Lao động
Số người có việc làm trong quý I/2023 tiếp tục tăng
03:13 PM 10/04/2023
(LĐXH)- Thông tin từ Tổng cục Thống kê, thị trường lao động quý I năm 2023 tiếp tục duy trì đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý I năm 2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I năm 2023 là 52,2 triệu người, tăng 88,7 nghìn người so với quý trước và tăng hơn một triệu người so với cùng kỳ năm trước.
So với quý trước, lực lượng lao động ở khu vực thành thị tăng 121 nghìn người; trong khi đó khu vực nông thôn giảm 32,3 nghìn người, lực lượng lao động nam và nữ đều tăng, tương ứng tăng 60,3 nghìn người và 28,4 nghìn người.
So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động ở cả khu vực thành thị, nông thôn và nam nữ đều tăng (tăng tương ứng là 355,4 nghìn người; 680,4 nghìn người; 597,9 nghìn người và 438,0 nghìn người).
Ảnh minh họa
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I năm 2023 là 68,9%, không thay đổi so với quý trước và tăng 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới là 62,9% và của tỷ lệ này của nam giới là 75,3%.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 65,2%, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 71,3%.
Xem xét theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở các nhóm tuổi rất trẻ và nhóm tuổi già, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 55 tuổi trở lên (thành thị: 30,9%; nông thôn: 48,3%) và nhóm từ 15-24 tuổi (thành thị: 39,0%; nông thôn: 48,8%).
Điều này cho thấy, người dân tại khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý I năm 2023 là 26,4%, không thay đổi so với quý trước và cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Trong tổng số 23,5 triệu người từ 15 tuổi trở lên không tham gia thị trường lao động (ngoài lực lượng lao động) của quý I năm 2023, có 12,2 triệu người trong độ tuổi lao động, tập trung nhiều nhất ở nhóm 15-19 tuổi (5,2 triệu người).
Cũng theo Tổng cục Thống kê, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm quý I năm 2023 là 51,1 triệu người, tăng 113,5 nghìn người so với quý trước và tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, số lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,9 triệu người (chiếm 37,0%), tăng 120,9 nghìn người so với quý trước và tăng 386,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, lao động có việc làm ở khu vực nông thôn đạt 32,2 triệu người, giảm 7,3 nghìn người so với quý trước và tăng 726,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Trong tổng số 51,1 triệu lao động có việc làm, lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 39,0%, tương đương gần 20,0 triệu người, tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 33,9%, tương đương 17,3 triệu người. Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng thấp nhất, 27,1%, tương đương 13,8 triệu người.
So với quý trước và cùng kỳ năm trước, qui mô lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đều giảm lần lượt là 285,6 nghìn người và 53,6 nghìn người; lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 360,9 nghìn người so với quý trước và tăng 566,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; lao động trong ngành dịch vụ tăng 38,1 nghìn người so với quý trước và tăng 599,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Để thị trường lao động phục hồi bền vững, đảm bảo cuộc sống cho người lao động, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp:

– Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp. Cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, điện-điện tử…

– Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội; Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm.

– Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị thị trường lao động phù hợp, từng bước hiện đại, minh bạch có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả kết nối cung cầu lao động, việc làm, an sinh xã hội./.

Hồng Minh
Từ khóa: Việc Làm Thu nhập