Nghiên cứu - trao đổi
Giải pháp phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước
07:54 AM 12/02/2024
(LĐXH)- Nhằm duy trì và mở rộng thị phần tại thị trường các quốc gia/vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động Việt Nam, đảm bảo số lượng và chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ để pháp phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước.
Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một trong những chủ trương chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước, góp phần tạo mở việc làm cho người lao động với công việc ổn định và thu nhập tốt. Đồng thời, nâng cao trình độ kỹ năng, tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động, mang lại nguồn ngoại tệ cho đất nước từ thu nhập người lao động chuyển về, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững cho người lao động, đặc biệt là những người ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Chính vì vậy, công tác mở rộng và phát triển thị trường lao động mới với loại hình ngành nghề mới, phù hợp, an toàn và thu nhập cao cho người lao động cũng như duy trì ổn định và phát triển các thị trường truyền thống, tập trung nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài thường xuyên được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quan tâm chỉ đạo.
Hiện có khoảng 650 nghìn lao động Việt Nam làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một số thị trường ngoài nước tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam gồm: Nhật Bản trên 300 nghìn người, Đài Loan (Trung Quốc) hơn 260 nghìn người, Hàn Quốc gần 50 nghìn người; thị trường một số quốc gia Châu Âu trên 10.000 người; thị trường Trung Đông và Châu phi với trên 10.000 người và các thị trường khác.
Nhật Bản vẫn là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam sang làm việc
Lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong nhiều loại hình ngành nghề công việc như: sản xuất, chế tạo (cơ khí, dệt may, giầy da, lắp ráp điện tử...); xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản) và dịch vụ (chăm sóc người cao tuổi, người bệnh, giúp việc trong gia đình) với điều kiện làm việc và sinh hoạt tốt, chế độ phúc lợi bảo đảm. Thu nhập của người lao động cao và ổn định, giao động từ 1.200 – 1.600 USD/tháng tại Nhật Bản và Hàn Quốc; 800 - 1.200 USD/tháng tại Đài Loan (Trung Quốc) và các nước Châu Âu; 700 – 1.000 USD/tháng đối với lao động có nghề và 500 – 600 USD/tháng đối với lao động phổ thông ở địa bàn Trung Đông, Châu Phi.
Lượng kiều hối do người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài chuyển về trong nước hàng năm ước tính đạt từ 5 – 7 tỷ Đô la Mỹ. Số tiền này đã giúp cải thiện cuộc sống của bản thân người lao động và gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đặc biệt là tại những tỉnh, thành phố có số lượng lớn người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Từ năm 2014 đến nay (trừ năm 2020 và 2021 do tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid-19), số lượng lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đều đạt con số trên 100.000 người mỗi năm. Trong năm 2023, gần 160.000 lao động đã được đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cao nhất trong số lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tính theo năm trong 10 năm qua. Đây là kết quả của việc tiếp tục triển khai tốt các chủ trương, chính sách và nhiệm vụ trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương và sự tích cực tham gia của các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ.
Về thị trường lao động ngoài nước, đa số các quốc gia, vùng lãnh thổ truyền thống và trọng điểm tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam đều đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số và tỷ lệ sinh thấp. Do vậy, họ cần tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài, trong đó có lao động từ Việt Nam, để bù đắp sự thiếu hụt nhân lực, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.
Bên cạnh các thị trường đang tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam hiện nay như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, thì các thị trường khác cũng đang có nhu cầu đối với lao động Việt Nam như các nước thuộc Đông Âu (Rumani, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Serbia). Đặc biệt gần đây, thị trường lao động ở các nước Trung Đông, Châu Phi sau một thời gian trầm lắng, nay cũng đã có chiều hướng sôi động trở lại. Cơ quan chức năng của các nước này đang đặt vấn đề với Việt Nam nhằm thúc đẩy việc đưa và tiếp nhận trở lại lao động Việt Nam với việc đề nghị tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tuyến, trực tiếp, việc đàm phán ký kết các thỏa thuận hợp tác lao động.
Qua khảo sát, phía Ả rập xê út, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đang mong muốn nhận lao động trong các lĩnh vực ngành nghề cơ khí, xây dựng, sản xuất chế tạo, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, làm đẹp với mức lương từ 600 USD/tháng. Đối với lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, chứng chỉ tay nghề và khả năng ngoại ngữ, mức lương có thể đạt từ 1.000 USD – 1.500 USD/tháng.
Với tình hình và nhu cầu của thị trường lao động ngoài nước như vậy, nếu không có diễn biến bất khả kháng như khủng hoảng, dịch bệnh, thì số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thể sẽ tiếp tục được duy trì ở mức cao như hiện nay trong những năm tới đây.
Chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ngày càng được đánh giá cao
Lao động Việt Nam đã làm việc tại các quốc gia và vùng lãnh thổ này từ nhiều năm, được các cơ quan hữu quan, doanh nghiệp và người sử dụng lao động tin tưởng và đánh giá tích cực về sự cần cù, chăm chỉ, khéo tay với khả năng nắm bắt công việc nhanh, sáng tạo và làm việc năng suất, chất lượng cũng như tinh thần học hỏi và thái độ trong công việc. Thêm vào đó, với nhiều điểm tương đồng giữa Việt Nam và các địa bàn tiếp nhận truyền thống nên lao động Việt Nam luôn được ưu tiên lựa chọn hơn so với lao động từ các nước phái cử khác.
Về xu hướng, các quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động đều muốn đa dạng hóa nguồn tiếp nhận lao động, tránh việc phụ thuộc vào lao động của bất kỳ quốc gia phái cử nào. Phần lớn người sử dụng lao động nước ngoài đều muốn nhận lao động đã qua đào tạo, có trình độ chuyên môn, tay nghề, ngoại ngữ, vì những lao động này có khả năng tiếp thu công việc nhanh, làm việc có năng suất và hiệu quả, thêm vào đó là ý thức tổ chức kỷ luật lao động và sinh hoạt tốt hơn. Do đó, chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài luôn được quan tâm và đặt lên hàng đầu, không chỉ là trình độ kỹ năng, tay nghề mà còn cả khả năng ngoại ngữ và ý thức tổ chức kỷ luật.
Vấn đề nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ để đáp ứng nhu cầu của đối tác nước ngoài, đủ sức cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế mà còn góp phần đảm bảo được vị thế của người lao động Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài, cũng như qua đó nâng cao trình độ của người lao động để về làm việc trong nước. Việt Nam chủ trương đưa lao động qua đào tạo, khuyến khích nâng cao trình độ trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, phù hợp với xu hướng chung của thị trường lao động và người sử dụng lao động, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thời gian qua, song song với việc duy trì và phát triển thị phần tại các thị trường truyền thống, có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam sang làm việc, Việt Nam đã đàm phán và thống nhất về nguyên tắc với một số quốc gia tiềm năng, có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam, với các ngành nghề phù hợp, có thu nhập cao như Israel, Australia, Đức và một số quốc gia châu Âu...
Để duy trì và mở rộng thị phần tại thị trường các quốc gia/vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động Việt Nam, đảm bảo số lượng và chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian tới, cần tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp chính sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước về hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, nhất là Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản hướng dẫn.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn lao động, tập trung đưa lao động qua đào tạo, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề đi làm việc ở nước ngoài. Tăng cường công tác kết nối, phối hợp giữa doanh nghiệp với các trường đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, địa phương trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng, trình độ đi làm việc ở nước ngoài. Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với doanh nghiệp, với nhu cầu của thị trường và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ ba, tiếp tục tăng cường phối hợp với cơ quan hữu quan, đối tác tại thị trường tiếp nhận lao động truyền thống để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động làm việc ở nước ngoài. Mở rộng thị phần, ngành nghề và số lượng lao động tiếp nhận; tiếp tục tăng cường hoạt động xúc tiến, trao đổi, đàm phán và ký kết các văn bản Thỏa thuận, Ghi nhớ hợp tác về lao động với các quốc gia, vùng lãnh thổ tiềm năng, có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam trong những ngành nghề công việc an toàn, phù hợp và thu nhập cao.
Thứ tư, tiếp tục trao đổi, đàm phán với các cơ quan chức năng của nước ngoài, các tổ chức quốc tế nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp, tổ chức đào tạo giáo dục nghề nghiệp theo nội dung, chương trình chuẩn của nước ngoài, quốc tế; ký kết thỏa thuận hợp tác trong việc công nhận chứng chỉ trình độ chuyên môn, kỹ năng của Việt Nam với các nước, khu vực.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về nhu cầu thị trường lao động ngoài nước, các điều kiện, tiêu chuẩn đối với người lao động về trình độ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, sức khỏe, về tiền lương, thu nhập, chi phí đi làm việc ở nước ngoài để định hướng cho người lao động chủ động tìm hiểu, nâng cao năng lực, khả năng đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động ngoài nước.
Thứ sáu, tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng./. 
Tống Hải Nam
Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước