Nghiên cứu - trao đổi
Từng bước hoàn thiện Pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng
09:29 AM 01/06/2016
(LĐXH)- “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, đạo lý cao đẹp của dân tộc ta được kế thừa và phát huy trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đây cũng là nguyên tắc Hiến định được ghi nhận ở Điều 67 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Những người và gia đình có công với nước được khen thưởng, chăm sóc”. 

Thể chế Hiến pháp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Chính sách ưu đãi qui định tại Pháp lệnh đã đi vào đời sống xã hội và đạt được nhiều thành tựu. Cụ thể là hệ thống văn bản pháp luật về ưu đãi người có công tương đối đầy đủ và cơ bản đã thể chế hoá được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công; tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân tham gia tích cực vào việc đền ơn đáp nghĩa, chăm lo trợ giúp người có công và tạo điều kiện thuận lợi để người có công vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống. Hầu hết người có công và thân nhân của họ đã được hưởng các chế độ ưu đãi của nhà nước. Đời sống người có công được ổn định và từng bước được cải thiện, góp phần to lớn ổn định chính trị, xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; góp phần ổn định chính trị - xã hội để phát triển kinh tế trong thời kỳ đổi mới. 

Hiện nay, cả nước có khoảng trên 8,8 triệu đối tượng người có công, chiếm khoảng gần 10% dân số, trong đó có hơn 1,47 triệu đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của Nhà nước; 100% Bà Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được chăm sóc, phụng dưỡng đến cuối đời; 95% xã phường được công nhận là xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công; 95% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống nơi cư trú.

Nhìn chung, Pháp lệnh đã thể chế cơ bản hệ thống chính sách ưu đãi xã hội đối với người có công, tạo lập hành lang pháp lý, trở thành công cụ cho hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ưu đãi xã hội. Đây là tiền đề để thực hiện sự ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. 

 Cả nước có khoảng trên 8,8 triệu đối tượng người có công

 Để đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn, hệ thống chính sách ưu đãi xã hội đối với người có công không ngừng được bổ sung, sửa đổi phù hợp với tiến trình đổi mới của đất nước, đồng bộ với những văn bản pháp luật khác có liên quan trong hệ thống pháp luật, ngày 16 tháng 07 năm 2012, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Ngày 09 tháng 04 năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Sau hơn 3 năm thực hiện đã đạt được những kết quả khả quan, cụ thể là: 

- Điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công đã từng bước được hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khách quan, công bằng xã hội, phù hợp với tiến trình cải cách hành chính, hài hoà với hệ thống pháp luật Việt Nam đang trong tiến trình đổi mới. Mỗi diện đối tượng có điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận cụ thể. Điều kiện xác nhận và chế độ ưu đãi được mở rộng hơn, bảo đảm kịp thời và đúng đối tượng, cụ thể như trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống tại gia đình đã được thực hiện từ ngày 01/9/2012 với gần 8.000 bà mẹ được hưởng chế độ; trợ cấp người phục vụ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống tại gia đình đã được thực hiện từ 01/9/2012 với gần 7.000 người được hưởng chế độ; trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày đã được thực hiện từ ngày 01/9/2012 với trên 65.000 người được hưởng chế độ; trợ cấp thờ cúng liệt sĩ mỗi năm một lần đã được thực hiện từ ngày 01/01/2013 với trên 410.000 người được hưởng chế độ. Việc điều chỉnh chế độ điều dưỡng luân phiên từ 5 năm sang 2 năm một lần đã được thực hiện từ ngày 01/01/2013 với trên 1.200.000 người được hưởng chế độ điều dưỡng 2 năm một lần. Việc điều chỉnh trợ cấp đối với thân nhân liệt sĩ theo định suất liệt sĩ, trường hợp mồ côi cha mẹ hoặc cô đơn không nơi nương tựa được hưởng thêm trợ cấp tuất nuôi dưỡng bằng 0,8 lần mức chuẩn đã được thực hiện từ ngày 01/01/2013; Việc chuyển đổi mức trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH) đối với người đã được công nhận và thực hiện chế độ trước ngày 01/9/2012 được triển khai thực hiện từ ngày 01/01/2013 với trên 153.000 người chuyển hưởng các mức trợ cấp mới, trong đó có gần 15.000 người được điều chỉnh hưởng trợ cấp theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 21%-40%, trên 62.000 người được điều chỉnh hưởng trợ cấp theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 41%-60%, 58.000 người được điều chỉnh hưởng trợ cấp theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

- Thẩm quyền, trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về ưu đãi xã hội đã được qui định rõ ràng, cụ thể hơn, phù hợp với tiến trình cải cách hành chính Nhà nước.

- Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm bám sát theo qui định chung. Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền đã hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra đạt hiệu quả cao, phục vụ công tác quản lý Nhà nước, góp phần ổn định chính trị - xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chính sách ưu đãi người có công cũng đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế, gây khó khăn cho công tác thực hiện. Cụ thể như qui định về điều kiện xác nhận đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 còn có điểm chưa phù hợp; quy định về cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định hồ sơ trước khi ra quyết định công nhận còn chưa đầy đủ; qui định về chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học chưa phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội, thực tế triển khai thực hiện còn chưa thống nhất giữa các địa phương, một số đối tượng bị giảm trợ cấp gây khó khăn trong chỉ đạo thực hiện và bức xúc cho đối tượng thụ hưởng chính sách.

Mặt khác, các văn bản hiện hành cũng chưa qui định rõ trách nhiệm cụ thể của cơ quan nào trong việc hướng dẫn khám giám định lại đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã được công nhận và giải quyết chế độ trước ngày 01/9/2012, trong việc hướng dẫn xác nhận, cung cấp thông tin về thời gian và địa điểm bị địch bắt tù, đày đối với người tham gia hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến...

Chính vì vậy, để bảo đảm việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công được thực hiện đồng bộ, phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống các văn bản qui phạm pháp luật về ưu đãi người có công nói riêng và trong hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung (như: Luật Bảo hiểm y tế, Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật, Luật Thi đua khen thưởng…), cần thiết phải bổ sung, sửa đổi Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/04/2013 của Chính phủ nhằm điều chỉnh thống nhất một số nội dung về điều kiện, căn cứ xác nhận người có công, khắc phục tình trạng chồng chéo, chưa rõ ràng; quy định cụ thể hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành chức năng, các cơ quan đoàn thể, các địa phương thống nhất Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, trình Chính phủ xem xét, quyết định một số vấn đề lớn như sau:

 - Về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công: Sửa đổi, bổ sung một số căn cứ xác nhận đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 còn sống và người đã hy sinh, từ trần; Bổ sung đối tượng được xem xét xác nhận liệt sĩ, thương binh.

- Bổ sung chế độ mua bảo hiểm y tế đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc lấy vợ khác; Bổ sung chế độ trợ cấp một lần đối với thân nhân của người có đủ điều kiện công nhận là người có công giúp đỡ cách mạng đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi; Bổ sung qui định về việc ủy quyền đi thăm viếng, di chuyển mộ liệt sỹ đối với thân nhân, gia đình liệt sĩ.

Sửa đổi, bổ sung qui định về nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong công tác xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình ghi công liệt sĩ; Sửa đổi, bổ sung qui định về việc điều chỉnh trợ cấp ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã được công nhận và đang hưởng chế độ trước ngày 01/9/2012 theo đúng quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công, nhằm đảm bảo quyền lợi của đối tượng.

- Về thẩm quyền, trách nhiệm quản lý Nhà nước: Sửa đổi, bổ sung quy trình xác nhận người hoạt động cách mạng theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền của Đảng nhằm đảm bảo sự thống nhất, chặt chẽ. Bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của các Bộ, ngành, theo đó Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn việc xác nhận, cung cấp thông tin về thời gian và địa điểm bị địch bắt tù, đày đối với người tham gia hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến; Bộ Y tế hướng dẫn việc khám giám định lại đối với diện đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã được công nhận và giải quyết chế độ trước ngày 01/9/2012.

Nhìn chung, việc sửa đổi, bổ sung các qui định như đã nêu trên sẽ tăng cường hiệu quả của chế độ ưu đãi với mục tiêu quan tâm, chăm lo nhiều hơn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đối tượng chính sách, tạo điều kiện cho việc thực hiện công bằng xã hội, đúng theo nguyên tắc đã được ghi nhận trong Cương lĩnh xây dựng đất nước: “Không chờ kinh tế phát triển cao mới giải quyết các vấn đề xã hội mà ngay trong từng bước, trong suốt quá trình phát triển tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội”.

Việc xác định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý chức năng như Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính là sự phân công, phân nhiệm rõ ràng trong quản lý Nhà nước, đảm bảo hoạt động quản lý Nhà nước mới thống nhất, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính hiện nay. Từng bước hoàn thiện Pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng mang ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, tạo điều kiện hình thành một thể chế hành chính lĩnh vực người có công, đưa hoạt động quản lý Nhà nước lĩnh vực người có công lên một tầm cao mới, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đối với những người có công với cách mạng./.

Nguyễn Duy Kiên

Phó Cục trưởng Cục Người có công