Lao động
Trung tâm dạy nghề huyện Krông Ana: Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động
09:55 AM 11/05/2017
(LĐXH) - Trung tâm dạy nghề (TTDN) huyện Krông Ana được thành lập vào ngày 14/11/2005, là một trong 3 Trung tâm dạy nghề đầu tiên trên địa bàn tỉnh ĐắK Lắk, và là một trong 84 Trung tâm dạy nghề trên toàn quốc được đầu tư bằng kinh phí dự án “ Tăng cường năng lực đào tạo nghề” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục – Đào tạo giai đoạn 2006-2010.
Trao đổi với chúng tôi, Ông Phạm Văn Phương- Phó giám đốc  phụ trách TTDN huyện Krông Ana cho biết:  Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND huyện Krông Ana,  Sở LĐ-TBXH tỉnh, Trung tâm đã từng bước tập trung bồi dưỡng những kỹ năng nghề cho người lao động cũng như tích cực tuyên truyền công tác đào tạo nghề đến với người lao động trên địa bàn huyện.

Theo đó, căn cứ vào kế hoạch đào tạo hằng năm trung tâm đã chủ động phối hợp với UBND các xã, trung tâm học tập (TTHT) cộng đồng, các ban nghành đoàn thể, thôn buôn khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động. Các lớp đào tạo nghề được xác định trên cơ sở nhu cầu của người học, của doanh nghiệp. Công tác tuyển sinh ngày càng thuận lợi, UBND các xã, thị trấn, các TTHT cộng đồng lập danh sách đăng ký học nghề và lập tờ trình đề nghị mở lớp. Ưu tiên các trường hợp là chế độ chính sách, dân tộc thiểu số(DTTS), hộ nghèo.

Bên cạnh đó, trung tâm cũng tích cực tư vấn xây dựng các mô hình nghề có hiệu quả để tuyên truyền đến người lao động về hiệu quả thiết thực của việc học nghề. Trung tâm luôn linh hoạt, chủ động sáng tạo nhiều phương thức tuyển sinh, đào tạo, chú trọng đến chất lượng đào tạo, việc làm sau đào tạo kết hợp với lãnh đạo UBND cấp xã và các đoàn thể, CTV thôn buôn các xã xây dựng mô hình bền vững cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khuyết tật, DTTS hoặc hộ có thể tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Kết hợp đào tạo với việc xây dựng mô hình vừa mang lại thu nhập trong quá trình học tạo nên phong trào học nghề.

Trung tâm cũng tham mưu UBND huyện và phối hợp với huyện đoàn, các trường trung cấp, UBND các xã, thị trấn, TT học tập cộng đồng, Tiến hành tổ chức tư vấn tuyển sinh sơ cấp nghề, trung cấp nghề và xuất khẩu lao động cho bộ đội xuất ngũ tại Trung tâm cho 3.500 học sinh và thanh niên tại 02 trường THPT, 3 trường THCS. Ngoài ra, phối hợp với công ty thương mại Tạp phẩm Sài Gòn sơ tuyển 35 thanh niên xuất khẩu lao động thị trường Nhật Bản.

Theo báo cáo kết quả đào tạo nghề của TTDN, trong năm 2016, tổng số lớp đào tạo là 11 lớp với 321/300 học viên( đạt 107%KH), trong đó nữ có 208 học viên, DTTS có 118 học viên, lao động chính sách có công 03 học viên, lao động thuộc hộ nghèo 28 học viên. Với các nghề đào tạo gồm: Trồng và khai thác nấm, May công nghiệp, Xây dựng dân dụng, Kỹ thuật nấu ăn, Trồng cỏ và chế biến thức ăn cho gia súc, Kỹ thuật trồng rau hữu cơ, Điện dân dụng. Chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở tham khảo nhu cầu của người học trước khi mở lớp, phù hợp với trình độ, điều kiện của người học. Nội dung chương trình sát với với yêu cầu của thị trường lao động, chú trọng việc ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh, đồng thời thường xuyên cập nhật, bổ sung, sửa đổi theo đối tượng, thời gian địa bàn đào tạo.

Trung tâm cũng đã thực hiện theo thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2015 của Bộ trưởng LĐ-TBXH quy định về đào tạo trình độ sơ cấp. Trung tâm đã tổ chức các quy định về kiểm tra định kỳ, kiểm tra kết thúc khóa học, làm căn cứ xếp loại tốt nghiệp, cấp chứng chỉ nghề cho học viên. Theo đó kết quả học tập của 11 lớp trong năm 2016 đó là: Tổng số học viên đủ điều kiện tuyển sinh nhập học là 321 học viên, tổng số đi học và đủ điều kiện dự kiểm tra kết thúc khóa học là 269 học viên, tổng số học viên được cấp chứng chỉ học nghề là 252 học viên, đạt 78,5%. (Có 69 học viên không được công nhận tốt nghiêp do đi học không đều, kiểm tra KTKH không đạt và bỏ thi). Tổng số học viên được đề nghị khen thưởng 35 học viên( chiếm tỷ lệ 13,1%)

Về nghiệp vụ của giáo viên, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, giáo viên tham gia giảng dạy đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và tuân thủ theo đúng thời khóa biểu và thực hiện phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tiếp thu của học viên. Hiện nay tổng số giáo viên tại trung tâm là 15 người, trong đó GVHĐ chỉ tiêu biên chế 05 người, GVHĐ thỉnh giảng 10 người, tổng số giáo viên đã được đào tạo nghiệp vụ sư phạm là 15 người

Trung tâm dạy nghề huyện Krông Ana cũng đã tham mưu nhiều biện pháp tạo việc làm cho lao động nông thôn trong và sau khi đào tạo: Nhận hàng gia công các sản phẩm may mặc để đào tạo đồng thời tạo thêm thu nhập cho các học viên trong quá trình học, một số học viên giỏi tay nghề được các cơ sở may tin cậy giao hàng về may tại nhà. Đầu tư phát triển các mô hình sản xuất điển hình, mô hình điểm tại các thôn, buôn để tuyên tuyền và giải quyết việc làm bền vững. Mỗi mô hình tạo việc làm từ 2-10 lao động sau đào tạo. Thu nhập bình quân từ 2-3 triệu đồng/tháng/người. Hỗ trợ cho các học viên sửa chữa, xây mới nhà ở cho học viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bằng nguồn nghiên liệu thực hành của lớp học, công học tập của các học viên, động viên các học viên hỗ trợ nhau tạo nên tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau tạo phong trào học tập, yêu nghề và tin vào chính sách của nhà nước. Sau đào tạo nhiều thanh niên tích cực xây dựng mô hình để tạo thu nhập cho bản thân, tạo việc làm cho cộng đồng. Nhiều học viên sau khi học tốt nghiệp ra trường đã áp dụng những kỹ thuật được học và xây dựng khá nhiều mô hình. Trong đó trên địa bàn huyện Krông Ana nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.


Nhờ mô hình trồng nấm Bào Ngư mà gia đình ông Nguyễn Ngọc Chỉnh đã có thu nhập cao và trở thành hộ gia đình làm kinh tế giỏi của huyện Krông Ana

Điển hình như mô hình trồng nấm Bào Ngư ( nấm Sò) của gia đình anh Nguyễn Ngọc Chỉnh (1959) - Tổ dân phố 7, TT Buôn Trấp, huyện Krông Ana cho thu nhập từ 10-12 triệu đồng tháng. Nhờ vậy mà gia đình anh thoát nghèo, là một trong những hộ làm kinh tế giỏi của huyện. Chia sẻ với chúng tôi Anh Chỉnh cho biết: “ Sau khi được học tại TTDN huyện Krông Ana tôi đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình trồng Nấm, trước đó gia đình có trồng cà phê nhưng thu nhập đem lại thời đó không được kết quả là bao. Tôi đành phá bỏ một ít ha cà phê mua giống tại TT để trồng nấm.

Với việc vay vốn từ ngân hàng huyện kinh phí đầu tư trang trại hơn 300 triệu đồng cùng với việc áp dụng những quy trình kỹ thuật đã học tại trung tâm dần dần sau 6 năm thực hiện mô hình trồng nấm của tôi cũng ngày càng đem lại những kết quả tốt.Trang trại nấm hiện nay của gia đình tôi xây dựng với 6 khu vực trong đó có trồng những loại nấm như: nấm Rơm, Bào Ngư, Linh Chi, nấm Mèo. Quy trình trồng nấm được thực hiện từng bước như:  Bước đầu tiên là chuẩn bị nguyên liệu như: Mụn cưa, bịch bao nilong, hạt giống, vôi. Rối bước tiếp theo là đóng bích mụn cưa, hấp thanh trùng, cấy giống rồi ươm treo lên đến 20 ngày sau sẽ thu hoạch. Bình quân nấm Bào Ngư cho thu khoạch khoảng 5.6 tấn, Linh Chi từ 1-1,5 tạ với tổng doanh thu từ các loại nấm là hơn 100 triệu đồng/năm.  Ngoài ra, ông cũng tạo công ăn việc làm cho những người dân ở xung quanh địa bàn với việc thuê họ đóng bịch trồng nấm. Ông Chỉnh cũng cho biết thêm: “ Hiện nay đầu ra chưa ổn định, ông mong muốn có những doanh nghiệp tiêu thụ đầu ra cho bà con và chính quyền huyện cũng như xã quan tâm giúp đỡ nhiều”.

Tuy nhiên, ngoài những kết quả đã đạt được thì trong quá trình đào tạo nghề tại TTDN huyện Krông Ana vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc: Theo ông Phạm Văn Phương thì nguyên nhân đó là Đời sống của đa số lao động nông thôn vùng DTTS còn khó khăn, phải lo mưu sinh hằng ngày nên lao động tham gia học chưa đều; điều kiện kinh tế và khả năng duy trì các mô hình sau lớp đào tạo của lao động là người DTTS còn hạn chế,tâm lý không muốn rời xa buôn cũng là trở ngại đối với thanh niên trong giải quyết việc làm sau đào tạo; Kinh phí hỗ trợ đào tạo các nghề nông nghiệp của tỉnh còn thấp và chưa kịp thời, không đáp ứng đủ nguyên vật liệu để thực hành nghề, nâng cao tay nghề cho học viên, nhất là phải dạy lưu động tại các buôn xa trung tâm.

Một số bộ phận lãnh đạo các cấp chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong việc tổ chức đào tạo nghề cho người lao động chưa thực sự coi trọng việc đào tạo nhân lực, từ đó chưa quan tâm đúng mức việc tuyên truyền các chủ trương của đảng và nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

 Trong năm 2017, TTDN có những kiến nghị đề xuất đó là: Quan tâm tâm hỗ trợ đầu tư để hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết bị phát huy vai trò của trung tâm dạy nghề huyện; Đề nghị Sở quan tâm tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo việc bố trí biên chế giáo viên cơ hữu đối với trung tâm dạy nghề; Đề nghị quan tâm chỉ đạo các cơ quan tăng cường sự phối hợp với trung tâm để kết hợp lồng ghép các chương trình mục tiêu với chương trình dạy nghề cho người lao động nông thôn.

                                                                                                           Lê Việt