Lao động
TPHCM: Đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước
10:32 AM 14/03/2024
(LĐXH) - Chiều 13/3/2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Sở với các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc UBND TP.HCM về lĩnh vực thuộc ngành LĐ-TB&XH năm 2024. Đây là lần thứ 2 trong nửa tháng qua, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức hội nghị này.

Ban tổ chức trả  lời những câu hỏi của đại diện các doanh nghiệp tại hội nghị 

Hội nghị có sự tham dự của ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM; ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, cùng đại diện Sở Tài chính, Xây Dựng, Cục Thuế Thành phố,… và Liên đoàn Lao động Thành phố. Đặc biệt hội nghị có sự tham dự của khoảng 200 đại biểu đến từ các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc UBND Thành phố.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc UBND Thành phố thời gian qua đã phát huy vai trò trong khó khăn, thách thức, có nhiều nỗ lực, kinh nghiệm hơn; bảo toàn, sử dụng hiệu quả nguồn vốn; bảo đảm đời sống người lao động và tham gia bảo đảm an sinh xã hội…

Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc UBND Thành phố trực tiếp trao đổi các vấn đề còn vướng mắc liên quan đến lĩnh vực thuộc ngành LĐ-TB&XH, Sở đã xây dựng Kế hoạch tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc UBND Thành phố ngày hôm nay.

Toàn cảnh buổi đối thoại

Theo ông Lê Văn Thinh, thông qua hội nghị này, Sở LĐ-TB&XH cũng như các Sở, ban, ngành Thành phố có liên quan, mong muốn lắng nghe, trao đổi vướng mắc từ phía doanh nghiệp, vừa chia sẻ khó khăn, vượt qua thách thức, tháo gỡ vướng mắc, phát huy tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa của các doanh nghiệp nhà nước; chấn chỉnh, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Đồng thời, đánh giá khách quan và toàn diện các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó giải quyết hoặc đề xuất các giải pháp tháo gỡ hiệu quả trên tinh thần đối thoại thẳng thắn, để giúp cho công việc sắp tới ngày càng thuận lợi và hiệu quả hơn.

“Tôi mong muốn các đại biểu sẽ tích cực trao đổi, chia sẻ những ý kiến từ đó đề ra các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đang có, để các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc UBND TP.HCM đi đầu, dẵn dắt, định hướng, tạo động lực, truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới”., ông Thinh nói.

Tại hội nghị, đại diện Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cũng đã giới thiệu những điểm mới của Nghị định số 21/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2016/NĐ-CP quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Nghị định số 52/2016/NĐ-CP quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, đại diện Sở LĐ-TB&XH cùng các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan có mặt tại hội nghị đã trả lời trực tiếp hàng chục câu hỏi được đưa ra từ các đại diện doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề như: Xây dựng thang bảng lương mới và chế độ phụ cấp theo Nghị định 205/2004/NĐ-CP. Những quy định tại khoản 3, Điều kiện loại IV, Chương XX của Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ trưởng BLĐTB-XH như: công việc duy tu, nạo vét bùn mương, sông, cống thoát nước...; giao kết HĐLĐ và trả lương cho người lao động khi chuyển người lao động sang làm công việc khác; tiền lương và việc gia hạn BHXH cho người lao động là kiểm soát viên được bổ nhiệm làm việc tại doanh nghip; việc giải quyết chế độ cho người lao động dôi dư khi sắp xếp lại doanh nghiệp; việc chi trả tiền lương, thù lao, tiền thưởng của trưởng ban kiểm soát, kiểm soát viên các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên dịch vụ công ích quận, huyện...


Ông Lê Bảo Cường - Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Bảo  hiểm xã hội, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM khẳng định, sau buổi làm việc nghiêm túc, hội nghị gặp gỡ, đối thoại hôm nay các Sở, ban, ngành Thành phố và đại biểu tham dự hội nghị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, quan trọng vào các các vấn đề còn vướng mắc liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở.

Sở LĐ-TB&XH tiếp thu tối đa và trao đổi những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước được Thành phố rất quan tâm và được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng để doanh nghiệp nhà nước thực sự trở thành “lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước” dẫn dắt các thành phần kinh tế khác trên địa bàn Thành phố.

Đại diện các doanh nghiệp tham gia ý kiến tại hội nghị

Sở LĐ-TB&XH Thành phố, rất mong tiếp tục phối hợp và đồng hành cùng với doanh nghiệp nhà nước để tham mưu UBND Thành phố đối với nội dung kiểm tra, giám sát về định mức lao động, kế hoạch lao động, quỹ tiền lương kế hoạch, quỹ tiền lương thực hiện, xếp hạng của doanh nghiệp đảm bảo đúng thời gian quy định của pháp luật. Đồng thời, thực hiện báo cáo thông tin với Sở về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động để kịp thời hỗ trợ giải đáp, tháo gỡ giúp doanh nghiệp thực hiện theo quy định pháp luật lao động nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động trong quan hệ lao động.

Đại diện các doanh nghiệp tham gia ý kiến tại hội nghị

Thường xuyên trao đổi thông qua việc tổ chức gặp gỡ đối thoại để các doanh nghiệp kịp thời chia sẻ các khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng, với tinh thần hết sức cầu thị, hết sức lắng nghe, hết sức trách nhiệm, hết sức dân chủ. Các doanh nghiệp cùng nhau, cùng các cơ quan Nhà nước đẩy mạnh xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, ngành hàng, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia. Cùng với đó, cần tăng cường công tác đối thoại giữa doanh nghiệp nhà nước và người lao động tại nơi làm việc, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở để xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển bền vững góp phần ổn định kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo ổn định an ninh, trật tự chung trên địa bàn.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết sau hội nghị, Sở sẽ tiếp tục ghi nhận các kiến nghị vượt thẩm quyền để báo cáo lãnh đạo Thành phố, lãnh đạo Trung ương để kịp thời có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng trong quá trình thực hiện, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Thành phố trong việc thực thi các chính sách của Nhà nước một cách kịp thời, nhanh gọn và hiệu quả.

Trương Đăng