Lao động
Bảo vệ quyền của người chưa thành niên trong Bộ luật Lao động sửa đổi
04:25 PM 23/04/2019
(LĐXH) - Ngày 23/4, tại Hà Nội, Hội thảo “Quyền của người chưa thành niên trong Bộ luật Lao động sửa đổi” đã diễn ra với sự tham dự của bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; bà Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Tạ Văn Hạ, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; bà Lesley Miller - Phó Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam cùng đại diện các Bộ, ban, ngành, tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ và đại diện nhóm thanh niên.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội thảo

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết thời gian qua, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực liên quan đến việc phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em (LĐTE) như hoàn thiện luật pháp, chính sách đến triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên vấn đề phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ LĐTE trái quy định của pháp luật còn nhiều khó khăn. Trong đó, vấn đề nghèo đói vẫn được xem là nguyên nhân chính dẫn đến trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế và từ đó dẫn đến nguy cơ LĐTE trái quy định của pháp luật.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, quyền của người chưa thành niên trong sửa đổi BLLĐ là một trong những nội dung quan trọng được BLLĐ quy định tại Chương 11: Những quy định riêng đối với lao động chưa thành niên và một số lao động khác. Nội dung dự thảo BLLĐ hiện vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lao động và yêu cầu bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cũng như đặt ra các qui định nhằm nghiêm cấm lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em. Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong muốn các đại biểu tập trung đề xuất các quy định nhằm bảo vệ quyền làm việc, lao động phù hợp với lứa tuổi để không ảnh hưởng đến việc học tập, sự phát triển thể chất, tinh thần của người chưa thành niên, trong đó tập trung chủ yếu vào bốn nhóm vấn đề: Xác định độ tuổi lao động phù hợp; các nguyên tắc tuyển dụng và sử dụng lao động chưa thành niên; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi phù hợp; công việc và địa điểm làm việc phù hợp với người lao động chưa thành niên.

“Việc đưa những quy định bảo vệ quyền trẻ em, người chưa thành niên trong lao động là hết sức quan trọng, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững của doanh nghiệp và đáp ứng yêu cầu hội nhập về thương mại của Việt Nam. Đặc biệt khi Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP và trong tiến trình cũng có thể sẽ ký kết, phê chuẩn các hiệp định khác”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Đại diện các cơ quan chủ trì hội thảo

Việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này, theo đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, sẽ là sửa cơ bản, toàn diện nhằm góp phần thúc đẩy thị trường lao động phát triển; giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau 05 năm áp dụng trên thực tế và tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn về tuyển dụng, sử dụng lao động, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam. Đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực lao động và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Mai Đức Thiện chia sẻ lộ trình và các nội dung sửa đổi trong Bộ luật Lao động

Về nội dung sửa đổi liên quan đến người chưa thành niên, ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế nêu rõ: Bảo vệ quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc của Công dân (Điều 35 Hiến pháp); Nghiêm cấm sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu; Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; Nghiêm cấm lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em; Người chưa thành niên, trẻ em khi tham gia lao động với tư cách là NLĐ thì ngoài việc phải tuân thủ các quyền, nghĩa vụ cơ bản về điều kiện lao động (hợp đồng lao động, đào tạo nghề, tiền lương, thời giờ làm việc, an toàn vệ sinh lao động, kỷ luật lao động trách nhiệm vật chất…) thì còn phải tuân thủ các quy định riêng cho lao động chưa thành niên.

Còn đối với nội dung sửa đổi nhóm điều luật liên quan đến trẻ em, người chưa thành niên bao gồm: Xác định độ tuổi lao động tối thiểu; Đưa ra nguyên tắc tuyển dụng và sử dụng lao động chưa thành niên; Xác định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi hợp lý; Xác định công việc và địa điểm làm việc phù hợp. Cụ thể, độ tuổi qui định, độ tuổi lao động tối thiểu là từ đủ 15 tuổi trở lên; NLĐ chưa thành niên là NLĐ chưa đủ 18 tuổi (có 3 mốc tuổi: chưa đủ 13 tuổi, đủ 13 đến chưa đủ 15 tuổi, đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi).

Về thời giờ làm việc hợp lý, thời giờ làm việc của người chưa đủ 13 tuổi không quá 1 giờ/1 ngày hoặc 5 giờ/1 tuần. Người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi không được quá 4 giờ/1 ngày hoặc 20 giờ/ 1 tuần. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được quá 8 giờ/1 ngày hoặc 40 giờ/1 tuần. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề và công việc.

Trên thực tiễn trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuỗi cung ứng này càng trở nên phức tạp, bao gồm: phân công, các nhà sản xuất nhỏ, các doanh nghiệp, sản xuất, vận chuyển, phân phối sản phẩm… Việc sử dụng LĐTE ở bất kỳ khâu nào trong chuỗi cung ứng đều vi phạm pháp luật, dẫn tới ảnh hưởng không tốt đến việc tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, vấn đề nghèo đói vẫn được xem là nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế và từ đó dẫn đến nguy cơ LĐTE trái quy định pháp luật. Một khó khăn nữa là hệ thống dịch vụ trẻ em chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ nên việc triển khai các chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em còn nhiều khó khăn. nguồn đầu tư bố trí kinh phí để triển khai các chương trình phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE từ trung ương đến địa phương cũng còn hạn hẹp.

Chuyên gia về Pháp luật và Quyền trẻ em của UNICEF trình bày các khuyến nghị chính trong sửa đổi Bộ luật Lao động

Những nội dung chính về quyền của người chưa thành niên trong Bộ luật Lao động sửa đổi được các chuyên gia và diễn giả thảo luận xoay quanh các vấn đề: xác định các quy định nhằm bảo vệ quyền làm việc, lao động phù hợp với lứa tuổi, không ảnh hưởng đến sự việc học tập, sự phát triển thể chất, tinh thần của người chưa thành niên. trong đó, tập trung chủ yếu vào 4 nhóm vấn đề: Xác định độ tuổi lao động phù hợp; Các nguyên tắc tuyển dụng và sử dụng lao động chưa thành niên; Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi phù hợp; Công việc và địa điểm làm việc phù hợp với lao động chưa thành niên. Đồng thời, đưa ra những quy định bảo vệ quyền của trẻ em/người chưa thành niên trong lao động là hết sức quan trọng góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững của doanh nghiệp và đáp ứng yêu cầu hội nhập thương mại của Việt Nam, đặc biệt là khi nước ta đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP và tiến tới ký kết, phê chuẩn các hiệp ước khác. Đây là những vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp tới đông đảo người lao động và các doanh nghiệp, nên cần được thảo luận lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng có liên quan.

Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2019).

Trần Huyền