Lao động
Thanh Hóa giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch Covid-19
08:54 AM 06/09/2021
(LĐXH)- UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Phương án đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch Covid-19 sau khi thực hiện xong việc cách ly.
Hiện nay, người Thanh Hoá đang lưu trú ở các tỉnh, thành phố khác trong cả nước là trên 330.800 người; chủ yếu là lao động trẻ tập trung ở nhóm tuổi 15- 35 tuổi (chiếm 65%), lao động nữ chiếm trên 50%. Người lao động chủ yếu hành nghề tự do hoặc làm việc trong nhà máy, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao với các lĩnh vực như: điện tử, may mặc, giày da... tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội (92.000 người), Hồ Chí Minh (42.500 người), Bình Dương (60.200 người), Bắc Ninh (26.700 người), Đồng Nai (14.800 người), Quảng Ninh (6.100 người), Hải Dương (4.200 người)…
Số công dân Thanh Hóa trở về từ vùng dịch tính từ ngày 27/4/2021 đến nay là khoảng 166.300 người (có trên 6.200 trẻ em); trong đó, số người đang thực hiện cách ly khoảng 43.200 người, số người đã hoàn thành xong việc cách ly khoảng 123.100 người.
Theo tổng hợp kết quả khảo sát bước đầu, người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), không có bằng cấp, chứng chỉ (chiếm 65%). Có 20% trong số lao động này thuộc nhóm tuổi từ 41 tuổi trở lên sẽ gặp khó khăn trong đào tạo chuyển đổi nghề do thói quen lao động, trình độ học vấn, khả năng tiếp thu hạn chế, tâm lý ngại học nghề.
Tỉnh có khoảng 35% lao động trở về từ vùng dịch có giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động tại vùng dịch; số lao động này phần lớn vẫn còn nguyên vọng, hết dịch sẽ trở lại chỗ làm việc cũ.

Người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch (ảnh Báo Thanh Hóa)

Dự kiến, tổng số lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch có nhu cầu việc làm và học nghề là 44.480 người (chiếm 26,7%); trong đó, lực lượng lao động nữ là 23.600 người, chiếm 53,1%.
Cụ thể, số lao động có nhu cầu đào tạo nghề là 2.580 người (chiếm 5,8%); tập trung vào các nghề như: lái xe ô tô, may công nghiệp, xây dựng dân dụng, điện lạnh, cơ khí, hàn, điện tử, điện nước... Số lao động có nhu cầu việc làm là 41.900 người (chiếm 94,2%), gồm: từ 15 đến 35 tuổi là 23.680 lao động (chiếm 56,5%) với nhu cầu làm các công việc như: may mặc, giầy da, chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến thủy hải sản, hàn xì, xây dựng, nhôm kính, điện dân dụng; từ 36 đến 45 tuổi là 14.100 lao động (chiếm 33,7%) có nhu cầu làm các công việc như: may mặc, giầy da, chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến thủy hải sản, hàn xì, xây dựng; từ 46 tuổi trở lên là 4.120 lao động (chiếm 9,8%) có nhu cầu làm các công việc như: xây dựng, bảo vệ, giúp việc gia đình, nấu ăn, trông trẻ...
Theo khảo sát của Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay là gần 33.300 lao động (trong đó lao động nữ chiếm 70%). Chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất giầy da, may mặc có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn như: Công ty TNHH ROLLSPORT 1 Việt Nam (tuyển 1.100 lao động), Công ty TNHH Giầy Aleron Hoàng Long (tuyển 2.000 lao động), Công ty TNHH giầy ROLLSPORT 2 Việt Nam (tuyển 3.700 lao động), Công ty TNHH MTV TCE JEAN (tuyển 1.100 lao động), Công ty TNHH giầy SUNJADE (tuyển 1.500 lao động), Công ty TNHH NY Hoa Việt (tuyển 2.000 lao động)… Do yêu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp về trình độ chuyên môn kỹ thuật không cao, chủ yếu là lao động phổ thông nên khả năng giải quyết việc làm cho lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch đáp ứng khoảng 90%.
Qua đánh giá, các doanh nhiệp trên địa bàn tỉnh chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch Covid-19; việc làm, tiền lương, chế độ cho người lao động cơ bản được đảm bảo; quan hệ lao động ở các doanh nghiệp vẫn duy trì ổn định, chưa có phát sinh phức tạp. Tuy nhiên, thu nhập của người lao động có xu hướng giảm so với các năm trước, do không có nhiều đơn hàng nên đơn vị không tăng ca nhiều và chỉ cố gắng duy trì cho người lao động làm đủ ngày công trong tháng.
Trong cả nước, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm không ngừng tăng lên với số lượng rất lớn. Trong bối cảnh đó, thị trường lao động cũng sẽ ngày càng phức tạp, khó phục hồi. Các ngành như xuất, nhập khẩu, du lịch, dịch vụ, hàng không, vận tải… tiếp tục khó khăn chưa có khả năng phục hồi từ năm 2020 đến nay. Dịch bệnh kéo dài gần 2 năm mà chưa có dấu hiệu chấm dứt, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không còn nhiều dư địa tài chính để phục hồi, người lao động mất việc kéo dài nên việc di chuyển “ồ ạt về quê” như thời gian qua và trong thời gian tới sẽ tạo thêm những khó khăn cho thị trường lao động tỉnh Thanh Hóa.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh hiện nay cũng không đạt như kỳ vọng, tiềm năng, hầu hết không hoàn thành kế hoạch, chỉ tiêu sản xuất đã đề ra. Khi dịch bệnh bùng phát ở tỉnh Nghệ An, nhiều doanh nghiệp trong khu kinh tế Nghi Sơn phải thực hiện quy định cho lao động là người Nghệ An tạm thời nghỉ việc, dẫn đến thiếu hụt lao động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh như: Công ty TNHH giầy Annora Việt Nam, Công ty Cổ phần bao bì Đại Dương, Công ty xi măng Nghi Sơn…
Dự kiến trong thời gian tới, số lao động người Thanh Hóa về quê sẽ ngày càng tăng nên rất dễ xảy ra tình trạng dư thừa lao động ở những nơi cung lao động lớn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Do đó, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly, nhằm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh, ổn định xã hội là yêu cầu cấp thiết.
Xuất phát từ thực tế trên, ngày 2/9/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Phương án đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly. Qua đó, nhằm hỗ trợ người lao động được đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh phù hợp với trình độ tay nghề, sức khỏe, độ tuổi, giới tính; giúp người lao động trở về vùng dịch vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển của địa phương, tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội…
Chí Tâm