Lao động
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động trong ngành y tế
07:02 PM 07/08/2023
(LĐXH)- “Bộ Y tế tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư, đẩy mạnh hơn nữa công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, quan tâm tới điều kiện, tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động trong ngành y tế…” - Thứ trưởng Lê Văn Thanh, đề nghị.
Ngày 7/8, Đoàn công tác Trung ương về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập công quốc tế đã tới làm việc với Bộ Y tế.
Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn. Cùng tham dự có đại diện các đơn vị: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lãnh đạo Cục An toàn Lao động… cùng một số đơn vị có liên quan.
Quang cảnh làm việc của Đoàn công tác Trung ương làm việc với Bộ Y tế
Nghiêm túc quán triệt Chỉ thị 29-CT/TW
Báo cáo của Bộ Y tế tại buổi làm việc cho biết: Sau khi có Chỉ thị 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (gọi tắt là Chỉ thị 29-CT/TW), Ban cán sự đảng Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị quán triệt trong toàn Đảng bộ. Các nội dung trong chỉ thị về công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp đã được đưa vào nghị quyết của Đảng bộ Bộ Y tế giai đoạn 2020-2025; giao Chi bộ/Đảng bộ Cục Quản lý Môi trường y tế làm đầu mối xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW trong toàn ngành.
Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW tại địa phương, đơn vị phù hợp với tình hình thực tiễn tại cơ quan, đơn vị mình; tổ chức triển khai bằng nhiều hình thức, phù hợp, thiết thực đến cán bộ, đảng viên, người lao động của đơn vị như: xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thông tin trên hệ thống văn bản nội bộ và lồng ghép quán triệt, triển khai trong các cuộc họp, hội nghị chuyên môn...
Thứ trưởng Lê Văn Thanh và Đoàn công tác thực tế tình hình triển khai Chỉ thị số 29-CT/TW tại Bệnh viện phổi Trung ương
Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch hằng năm để tổ chức thực hiện các chương trình, dự án về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về ATVSLĐ, đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh quản lý công tác ATVSLĐ đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp góp phần quan trọng trong việc đảm bảo ATVSLĐ trên phạm vi cả nước.
Trung bình hằng năm trong giai đoạn 2013-2023, Bộ Y tế đã tổ chức gần 250 hội nghị, hội thảo chuyên đề về ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động; trên 2.600 cuộc tọa đàm, phóng sự, tin, bài đưa tin trên truyền hình, báo chí; xây dựng, in ấn và cấp phát trên 110.000 ấn phẩm (sách, báo, tờ rơi, tranh áp phích); tổ chức gần 1.700 cuộc thi tìm hiểu pháp luật về ATVSLĐ với sự tham gia của hàng chục ngàn người; tổ chức trên 340 cuộc thi an toàn vệ sinh viên giỏi với hơn 3.000 người tham dự.
Về công tác đào tạo, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo đảm vệ sinh lao động cho người lao động, Bộ Y tế đã chỉ đạo các Trường có khối đào tạo chuyên ngành sức khỏe xây dựng các chương trình, tài liệu đào tạo dài hạn, ngắn hạn với các nội dung: bệnh nghề nghiệp, đào tạo cấp chứng chỉ quan trắc môi trường lao động, đào tạo cấp chứng chỉ chứng nhận chuyên môn y tế lao động, đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm, sử dụng an toàn các chế phẩm diệt khuẩn, diệt côn trùng dùng trong gia dụng và y tế.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Y tế
Tham gia phối hợp với Bộ LĐ-TBXH thẩm định các nội dung liên quan đến vệ sinh lao động của các đơn vị huấn luyện ATVSLĐ và tập huấn các nội dung liên quan theo kế hoạch của Bộ LĐ-TBXH.
Trong công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ về an toàn lao động, vệ sinh lao động, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường tổ chức nghiên cứu, bổ sung các bệnh nghề nghiệp mới vào Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Tính đến nay, Việt Nam đã có 35 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.
Chính sách bảo hộ lao động đối với người lao động trong ngành y tế đã được các cấp ủy Đảng và chính quyền từ Trung ương đến địa phương quan tâm và triển khai thực hiện tốt. Hầu hết người lao động ngành y tế được khám sức khỏe định kỳ; các đơn vị đã lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động, thực hiện quan trắc môi trường lao động và lập hồ sơ quản lý sức khỏe người lao động theo quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động.
100% người lao động trong ngành y tế được trang bị các phương tiện phòng hộ cá nhân thiết yếu, phương tiện cấp cứu, cứu hộ cần thiết để phòng ngừa, đối phó, ứng cứu sự cố và tai nạn lao động trong quá trình làm việc...
Bổ sung danh mục bệnh bụi phổi
Tại buổi làm việc, trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, trách nhiệm, đoàn công tác và lãnh đạo Bộ Y tế cùng các đơn vị đã tập trung thảo luận, đánh giá những nội dung, vấn đề có liên quan đến triển khai Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động. Hiện, trong những nhiệm vụ trong Chỉ thị số 29 đang được Bộ Y tế thực hiện cơ bản thực hiện tốt ở Trung ương, còn tại địa phương vẫn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương
Thứ trưởng Lê Văn Thanh ghi nhận, biểu dương Bộ Y tế và các đơn vị thành viên trong việc chuẩn bị báo cáo tổng kết, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 29-CT/TW về công tác đảm bảo ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập công quốc tế.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh và thành viên trong đoàn công tác đã giải đáp và hướng dẫn, hỗ trợ Bộ Y tế và các đơn vị có liên quan những biện pháp tháo gỡ, giải quyết hiệu quả vướng mắc. Cùng với đó, đại diện Văn phòng Chính phủ, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cũng bổ sung ý kiến góp ý nội dung báo cáo của Bộ Y tế cần chi tiết hơn những kiến nghị, đề xuất nhằm tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn trong triển khai hiệu quả Chỉ thị 29.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị Bộ Y tế tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư, đẩy mạnh hơn nữa công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, quan tâm tới điều kiện, tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động trong ngành y tế.
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn Lao động, thành viên Đoàn công tác phát biểu tại buổi làm việc
“Tăng cường nhận thức về tầm quan trọng và triển khai hiệu quả việc bảo đảm ATVSLĐ cho người lao động và người sử dụng lao động. Tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc, chủ động ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, nhất là đối với lao động nữ. Bảo đảm đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với cá nhân và gia đình người lao động…” - Thứ trưởng Lê Văn Thanh, phát biểu.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh, khẳng định: Đoàn công tác, Bộ LĐ-TB&XH luôn đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ Bộ Y tế trong việc triển khai Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư, Thứ trưởng Lê Văn Thanh tin tưởng với quyết tâm chính trị và vai trò quan trọng của ngành Y tế đối với đất nước, xã hội, việc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 29 sẽ góp phần mang lại lợi ích to lớn, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, chăm sóc ngày càng tốt hơn sức khỏe của nhân dân.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương trân trọng cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ LĐ-TB&XH, đoàn công tác triển khai Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư, đẩy mạnh hơn nữa công tác ATVSLĐ đối với Bộ Y tế. Đồng thời, mong muốn tiếp tục được triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW trong thời gian tới. Ngành Y tế cũng kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rà soát sửa đổi bổ sung quy định đối với các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung trong Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, cho biết: Hiện nay trong Luật An toàn, vệ sinh lao động không quy định bắt buộc thành lập Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động, mạng lưới vệ sinh viên trong hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập ngành y tế, không bắt buộc lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động nên các nội dung này chưa được tính vào giá viện phí. Vì vậy đơn vị tự chủ tài chính khó cân đối được kinh phí để thực hiện các nội dung này.
Đại diện các đơn vị thuộc Bộ Y tế phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, thay mặt Bệnh viện phổi Trung ương và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, ông Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện, Chủ tịch Hội đồng ATVSLĐ đã có những kiến nghị cụ thể đối với đoàn công tác, trong đó có vấn đề liên quan đến danh mục bệnh bụi phổi. Cụ thể, danh mục bụi phổi đã được đưa vào danh mục bệnh mãn tính, bệnh này cần điều trị dài ngày nhưng đang gặp vướng mắc trong việc thanh toán bảo hiểm y tế. Do đó, Bệnh viện phổi Trung ương kiến nghị cần có cơ chế, chính sách để bổ sung thêm các bệnh mãn tính, bệnh bụi phổi vào danh mục các bệnh được hưởng bảo hiểm y tế...

Chí Tâm