồng thời, quan tâm tư vấn, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ, sinh viên mới ra trường bằng việc đến tư vấn, giới thiệu việc làm trực tiếp tại buổi ra quân và các buổi lễ tốt nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn.
Chỉ tính riêng trong năm 2018, Bình Dương đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 132.583 lao động, trong đó giới thiệu việc làm cho 85.303 người, 46.255 người nhận được việc làm (đạt tỉ lệ 34,9% so với tổng số người được giới thiệu việc làm); tổ chức 27 sàn giao dịch việc làm (đạt 100% kế hoạch) với 3.268 lượt doanh nghiệp tham gia trực tiếp và trực tuyến với nhu cầu tuyển dụng là 114.479 lao động; tổ chức 24 lớp bồi dưỡng kỹ năng tìm việc cho người lao động và kỹ năng nghiệp vụ. Riêng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tỉnh đã duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp 71.346 quyết định với số tiền trợ cấp là 1.014.821 triệu đồng, hỗ trợ học nghề là 3.650 người (tăng 16,9% so với năm 2017) và tư vấn, giới thiệu việc làm cho 69.240 người; đồng thời, tổ chức gặp gỡ, trao đổi với người lao động từ 35 tuổi trở lên nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp với hơn 100 người lao động để đánh giá nguyên nhân, kiến nghị và giải pháp quay lại thị trường lao động.
Phát huy những kết quả trong công tác giải quyết việc làm, ngay từ đầu năm 2019, tỉnh Bình Dương đã tập trung đẩy mạnh các giải pháp mà tỉnh đã đề ra trong giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, xác định giải quyết việc làm là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể, các tổ chức xã hội và mỗi người lao động. Tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với chương trình lao động – việc làm; phát triển và nhân rộng nhiều mô hình giải quyết việc làm tại các huyện, thành phố, góp phần tạo việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động như doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh tế gia đình, kinh tế trang trại.

Chí Tâm