Lao động
Bắc Kạn: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động
02:08 PM 08/12/2017
(LĐXH) - Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã mở rộng các hình thức dạy nghề trong doanh nghiệp, công ty, dạy nghề gắn với sản xuất, dạy nghề theo nhu cầu của xã hội, nhờ đó tỷ lệ người lao động qua học nghề có việc làm ngày một tăng lên.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: Trường Cao đẳng nghề dân tộc nội trú Bắc Kạn; Trường Cao đẳng Cộng đồng Bắc Kạn; Trường Trung cấp Y tế Bắc Kạn; 7 Trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện; 9 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 5 cơ sở công lập là (Trung tâm dịch vụ việc làm; Trung tâm hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Bắc Kạn; Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Kạn; Trung tâm khuyến nông tỉnh Bắc Kạn; Trung tâm Đào tạo nghề lái xe thuộc Trường Cao đẳng Nghề số I - Bộ Quốc phòng) và 4 cơ sở ngoài công lập là (Trung tâm Dạy nghề Công nông nghiệp Bắc Kạn; Trung tâm Đào tạo lái xe thuộc Công ty CP Vận tải, xây dựng và dịch vụ Bắc Kạn; Hợp tác xã Thanh Hải- mái ấm của người khuyết tật; Công ty TNHH dịch vụ và đào tạo làm đẹp Hồng Nhị).
Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Điển hình như Trường Cao đẳng Nghề Dân tộc Nội trú Bắc Kạn. Thời gian qua, Nhà trường luôn quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo với các giải pháp đầu tư nguồn lực để hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ dạy nghề; cải tiến chương trình, giáo trình đào tạo; chú trọng việc phối hợp với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo và giải quyết việc làm sau học nghề cho học sinh. Qua đó đã hỗ trợ tích cực quá trình đào tạo, tạo điều kiện cho học sinh sinh viên có môi trường thực hành tốt nhất, đồng thời giám sát quá trình đào tạo và chất lượng của sinh viên sau khi ra trường. Mặt khác, thông qua việc phối hợp này, các doanh nghiệp sẽ được cung cấp đội ngũ lao động có tay nghề, đáp ứng được nhu cầu công việc, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chất lượng đào tạo nghề của Trường Cao đẳng Nghề Dân tộc Nội trú Bắc Kạn cũng từng bước được khẳng định khi ngày càng nhiều học sinh đăng ký học nghề ngay từ bậc THCS. Sự thay đổi trong tư duy, nhận thức của người dân về việc học nghề sau khi tốt nghiệp THPT cũng đã tác động trực tiếp đến kết quả tuyển sinh của trường. Trong 2 đợt tuyển sinh năm 2016, nhà trường đã có 715 học sinh, sinh viên nhập học, vượt chỉ tiêu đề ra. Trong tháng 9/2017 nhà trường tuyển sinh  đợt 1 được hơn 300 học sinh, sinh viên vào nhập học với các ngành nghề.
Học viên Trường Cao đẳng nghề dân tộc nội trú Bắc Kạn trong giờ thực hành
Hiện nay đang có rất nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp liên hệ với Trường Cao đẳng Nghề DTNT Bắc Kạn về tuyển dụng lao động sau đào tạo với số lượng lớn và nhiều ưu đãi như Công ty Cổ phần khoáng sản Tây Giang, Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư phát triển hạ tầng Bắc Kạn, Công ty Cổ phần LILAMA 69-1 Bắc Ninh, Công ty Cổ phần Cơ khí kết cấu thép Sóc Sơn, Công ty cáp điện HANAKA Bắc Ninh… Đến thời điểm này, nhà trường đã liên kết với trên 10 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Các em học sinh tốt nghiệp đa số đã được nhà trường giới thiệu đi làm tại các doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh hoặc đang trong thời gian triệu tập đi làm việc. Trong thời gian tới, nhà trường đặt ra nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục, uy tín trong công tác đào tạo, đáp ứng nhu cầu việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Song song với công tác tuyển sinh, nhà trường cũng chú trọng xây dựng chiến lược trong công tác đào tạo, đa dạng hóa các ngành nghề, đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng nhiệm vụ dạy và học; đào tạo đội ngũ giáo viên chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác cùng các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tạo cơ hội cho người học được thực hành, nâng cao kỹ năng, đồng thời tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Trong giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 20.000 lao động bình quân mỗi năm giải quyết thêm 5.000 việc làm. Theo đó, nâng tỉ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn lên trên 85% vào năm 2020, kiểm soát tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới mức 3,5%. Tổ chức tư vấn việc làm cho trên 14.000 người, trong đó hơn 40% số người được tư vấn tìm được việc làm. Đầu tư hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm theo quy hoạch được phê duyệt nhằm đáp ứng các yêu cầu về phát triển thị trường lao động chung của cả nước.
Nhằm thực hiện mục tiêu, tỉnh Bắc Kạn đề ra 07 nhiệm vụ chủ yếu và xác định rõ đối tượng, phạm vi điều chỉnh và đưa ra các giải pháp, cơ chế chính sách chủ yếu để đảm bảo thực hiện có hiệu quả như tạo việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó phát huy chính sách việc làm công; thông qua việc hỗ trợ vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm; hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ phát triển thị trường lao động; hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp.
Cảnh Minh