Lao động
Thủy Nguyên: Phát huy hiệu quả nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm
12:36 PM 30/11/2023
(LĐXH)-Huyện Thủy Nguyên (thành phố Hải Phòng) có diện tích 242 km2 với 37 xã, thị trấn, địa giới giáp biển và sông bao bọc xung quanh, thuận lợi phát triển đa dạng các ngành nghề về công nghiệp, kinh doanh dịch vụ, nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản...
Huyện có 7 làng nghề (Gốm ở xã Minh Tân; Mây, tre đan ở xã Chính Mỹ; Sản xuất VLXD ở xã Lại Xuân; Đánh bắt và nuôi trồng thủy sản ở Lập Lễ; Vận tải ở xã An Lư; Làm vườn ở xã Cao Nhân; Đúc đồng, gang ở xã Mỹ Đồng), có trên 1.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và nhiều nhà máy lớn đóng trên địa bàn.
Với tốc độ đô thị hóa nhanh, Thủy Nguyên xảy ra tình trạng đất nông nghiệp bị thu hẹp để đầu tư vào các dự án đầu tư của Nhà nước, nông dân không còn tư liệu sản xuất, nhu cầu về đào tạo tay nghề, giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người lao động trở nên cấp thiết.
Trong những năm qua, Đảng bộ và UBND huyện luôn coi trọng và gắn phát triển kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội, chú trọng giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội bức xúc về việc làm, xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội... Bám sát mục tiêu đó, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Thủy Nguyên đã phối kết hợp chặt chẽ với các phòng, ban ngành của huyện, các cấp ủy, chính quyền, hội đoàn thể triển khai thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi, đặc biệt là chương trình tín dụng giải quyết việc làm để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động.
Thủy Nguyên tích cực thực hiện chương trình tín dụng giải quyết việc làm
Theo thông tin từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thủy Nguyên, tổng doanh số cho vay giải quyết việc làm năm 2022 tại huyện Thủy Nguyên đạt 50.333 triệu đồng với 633 dự án vay vốn; Doanh số thu nợ đạt 12.380 triệu đồng với 208 dự án vay vốn; Dư nợ đạt 86.045 triệu đồng với 744 dự án, tăng 37.938 triệu đồng so với năm 2021, tỷ lệ tăng 44%; Nợ quá hạn: 01 triệu đồng/01 dự án vay vốn, giảm 98 triệu đồng so với năm 2021. Tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2023, doanh số cho vay vay giải quyết việc làm 10 tháng đầu năm đạt 25.438 triệu đồng với 344 dự án; Doanh số thu nợ 10 tháng đầu năm: 11.144 triệu đồng/188 dự án; Dư nợ: 100.338 triệu đồng với 1.637 dự án vay vốn, tăng so với năm 2021 là 27.811 triệu đồng, tỷ lệ tăng 57,8%; Nợ quá hạn: 01 triệu đồng/01 dự án vay vốn, giảm 0 triệu đồng so với năm 2022. 
Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thủy Nguyên đã phối kết hợp chặt chẽ với Phòng Lao động Thương binh và xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức hội nhận ủy thác, UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, tìm dự án, hướng dẫn và định hướng cách thức sản xuất kinh doanh, khoa học kỹ thuật…tập trung nguồn vốn giải ngân cho các xã, thị trấn có mô hình sản phẩm OCOP, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hướng dẫn lập hồ sơ và thực hiện cho vay nhanh chóng, kịp thời, không gây phiền hà, chậm chễ.
Phòng giao dịch đã chủ động thực hiện rà soát đối tượng cho vay theo Nghị Quyết 11/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời thực hiện các cơ chế chính sách cho vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm theo Nghị định số 61/NĐ-CP, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đối tượng vay đáp ứng đủ điều kiện cho vay và mục đích sử dụng vốn vay, thời hạn và mức cho vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của hộ vay và nguồn vốn của Ngân hàng.
Đối với những món vay của cơ sở sản xuất kinh doanh có mức vay trên 100 triệu đồng, Phòng giao dịch đã hướng dẫn khách hàng và đồng thời thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật. Tài sản thế chấp là những bất động sản, có tính khả mại cao, giá trị tài sản thế chấp đủ đảm bảo cho món vay theo quy định.
Đánh giá về hiệu quả sử dụng vốn vay, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thủy Nguyên cho biết, nguồn vốn đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập và tạo việc làm cho người lao động. Năm 2023, hoạt động vay vốn đã tạo việc làm cho hơn 300 lao động tại địa phương thông qua các dự án vay vốn để nuôi trồng thủy sản; làm trang trại gà, lợn, thuỷ cầm; mô hình trồng cây ăn quả; các dự án tiểu thủ công nghiệp... Các dự án vay vốn giả quyết việc làm đã đóng vai trò tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, góp phần hình thành các mô hình sản phẩm OCOP tại địa phương và tác động tích cực đến đời sống kinh tế của người dân tại những vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Mặt khác, ngoài việc cho vay các dự án cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị còn cho vay người lao động thông qua phương thức ủy thác cho vay qua các tổ chức Hội. Nhờ hoạt động vay vốn, người dân được hướng dẫn cách thức làm ăn, áp dụng những tiến bộ mới vào sản xuất, cách sử dụng vốn có hiệu quả, có điều kiện thực hiện thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập và góp phần tăng thêm sản phẩm xã hội. Đồng vốn cho vay đã được chuyển tải tới các xã, thị trấn, với bình quân dư nợ 61 triệu đồng/hộ, tạo thu nhập ổn định cho lao động việc làm từ 4-5 triệu đồng/tháng. Tuy số tiền nhỏ nhưng bước đầu giúp cho hộ vay biết sử dụng vốn tín dụng, có ý nghĩa thiết thực và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của hộ gia đình. Nhờ có đồng vốn vay của NHCSXH. nhiều địa phương đã xây dựng được các mô hình phát triển kinh tế điển hình, thúc đẩy hội viên thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết tương trợ, giúp đỡ nhau có việc làm ổn định, xóa đói giảm nghèo, làm giầu chính đáng, những xã nghèo, huyện nghèo đã có nhiều sự khởi sắc, thay đổi về bộ mặt kinh tế ở nông thôn.
Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn cho vay còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của người dân Thủy Nguyên. Trong thời gian tới, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thủy Nguyên đề nghị UBND thành phố xem xét tăng thêm nguồn vốn cho vay hàng năm cho huyện Thủy Nguyên nhằm tạo việc làm và thu hút lao động nhàn rỗi tại địa phương; Xem xét tăng tỷ lệ trích nguồn vốn ngân sách địa phương hàng năm chuyển sang NHCSXH để cho vay./.
Minh Hằng