Lao động
Thái Nguyên nâng cao ý thức chấp hành an toàn vệ sinh lao động cho người lao động
03:15 PM 22/11/2021
(LĐXH)-Hưởng ứng thực hiện Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2021, các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở Thái Nguyên đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người sử dụng lao động và người lao động về công tác ATVSLĐ và đã có những chuyển biến tích cực.
Có thể thấy, những năm qua, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã được các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên quan tâm thực hiện, từng bước hình thành phong trào thi đua bảo đảm ATVSLĐ, xây dựng văn hóa an toàn trong lao động. Đặc biệt hưởng ứng thực hiện Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021, Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động tỉnh Thái Nguyên tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện công tác đảm bảo ATVSLĐ với chủ đề “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên”.
Theo thống kê tính đến đầu năm 2021, số lượng các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh là 4.499 doanh nghiệp với số lượng lao động là 238.896 người. Trong 06 tháng đầu năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động nhiều mặt đến đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến công việc của người lao động. Tuy nhiên, Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2021 được các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhiệt tình hưởng ứng tổ chức, với nhiều nội dung hoạt động, phù hợp với điều kiện và đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đạt nhiều kết quả.

Ý thức chấp hành pháp luật về ATVSLĐ của người lao động ở Thái Nguyên đã được nâng lên rõ rệt

Năm 2021, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Thái Nguyên không tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ, song Hội đồng ATVSLĐ đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, chủ động lập kế hoạch triển khai thực hiện các hoạt động hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Trong đó, căng treo 40 băng rôn, pano tuyên truyền, quảng bá về chính sách pháp luật lao động, ATVSLĐ tại 09 huyện, thành phố, thị xã và một số khu công nghiệp của tỉnh; các doanh nghiệp tích cực hưởng ứng tuyên truyền, treo các băng rôn, khẩu hiệu, áp phích về công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp, nơi làm việc của người lao động. Đồng thời, tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức về công tác ATVSLĐ phù hợp với công việc, địa bàn và đặc thù ngành nghề sản xuất kinh doanh; chỉ đạo các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Đối với công tác thanh tra và kiểm tra, Thái Nguyên tập trung vào kiểm tra những ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Chú trọng thanh tra, kiểm tra việc xây dựng các nội quy, quy trình, biện pháp đảm bảo ATVSLĐ; công tác huấn luyện ATVSLĐ, đo kiểm môi trường lao động và kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; đặc biệt là mở rộng triển khai công tác thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp, đơn vị không có quan hệ lao động.
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thái Nguyên, trước, trong và sau Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021, Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra 04/19 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đưa ra các kiến nghị yêu cầu doanh nghiệp khắc phục các tồn tại, hạn chế (01 doanh nghiệp do tình hình của dịch Covid 19 nên xin hoãn kiểm tra)…
Mặc dù chịu sự ảnh hưởng của dịch bện Covid-19, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021 ở Thái Nguyên cũng đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhiều cố gắng tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác ATVSLĐ. Trong đó, công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động, người lao động từng bước chuyển biến tích cực, có ý thức hơn trong việc thực thi có hiệu quả Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành. Qua đó đã và đang góp phần hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp liên quan đến lao động; đẩy mạnh công tác huấn luyện ATVSLĐ trong các cơ sở sản xuất kinh doanh; cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động; chủ động phòng ngừa, sự cố đặc biệt nghiêm trọng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Đặc biệt, các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động đã có nhiều đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng Internet trong tổ chức các hoạt động, góp phần đảm bảo các biện pháp chống dịch Covid-19, vừa tổ chức tốt các hoạt động trong Tháng hành động ATVSLĐ. Nhờ đó, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về ATVSLĐ các cấp, các ngành, các đơn vị, của người sử dụng lao động và người lao động được nâng lên. Người sử dụng lao động đã chủ động, tích cực hơn trong việc xây dựng, kiện toàn bộ máy nhân sự làm công tác ATVSLĐ, thành lập hội đồng bảo hộ lao động…; người lao động có sự chuyển biến rõ rệt về ý thức tự giác chấp hành, thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực này và kịp thời phát hiện, kiến nghị với người sử dụng lao động về các nguy cơ rủi ro, các yếu tố tiềm ẩn nguy hiểm tại nơi làm việc…

Chí Tâm