Nghiên cứu - trao đổi
Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc theo qui định hiện hành và kiến nghị hoàn thiện
09:57 AM 29/08/2016
Bài viết tập trung vào tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc, trên cơ sở đó để đưa ra một số kiến nghị, bổ sung để hoàn thiện quy định của pháp luật về BHXH.
Một số nội dung có liên quan đến bảo hiểm xã hội bắt buộc
Về cơ sở của việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, theo quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật BHXH; Điều 17 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc thì tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được quy định như sau:
Thứ nhất, từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2017, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.
Thứ hai, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc theo pháp luật hiện hành được thực hiện từ ngày 01/01/2018 trở đi là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động thay vì  theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được thể hiện bằng mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động theo Luật BHXH 2006.
Về mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, hiện nay, tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc vẫn không có gì thay đổi so với mức cũ. Mức đóng BHXH hằng tháng bằng 26% mức tiền lương tháng, trong đó người lao động đóng 8%; đơn vị đóng 18%. Tổng mức đóng 26% được chia theo các quỹ thành phần như sau:
- Ốm đau, thai sản: 3%
- Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: 1%
- Hưu trí, tử tuất: 22%[1].         
Trong cơ cấu mức đóng BHXH, doanh nghiệp sẽ tham gia đóng gần 70% (18%/26%), còn người lao động sẽ chịu hơn 30% còn lại (8%/26%). Như vậy, khi thay đổi cách tính tiền lương để đóng BHXH tăng lên thì cả người lao động và sử dụng lao động đều chịu ảnh hưởng; song đối tượng chịu sự tác động lớn nhất là người sử dụng lao động do nghĩa vụ phải tham gia đóng góp nhiều hơn (gấp 2,25 lần so với người lao động).
Dự báo tác động của việc thay đổi chính sách đóng BHXH bắt buộc
Đánh giá dự báo tác động của pháp luật (Regulatory Impact Assessment - RIA) là một công cụ kết hợp cả phương pháp định tính và định lượng nhằm đánh giá và dự báo tác động của các chính sách của chính phủ trước khi được đưa vào thực thi trong thực tế. Điều này đã được quy định trong Khoản 2 Điều 33 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 (thời điểm dự thảo Luật BHXH bị tác động điều chỉnh), cụ thể như sau:
Tổ chức đánh giá tác động và xây dựng báo cáo đánh giá tác động của dự thảo văn bản. Nội dung của báo cáo đánh giá tác động phải nêu rõ các vấn đề cần giải quyết và các giải pháp đối với từng vấn đề đó; chi phí, lợi ích của các giải pháp; so sánh chi phí, lợi ích của các giải pháp.
Hiện nay tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc vẫn không có gì thay đổi so với mức cũ
Khi tiến hành soạn thảo Luật BHXH 2014, trong những vấn đề quy định trong Luật BHXH sửa đổi được cơ quan chủ trì lựa chọn nhằm áp dụng phương pháp RIA để đánh giá tác động chưa có nội dung thay đổi về cơ sở tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động. Chính vì vậy, đây là nội dung cần tiếp tục quan tâm trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở kế thừa các tài liệu có liên quan, chúng tôi có một số ý kiến sau:
Đối với Quỹ Bảo hiểm xã hội, theo quy định của pháp luật thì Quỹ BHXH là quỹ tài chính độc lập với ngân sách nhà nước, được hình thành từ đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và có sự hỗ trợ của Nhà nước. Các nguồn hình thành Quỹ BHXH bao gồm: (i) Người sử dụng lao động đóng theo quy định tại Điều 86 của Luật BHXH 2014; (ii) Người lao động đóng theo quy định tại Điều 85 và Điều 87 của Luật BHXH 2014; (iii) Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ; và (iv) Hỗ trợ của Nhà nước[2].
Do vậy, đương nhiên khi mức đóng BHXH bắt buộc mà cả người lao động và người sử dụng lao động tham gia tăng lên thì Quỹ BHXH sẽ cũng tăng theo tương ứng, và việc an toàn quỹ được đảm bảo hơn.
Đối với người lao động, một trong những nguyên tắc BHXH là, mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH. Do vậy, khi người lao động đóng BHXH ở mức lương cao hơn thì các chế độ như: ốm đau, thai sản, hưu trí… sẽ cao tương ứng. Đây là lợi ích mang tính trước mắt cũng như lâu dài.
Tuy nhiên, về phía người lao động khi tiếp thu nội dung này còn nhiều luồng ý kiến như sau:
Thứ nhất, họ lo lắng thu nhập thực tế sẽ giảm khi thay đổi nền lương đóng BHXH.
Thứ hai, nhiều người cũng lo ngại các công ty sẽ tìm cách lách luật, không đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Chị Hoàng Thanh Phương (nhân viên một công ty truyền thông, quận 1, TP. HCM) cho biết lương hàng tháng thực lĩnh của chị là 12 triệu đồng nhưng công ty chỉ trích đóng BHXH cho chị gần 390.000 đồng, tức là tương ứng với mức lương 2.166.666 đồng, tức là giảm 5,5 lần so với cách tính mức lương để doanh nghiệp đóng BHXH từ 01/01/2018. Chị có thắc mắc với kế toán thì được giải thích chỉ đóng BHXH trên mức lương cơ bản, các khoản khác là thu nhập tính thêm. “Ở công ty, nhân viên nào cũng chỉ được đóng BHXH với mức đó. Giờ nếu luật quy định đóng BHXH phải tính thêm phụ cấp thì chắc công ty cũng tìm cách lách số tiền chênh lệch, hoặc cho thôi việc nhân viên ở một số vị trí, chứ đóng nhiều như vậy công ty không kham nổi”.
Như vậy, đối với người lao động có thu nhập thấp thì lo ngại tiền lương thực nhận giảm sút, không thể đáp ứng cuộc sống trước mắt. Còn đối với người có thu nhập cao thì cũng lo ngại có thể mất việc do chi phí đóng BHXH của doanh nghiệp tăng thêm, cần phải tái cấu trúc sử dụng nguồn nhân lực.
Đối với người sử dụng lao động, một trong những nguyên lý đối với các doanh nghiệp để tối đa hóa lợi nhuận là phải giảm chi phí. Do vậy, thường là các đơn vị không muốn phải đóng BHXH tăng theo lộ trình như Luật BHXH 2014 đã quy định. Trong thực tế đã diễn ra một số vấn đề xoay quanh nội dung này như sau:
Thứ nhất, đối với những doanh nghiệp đã thực hiện đóng BHXH ở mức cao như: Công ty TNHH Nestle Việt Nam (quận 1) với mức lương bình quân đóng BHXH hơn 18,9 triệu đồng/tháng/người, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam (quận 1) cũng đóng BHXH ở mức trung bình hơn 17,6 triệu đồng/ tháng/người, Công ty TNHH KMS Technology Việt Nam có lương bình quân đóng BHXH ở mức hơn 17,5 triệu đồng/tháng/người. Những doanh nghiệp trên không chia tiền lương hàng tháng thành phụ cấp hay các khoản khác, mà chỉ có một mức lương thực tế duy nhất trả cho nhân viên hàng tháng theo hợp đồng lao động và đóng BHXH dựa trên mức lương này.
Do đã đóng BHXH dựa trên lương thực tế, tức là đã bao gồm hầu hết tất cả các loại phụ cấp và phúc lợi, nên sự thay đổi “đầu vào” đóng BHXH theo quy định mới từ năm 2016 sẽ không tác động đến những doanh nghiệp này.
Thứ hai, tình trạng phổ biến hiện nay là nhiều doanh nghiệp cố tình chia thu nhập thực tế của người lao động thành nhiều khoản và chọn mức lương để đóng BHXH chỉ bằng 50% - 60% tổng thu nhập. Gần một nửa tổng thu nhập của người lao động bị doanh nghiệp chuyển thành phụ cấp và các khoản bổ sung khác không đóng BHXH.  Như vậy, đối với những doanh nghiệp nói trên sẽ có thay đổi lớn về chi phí khi quy định về cách tính tiền lương để đóng BHXH bắt buộc thay đổi từ ngày 01/01/2018.
Thứ ba, với cách tính đóng BHXH mới, chịu tác động lớn nhất là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như ngành dệt may, da giày. Mức đóng BHXH mới tạo áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp khi họ phải chịu tác động kép: tăng lương tối thiểu vùng hằng năm (năm 2016 tăng 12,4%) và mức đóng BHXH thay đổi như đã nêu trên.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng mức đóng góp vào BHXH của doanh nghiệp cao. Bên cạnh đó, mức tăng năng suất lao động trung bình hiện nay chỉ 3,5%, trong khi đó chỉ tính riêng lương tối thiểu vùng đã tăng 12,4%, cộng thêm quy định đóng BHXH mới sẽ khiến doanh nghiệp đứng trước bài toán rất khó. Điều này sẽ làm tăng chi phí sản xuất, tính vào giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
3. Một số kiến nghị
Điều 34 Hiến pháp năm 2013 khẳng định, công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội. Xây dựng chính sách pháp luật về BHXH, trong đó có quy định về BHXH bắt buộc phù hợp với việc đảm bảo an toàn quỹ BHXH, quyền và lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động chính là thực hiện một trong những quyền hiến định của công dân.
Việc xây dựng quy định pháp luật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích lâu dài của người lao động là kỳ vọng đối với bất cứ quốc gia nào. Tuy nhiên, liệu người lao động có đủ sức chịu đựng cho đến ngày hưởng chế độ ưu việt từ quy định mới về BHXH bắt buộc như tác giả đã phân tích trên không lại là câu chuyện khác.
Một kinh nghiệm không mới cần được tiếp thu khi các nhà lập pháp thông qua Điều 60 về BHXH một lần. Khi đạo luật chưa có hiệu lực pháp luật thì Quốc hội đã phải ban hành Nghị quyết sửa đổi nội dung trên, dẫu cho bản chất điều luật rất tiến bộ, đảm bảo quyền lợi lâu dài nhưng chưa đáp ứng nguyện vọng trước mắt của người lao động[3].
Suy cho cùng, đã là quyền của công dân thì họ có quyền được lựa chọn mức đóng BHXH bắt buộc trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Việc áp đặt ý chí của nhà nước trong trường hợp này dường như chưa phù hợp với nguyện vọng của một bộ phận người lao động có thu nhập thấp, khó khăn trong việc đảm bảo đời sống và sức chịu đựng của một số doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các nhà dự thảo luật chưa lượng hóa nhằm đánh giá tác động của việc thay đổi cách tính đóng BHXH bắt buộc - một trong những yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo an toàn Quỹ BHXH.
Trên cơ sở đó, tác giả có một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tiếp tục tiến hành việc đánh giá tác động của quy định pháp luật nói trên theo pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ hai, bổ sung Khoản 2 Điều 89 Luật BHXH năm 2014 theo hướng xây dựng quy phạm lựa chọn:
(i) Đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Hoặc: (ii) Đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động./.
ThS. Hà Lâm Hồng - ThS. Phan Thị Liệu - ThS. Lê Ngọc Thạnh
Trường Đại học Lao động Xã hội (CSII. TP. Hồ Chí Minh)


[1] Quốc hội (2014), Văn bản đã dẫn, Khoản 1 Điều 85 và Khoản 1 Điều 86.

[2] Quốc hội (2014), Văn bản đã dẫn, Khoản 4 Điều 3 và Điều 82.

[3] Quốc hội (2015), Nghị quyết số 93/2015/QH13 Về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động, ngày 22/6.