Lao động
Quảng Ninh tăng cường công tác quản lý, sử dụng lao động nước ngoài
11:16 AM 28/03/2024
(LĐXH) – Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh mới có công văn yêu cầu các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, nhà thầu có sử dụng lao động người nước ngoài trên địa bàn tỉnh cần tăng cường công tác quản lý, sử dụng lao động nước ngoài.
Trong thời gian qua, công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý lao động người nước ngoài đã được các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thực hiện cơ bản đảm bảo theo quy định. Hiện, trên địa bàn tỉnh có gần 300 doanh nghiệp sử dụng khoảng 2.800 lao động là người nước ngoài, đảm nhận các vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật. Việc quản lý, sử dụng hiệu quả, đúng quy định pháp luật đối với người lao động nước ngoài đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đảm bảo an ninh công nhân, trật tự, an toàn xã hội; cải thiện, thu hút môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.
(Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra, nắm bắt thông tin vẫn còn tình trạng doanh nghiệp sử dụng người lao động nước ngoài làm việc không đúng địa điểm ghi trên giấy phép lao động, doanh nghiệp nợ lương, giữ giấy tờ tùy thân của người nước ngoài, sử dụng người nước ngoài được doanh nghiệp bảo lãnh dưới thị thực doanh nghiệp để ký hợp đồng lao động, làm việc cho doanh nghiệp… Để công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh được hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật, Sở LĐ-TB&XH yêu cầu các doanh nghiệp có sử dụng người lao động nước ngoài nghiêm túc rà soát, chấn chỉnh, thực hiện một số nội dung sau: Rà soát, thực hiện cấp giấy phép lao động (GPLĐ) cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo đúng quy định tại Điều 151 ÷ Điều 157 Bộ luật Lao động năm 2019, Nghị định số 152/2020/NĐ-CP và Nghị định số 70/2023/NĐ-CP nêu trên. Chỉ được phép sử dụng lao động là người nước ngoài khi đã được cấp GPLĐ hoặc Xác nhận không thuộc diện cấp GPLĐ hoặc Thông báo không thuộc diện cấp GPLĐ.
Không được ký hợp đồng lao động, sử dụng người nước ngoài làm việc cho doanh nghiệp đối với những người được doanh nghiệp bảo lãnh cấp thị thực doanh nghiệp (Thị thực cấp cho người nước ngoài vào làm việc với doanh nghiệp tại Việt Nam) theo khoản 8 Điều 8 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (trừ các trường hợp quy định tại Điều 154 Bộ luật Lao động năm 2019 và Điều 7 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP, nhưng các trường hợp này phải thực hiện xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp GPLĐ hoặc thông báo với Sở LĐ-TB&XH về trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp GPLĐ).
Chỉ doanh nghiệp đề nghị cấp GPLĐ mới được sử dụng người lao động nước ngoài làm việc theo GPLĐ được cấp (không cho doanh nghiệp khác sử dụng, thuê lại lao động nước ngoài). Doanh nghiệp phải sử dụng người lao động nước ngoài làm đúng vị trí công việc, chức danh công việc, địa điểm làm việc được ghi trên GPLĐ. Chỉ được tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm vị trí công việc quản lý, điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Trước khi có nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài phải thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng người lao động nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 70/2023/NĐ-CP.
Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho lao động người nước ngoài theo quy định. Không được giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động; không được yêu cầu người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động (Điều 17 Bộ luật Lao động năm 2019). Nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng (trước ngày 30/6), báo cáo năm (trước ngày 30/12) về tình hình sử dụng lao động là người nước ngoài theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP; Biểu báo cáo theo mẫu số 07/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 70/2023/NĐ-CP.
Trường hợp GPLĐ hết hiệu lực theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 Điều 156 Bộ luật Lao động năm 2019 thì doanh nghiệp có trách nhiệm thu hồi GPLĐ của người lao động nước ngoài để nộp lại Sở LĐ-TB&XH theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP; trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP và Nghị định số 70/2023/NĐ-CP sẽ bị thu hồi giấy phép lao động theo quy định tại Điều 20, Điều 21 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP.
Trong quá trình quản lý, sử dụng, nếu có vụ việc liên quan trực tiếp đến người lao động nước ngoài thì yêu cầu các doanh nghiệp thông tin kịp thời tới Sở LĐ-TB&XH và Công an tỉnh để phối hợp giải quyết theo thẩm quyền, đảm bảo quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…/.
Minh Cảnh