Nghiên cứu - trao đổi
Một số vấn đề giáo dục hướng nghiệp người lớn
09:29 PM 06/12/2023
(LĐXH) - Hiện nay, nước ta đang trong giai đoạn đẩy mạnh sự nghiệp Công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế thế giới, từng bước phát triển nền kinh tế tri thức, xây dựng xã hội học tập. Sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế đã kéo theo sự thay đổi cơ cấu ngành nghề trong nền kinh tế. Công tác giáo dục hướng nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh cơ cấu lao động và trình độ đào tạo cho phù hợp với yêu cầu kinh tế đất nước, đã tác động mạnh mẽ đến công tác hướng nghiệp cho người lớn trong việc chuyển đổi ngành nghề.
Sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ Nghệ II trong giờ học thực hành

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2021 về việc phê duyệt chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 -2030, cụ thể: Giai đoạn 2022 -2025 ít nhất 50% người cao tuổi có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm; ít nhất 20.000 người cao tuổi được hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở trợ giúp xã hội, trung tâm dịch vụ việc làm; ít nhất 10.000 hộ gia đình có người cao tuổi có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi.

Giai đoạn 2026 -2030: Ít nhất 70% người cao tuổi có nhu cầu, khả năng lao động có việc làm; ít nhất 30.000 người cao tuổi được hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở trợ giúp xã hội, trung tâm dịch vụ việc làm; ít nhất 20.000 hộ gia đình có người cao tuổi có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi. Bài viết giới thiệu một số nội dung về giáo dục hướng nghiệp người lớn có để các cơ sở giáo dục tham khảo và vận dụng vào thực tiễn.

Một số khái niệm về dạy nghề người lớn

Dạy nghề cho người lớn

Những hoạt động giúp người lớn tiếp tục trong cuộc đời lao động của mình để phát triển những kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết nhằm giúp họ thành thạo công việc hơn như sản xuất các sản phẩm, tiến hành buôn bán và những hoạt động nghề nghiệp khác [1].

Giáo dục cơ sở cho người lớn

Công việc giáo dục người lớn trong những lĩnh vực kiến thức sơ đẳng như xóa mù chữ, làm tính với những phép tính đơn giản, kỹ năng xã hội và kỹ năng sống, những hiểu biết về cuộc sống cộng đồng cần cho việc tham gia có trách nhiệm của người lớn trong các hoạt động xã hội [1].

Giáo dục hưu trí

Giáo dục cho những người sắp hoặc mới về hưu để trang bị cho họ những kiến thức và kỹ năng nhằm giúp họ thích ứng với những thay đổi của cuộc sống khi nghỉ hưu. Nội dung chủ yếu là đề cập tới vấn đề thể lực, bảo vệ sức khỏe, tạo tâm lý thoải mái và điều kiện thu nhập nếu người học cần [1].

Hướng nghiệp người lớn:

Được hiểu theo nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, theo chúng tôi hướng nghiệp người lớn là quá trình giúp đỡ để người lớn thực hiện được các dự án nghề nghiệp của mình trong khuôn khổ của thị trường lao động.

Nguyên tắc chọn nghề

- Nguyên tắc thứ nhất, không chọn nghề mà bản thân không yêu thích;

- Nguyên tắc thứ hai, không chọn nghề mà bản thân không đủ điều kiện tâm lý, sinh lý cũng như điều kiện xã hội để đáp ứng những yêu cầu của nghề;

- Nguyên tắc thứ ba, không chọn nghề nằm ngoài kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hoặc của quốc gia. Trên cơ sở xác định sự phù hợp nghề, nguyên tắc chọn nghề thì thực hiện qui trình chọn nghề như sau [2]: (xem sơ đồ 1.1)


Tổ chức hướng nghiệp cho người lớn

Đối tượng hướng nghiệp: Người đang lao động; người lao động cần bổ sung, phát triển những kiến thức, kỹ năng, thái độ để thành thạo nghề; đào tạo lại để phù hợp với công việc đang đảm nhận; đào tạo chuyển nghề; người sắp về hưu: hỗ trợ đối tượng này để có kỹ năng ứng phó với những thay đổi cuộc sống do nghỉ hưu mang lại, những vấn đề tâm lí – xã hội, thể lực, tài chính…giúp cho người về hưu tiếp tục phát triển và cống hiến những tài năng của họ. Hướng nghiệp người lớn có tính đặc thù riêng, cần vận dụng triển khai đồng bộ những phương pháp tổng kết kỹ năng và kinh nghiệm nghề.

Các bước thực hiện

Bước 1: Lập bảng tổng hợp: liệt kê tát cả các kinh nghiệp, sắp xếp theo thời gian, từng thời điểm cụ thể, nhiệm vụ làm gì? ở đâu?...liệt kê những gì đã có kinh nghiệm, tên nghề, hay công việc đã làm, ngày tham gia làm việc và cần mô tả rõ kinh nghiệm này.

Bước 2: Phân tích kinh nghiệm: nhiệm vụ, mục đích, những công việc đã làm cụ thể là gì?

Bước 3: Lập bảng tổng họp: trong các kinh nghiệm đã tích luỹ được, bạn có muốn tiếp tục sử dụng kinh nghiệm nào trong hiện nay hay không. Trong tương lai bạn muốn tiếp tục dùng, sử dụng kinh nghiệm nào?

Bước 4: Tìm hiểu thích nghi với công việc mới

Bước 5: Lập kế hoạch  dự kiến tạo ra những kinh nghiệm mới, thích ứng với nghề mới, nội dung của bảng tổng kết kỹ năng, kinh nghiệm bao gồm: liệt kê được các kinh nghiệm nghề của bản thân; định vị lại kinh nghiệm đó trong chuỗi thời gian mà người lớn đã làm; xem xét lại nghề của người lớn bằng cách đầu tư thời gian vào phân tích nó; xác định, định vị được những thành tựu của mình, những cái đó tạo nên vốn nghề : kiến thức, kỹ năng, thái độ, mong muốn, hứng thú, sở thích, cá nhân; hãy so sánh những đặc điểm hiện trạng của bạn với thực tế của nghề: tiến triển về phương diện, kỹ thuật, kinh tế để đánh giá tốt hơn những khả năng của bạn.

Sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ Nghệ II trong giờ học thực hành

Một số giải pháp

Một là, tiếp tục dẫn dắt và truyền cảm hứng. Giáo dục hướng nghiệp ở trường phổ thông, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Mục tiêu chính là hình thành hứng thú nghề, năng lực nghề sẵn sàng tâm lý đi vào lao động nghề nghiệp. Trong khi đó, giáo dục hướng nghiệp ở trường nghề giúp cho các em chọn được một nghề cụ thể, phù hợp; giúp các em hướng đến quá trình thích ứng nghề. Lúc này, phạm vi hoạt động sẽ diễn ra ở trường dạy nghề, doanh nghiệp, tổ chức cung ứng lao động và đối tượng chủ yếu là thanh niên tự do ở các cộng đồng dân cư, thanh niên xuất ngũ và thanh niên nông thôn trong quá trình đô thị hóa, học sinh học nghề, những người nghỉ hưu, người lao động khi chuyển nghề và đổi nghề.

Hai là, Tổ chức khảo sát nhu cầu đào tạo và tư vấn hướng nghiệp cho người lớn. Việc khảo sát nhu cầu đào tạo là rất quan trọng về đào tạo đáp ứng theo nhu cầu xã hội. Tổ chức khảo sát nhu cầu đào tạo về chất lượng, số lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo để có kế hoạch đào tạo phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động.

Khảo sát nhu cầu đào tạo nghề bao gồm khảo sát nhu cầu đào tạo lao động kỹ thuật của các doanh nghiệp, khảo sát nhu cầu học nghề của những người lao động có nhu cầu học nghề. Khảo sát nhu cầu đào tạo là việc khó khăn, phức tạp, cần có phương pháp và quy trình thực hiện hợp lý. Do vậy, khảo sát nhu cầu đào tạo cần thực hiện như sau: Lựa chọn các tiêu chí và chỉ số cần thiết để đưa vào nội dung khảo sát; Việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh và các đối tượng khác muốn học nghề là một nhiệm vụ quan trọng. Một mặt là để có được đầu vào có chất lượng và đủ số lượng cần thiết để các cơ sở giáo dục lập kế hoạch tư vấn và đào tạo phù hợp với nguyện vọng của người lớn. Mặt khác,  để đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành, nghề phù hợp với nhu cầu phát triển nhân lực của doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động.

Ba là, Hoàn thiện cơ chế chính sách về giáo dục hướng nghiệp người lớn.

Cơ chế chính sách có vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động giáo dục hướng nghiệp, cần phải có cơ chết đặt hàng về giáo dục hướng nghiệp cho người lớn hay tạo ra những hành lang pháp lý vững chức để làm cơ sở cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động này một cách chính thống nhằm làm thay đổi toàn diện trong công tác giáo dục hướng nghiệp nói chung, giáo dục người lớn nói riêng.

Bốn là, Xây dựng chương trình hướng nghiệp người lớn  

Chương trình đào tạo là yếu tố có tính quyết định đến chất lượng, đáp ứng nhu cầu hướng nghiệp cho các tổ chức, cá nhân tham gia công tác giáo dục hướng nghiệp người lớn. Việc xây dựng chương trình hướng nghiệp để nâng cao hiệu quả, chất lượng, với phương thức đào tạo theo năng lực thực hiện, nội dung chương trình cần được cụ thể hoá theo từng kỹ năng,  bố trí các nội dung phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động.

Năm là, biến tiết học hướng nghiệp thành “giờ sản xuất”. Việc thực hiện các hoạt động hướng nghiệp cần phải có sản phẩm sau khi kết thúc hoạt động hướng nghiệp, những người được hướng nghiệp  phải tự tay làm ra được sản phẩm có giá trị sử dụng là yếu tố rất trọng trong việc nhận thức nghề, chọn nghề. 

Kết luận

Để công tác giáo dục người lớn đạt được hiệu quả nhất thì việc vận dụng các khái niệm, quy trình tổ chức linh hoạt là rất quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, cần triển khai đồng bộ về tổ chức hướng nghiệp cho người lớn vào thực tiễn. Và phải khuyến khích, khen thưởng những ý tưởng mới, đột phá trong quá trình thực hiện đảm bảo tạo động lực trong quá trình thực hiện. Và quan trọng nữa là cần có hành lang pháp lý, cơ sở lý luận  để triển khai các ý tưởng, nội dung về giáo dục hướng nghiệp có tính  đổi mới sáng tạo mang lại hiệu quả cho đơn vị, cho xã hội, những người được thụ hưởng về công tác giáo dục hướng nghiệp này. Ngoài ra, việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia vào công tác giáo dục hướng nghiệp người lớn có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện về giáo dục hướng nghiệp người lớn, góp phần xây dựng nguồn nhân lực đáp ưng được nhu cầu của xã hội trong bối cảnh hiện nay. Để nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp người lớn  cần triển khai đồng bộ các nội dung đã được trình bày trong bài viết.

PGS.TS. Bùi Văn Hưng – ThS. Võ Ngọc Bình

                                                                 Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1.   1. Phạm Tất Dong (2018), Cẩm Nang Giáo dục người lớn

  2. Phạm Tất Dong, Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Đức Minh, Nguyễn Hùng, Nguyễn Đăng Cúc (2007), Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh trung học cơ sở. Bộ Giáo dục và Đào tạo..

  3. Nguyễn Thị Hằng – Bùi Văn Hưng (2020), Một số vấn đề về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trung học đáp ứng yêu cầu của TTLĐ, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

  4. B.Prot (2009). Relations diplômes-emplols, Psychologie et pratiques de i’orientartion