Lao động
Tăng giờ làm thêm: Đáp ứng nguyện vọng của người lao động
03:55 PM 23/03/2022
(LĐXH)- Tăng giờ làm thêm trong tháng từ 40 giờ lên 72 giờ và nâng tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ trong một năm mà không giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc. Đề xuất này sẽ đáp ứng được nguyện vọng của rất nhiều lao động trước những tổn thất do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Hiện nay, Chính phủ đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động. Hướng đề xuất của Chính phủ là tăng giờ làm thêm trong tháng từ 40 giờ lên 72 giờ và nâng tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ trong một năm mà không giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc. Đây được coi là một trong những giải pháp nhằm thực hiện chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, khắc phục những tổn thất do dịch Covid-19 gây ra cho người lao động và người sử dụng lao động trong hơn 2 năm qua, góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế - xã hội đất nước
Rất nhiều người lao động mong muốn được nới thêm thời giờ làm thêm
Gần 10 năm làm công nhân tại Xí nghiệp May sơ mi Hà Nội (Tổng công ty May 10) ở quận Long Biên (thành phố Hà Nội) chị Nguyễn Thị Thương và đồng nghiệp đã rất quen với việc tăng ca, làm thêm giờ. Thông thường, thời gian làm thêm của chị Thương khoảng 1 giờ/mỗi ngày - có nghĩa ngày lao động của chị kéo dài từ 8 lên 9 giờ. Tuy nhiên từ tháng 2/2022 đến nay, Công ty có những đơn hàng gấp, trong khi Xí nghiệp lại có quá nhiều lao động trở thành F0, phải nghỉ hàng loạt. Chị Nguyễn Thị Thương và đồng nghiệp cùng dây chuyền đã thống nhất cùng làm thêm 2 giờ/mỗi ngày để kịp lô hàng. Trong 2 tiếng làm thêm cuối ngày, chị Thương nhận mức lương cao gấp rưỡi (150%) so với lương cho 8 giờ làm chính thức trong ngày. Ngoài ra, chị và đồng nghiệp cũng có thêm khoản phụ cấp, thưởng định mức, được thêm một bữa ăn ca, bữa phụ… trong ngày.
Đối với vấn đề xuất nới "trần" giờ làm thêm tháng từ mức 40 giờ lên 72 giờ đang được đưa ra xem xét, chị Nguyễn Thị Thương, chia sẻ: Lâu nay, mỗi khi có đợt hàng gấp, Công ty huy động làm thêm, hầu hết người lao động tại xí nghiệp đều sẵn sàng làm thêm và thời điểm này chị có làm thêm cả tháng, mỗi ngày làm thêm 2 tiếng chị vẫn có thể đáp ứng được công việc. Thu nhập tăng lên 12 - 13 triệu đồng/người/tháng và có thêm nguồn thu để trang trải cuộc sống.
Tăng giờ làm thêm sẽ đáp ứng nguyện vọng của người lao động sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh
Cũng giống như chị Nguyễn Thị Thương, chị Nguyễn Thị Tiến (sinh năm 1992, làm tại Xí nghiệp May sơ mi Hà Nội đã 8 năm), nêu quan điểm: So với việc nhận 8 - 9 triệu đồng/tháng để làm ngày 8 tiếng, về đúng 17h chiều với việc làm thêm 1 - 1,5 tiếng/ngày, về muộn hơn, để thu nhập thêm được 3 - 4 triệu đồng/tháng thì chị chọn làm thêm. Việc làm thêm là trên cơ sở tự nguyện, có thỏa thuận nên tôi không ngại. Còn về sức khỏe thì giờ tôi vẫn tiếp tục làm thêm 1 giờ mỗi ngày, khi nào lớn tuổi hơn, thấy mệt thì tôi thôi.
Còn chị Trần Thị Lan (sinh năm 1986, quê Quảng Bình, đã có nhiều năm thuê trọ khi ra Hà Nội làm công nhân Xí nghiệp May sơ mi Hà Nội), tâm sự: Trước đây, khi con còn nhỏ, phải gửi người trông giữ, mình cũng ít khi nhận tăng ca, nếu có cũng chỉ làm thêm 1 tiếng, đến 18h phải đi đón con. Năm nay, đặc biệt là khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, mình sẵn sàng và mong muốn làm thêm đều đặn với mức 1,5 - 2 tiếng/ngày để kiếm thêm thu nhập. Dù con nhỏ, mình cũng vẫn cố gắng sắp xếp việc nhà để làm thêm vì đó là thời gian được trả lương tốt hơn giờ làm bình thường. Thời điểm hiện tại, tôi thấy sức khỏe vẫn ổn, chắc vẫn cố gắng được. Thêm được thu nhập thì tốt chứ bao năm qua, vợ chồng kiếm chỉ vừa đủ tiêu, không có tích lũy.
Không chỉ lao động nam, rất nhiều lao động nữ cũng mong muốn tăng giờ làm thêm để tăng thu nhập
Đồng quan điểm với nhiều công nhân, người lao động ở Tổng công ty May 10, anh Nguyễn Văn Hưởng, Tổ trưởng Tổ in tráng men, Tổng Công ty Catalan (Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh), trao đổi: Bản thân tôi và rất nhiều an hem công nhân, người lao động cũng mong muốn có thêm thu nhập khi làm thêm giờ. Hiện trong 1 tuần làm việc thì 1 ca hiện tại chỉ thêm từ 1 tiếng đến 1,5 tiếng. Bình quân 1 tháng, làm thêm 20 đến 22 ngày. Nếu điều kiện có thể cho phép thì chúng tôi mong muốn được làm thêm từ 2 tiếng đến 2,5 tiếng/một ngày và từ 23 đến 24 ngày/tháng (tương đương mức 70 giờ/tháng) thì thu nhập với mỗi lao động có thể tăng gấp rưỡi và vẫn có những khoảng thời gian nghỉ xen kẽ trong tuần, trong tháng để đảm bảo việc phục hồi sức khỏe.
Không chỉ với anh Nguyễn Văn Hưởng, anh Nguyễn Như Tiến công nhân Tổng Công ty Catalan, cho biết: Bản thân  và vợ con, toàn bộ gia đình lần lượt trở thành F0, phải nghỉ việc, cách ly trong thời gian kéo dài. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, do đó mà điều kiện kinh tế, sinh hoạt của gia đình cũng eo hẹp và gặp nhiều khó khăn. Gắn bó với công việc tại đây đã 8 năm, mức lương của mình hiện từ khoảng 11 - 12 triệu đồng/tháng, nếu làm thêm đủ 40 giờ/tháng như quy định hiện hành, thu nhập sẽ lên mức 15 triệu đồng. Lúc này thực sự muốn được tăng giờ làm thêm để tranh thủ kiếm thêm thu nhập bù lại thời gian vừa qua. Ngoài chuyện quyền lợi cá nhân, tôi cũng mong muốn cùng Công ty duy trì công việc, hoạt động để sớm khôi phục sản xuất, có việc làm ổn định và tang thu nhập.
Anh Nguyễn Văn Hưởng (Tổng Công ty Catalan) mong muốn sớm được "nới" thời giờ làm thêm
Tại Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Goertek Vina (doanh nghiệp FDI Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh), anh Trần Trung Nghĩa (23 tuổi, quê Tuyên Quang, công nhân xưởng Md1), bày tỏ: Hiện quy định giới hạn làm thêm không quá 40 giờ/tháng, nếu làm đủ thì lương làm thêm đã chiếm khoảng 30% tổng thu nhập của người lao động, tức thêm được 3 - 4 triệu đồng/tháng. Nếu giờ làm thêm được tăng lên thì tiện cho công nhân, làm tăng ca xong tranh thủ về ngủ luôn, không phải lo gì nhiều việc sinh hoạt nữa vì đã được đảm bảo 2 bữa ăn tại công ty, đỡ phải tiêu thêm tiền mà thu nhập có thể tăng gấp đôi. Những ngày tăng ca thêm 2 - 3 giờ theo các đợt ngắn, thấy không đến mức quá sức, quá mệt mỏi, mà thu nhập cải thiện hẳn…
Xuất phát từ thực tế khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, Chính phủ giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động. Về thời gian áp dụng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất được thực hiện đến hết ngày 31/12/2022 – có nghĩa việc tăng giờ làm thêm sẽ chỉ là tạm thời, trong thời gian ngắn và trước mắt thực hiện trong năm 2022. Đây là giải pháp tình thế trong hoàn cảnh đặc biệt để kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách hỗ trợ đời sống nhân dân, người lao động. Đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động và tăng sự linh hoạt việc bố trí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Chí Tâm