Lao động
Trà Vinh cơ bản hoàn thành hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid -19
07:04 PM 08/10/2021
(LĐXH)-Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tỉnh Trà Vinh đã khẩn trương rà soát đối tượng thuộc diện được thụ hưởng và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách với phương châm kịp thời, minh bạch, không để sót đối tượng.
Chi hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 tại Khóm 2, Phường 5, thành phố Trà Vinh trong ngày 24/8. Ảnh: baotravinh.vn

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh, tính đến 15g00, ngày 02/10/2021, các nhóm chính sách thực hiện theo Nghị quyết số 68/NQ-CP Chính phủ và Quyết định 23/QĐ-TTg phát sinh số phê duyệt mới trong ngày là 4.638 đối tượng (trong đó tạm hoãn hợp đồng: 88 đối tượng, lao động ngừng việc: 290 đối tượng, hộ kinh doanh: 72 hộ ; Cách ly y tế: đối tượng; lao động tự do: 4.051 đối tượng). Số chi hỗ trợ phát sinh mới trong ngày là 184 đối tượng, với kinh phí là 276.000.000 đồng.

Như vậy, tổng hợp đến ngày 02/10/2021 cho thấy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt danh sách hỗ trợ cho các nhóm gồm 165.953 đối tượng, với tổng kinh phí hỗ trợ 257.854.180.000 đồng và đã thực hiện cấp phát cho 157.691 người, với kinh phí 242.311.390.000 đồng, đạt 95,02% so với tổng số đối tượng được phê duyệt.

Cụ thể, về chính sách giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, qua rà soát, tạm tính có 895 đơn vị, 42.392 lao động được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với tổng số tiền tạm tính giảm mức đóng 12 tháng (tính từ ngày 01/7/2021 đến 30/6/2022) là 13.060.808.425 đồng. Kết quả đến ngày 2/20/2021 có 891 đơn vị với 40.830 lao động được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. BHXH tỉnh đã giải ngân hàng tháng cho các đơn vị, với tổng số tiền tính đến tháng 09/2021 là 2.051.046.000 đồng.

Về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, qua rà soát, tạm tính có 45 đơn vị có số lao động giảm từ 15% trở lên so với thời điểm tháng 4/2021. Đến nay đã duyệt và chi 06 đơn vị (Trường mầm non - Tiểu học Việt Anh Trà Vinh, Công ty cổ phần cắt may SOFA Hoa Sen, Công ty lương thực Trà Vinh,CTy TNHH Giày Da Mỹ Phong - Tiểu Cần - Trà Vinh; CTy TNHH Giày Da Mỹ Phong - Trà Cú - Trà Vinh; Cty TNHH Giày Da Mỹ Phong - PX Phước Hưng - Trà Cú - Trà Vinh) với tổng số lao động được hỗ trợ là 736 người với tổng số tiền hỗ trợ 4.566.280.686 đồng.

Về chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngành BHXH đã xác nhận cho 101 đơn vị với 3.988 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động để các doanh nghiệp thực hiện đề nghị hỗ trợ cho người lao động theo quy định. Đến ngày 2/10/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt cho 2.077 đối tượng với tổng số tiền 7.433.780.000 và các cơ quan chức năng đã chi cho 1.943 đối tượng với tổng số tiền 6.965.130.000 đồng, đạt 93,54%.

Về chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc, ngành BHXH đã xác nhận cho 53 đơn vị với 18.625 lao động ngừng việc để các doanh nghiệp thực hiện đề nghị hỗ trợ cho người lao động theo quy định. Đến ngày 2/10/2021, các huyện, thị xã đã trình và được Ủy ban nhân dân phê duyệt cho 19.202 lao động ngừng việc, với tổng số tiền 25.994.000.000 đồng. Kết quả đã chi cho 18.475 đối tượng với số tiền 24.971.000.000 đồng, đạt 96,21%.

Về chính sách chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận, thẩm định, trình và đã được Ủy ban nhân dân phê duyệt cho 05 lao động với số tiền 20.550.000 đồng. Đến ngày 2/10/2021,  đã chi cho 05 đối tượng với số tiền 20.550.000 đồng, đạt 100%.

Về chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế (F0 và F1), tính đến thời điểm ngày 2/10/2021,  Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt 3.887 người, với tổng kinh phí hỗ trợ 8.723.240.000 đồng. Trong đó: Sở Y tế rà soát và đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ 1.592 đối tượng  là trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế tại cơ sở để có đủ cơ sở hưởng chính sách theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ  (trong đó trẻ em thuộc diện F0, F1 là 185 người) với tổng kinh phí hỗ trợ 4.623.280.000 đồng. Còn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã trình và được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt 2.295 người, với tổng kinh phí phê duyệt 4.099.960.000 đồng. 

Về chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật; chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt 29 người viên chức hoạt động nghệ thuật và 12 người hướng dẫn viên du lịch với tổng số tiền đề nghị hỗ trợ là: 152.110.000 đồng. Đến ngày 2/10/2021 đã chi hỗ trợ đầy đủ số tiền hỗ trợ cho 100% đối tượng thụ hưởng.

Về chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh đã xác nhận cho 04 đơn vị với 279 lao động để doanh nghiệp đề nghị vay vốn phục hồi sản xuất và 01 đơn vị, với 13 lao động đề nghị vay vốn trả lương ngừng việc. Kết quả, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thẩm định, hỗ trợ cho người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc (Công ty cổ phần du lịch Trà Vinh) với tổng số tiền 153 triệu cho 13 lao động.

Về chính sách đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, UBND tỉnh đã phê duyệt 137.795 đối tượng, với kinh phí 206.692.500.000 đồng. Kết quả đến ngày 2/10/2021 đã chi hỗ trợ 132.164 đối tượng, với kinh phí 198.246.000.000 đồng, đạt 95,91%.

  1. Riêng chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh cho biết chưa có hồ sơ nộp, nguyên nhân do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên các doanh nghiệp chưa thể hoàn chỉnh hồ sơ nộp. 

Có thể thấy, chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ là rất thiết thực, đây là những giải pháp cấp thiết trong hiện tại để giúp người lao động và doanh nghiệp có sự hỗ trợ cần thiết để họ tiếp tục sản xuất kinh doanh, đủ sức tự đứng vững, vượt qua các khó khăn của dịch bệnh./.


Mỹ Hạnh