Lao động
Năm 2024: Tuyên Quang phấn đấu giải quyết việc làm cho 22.550 lao động
11:49 AM 28/03/2024
(LĐXH)-Thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang luôn đôn đốc việc triển khai thực hiện tại cơ sở về công tác lao động - việc làm, giáo dục nghề nghiệp, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vay vốn phát triển sản xuất để giúp người lao động học nghề phù hợp, có việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Thực hiện công tác lao động - giáo dục nghề nghiệp, năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang tiếp tục thẩm định, cấp giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Triển khai các dự án, tiểu dự án và các hoạt động liên quan đến việc giáo dục nghề nghiệp, việc làm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023. Theo dõi, đôn đốc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện kế hoạch tuyển sinh và đào tạo giáo dục nghề nghiệp năm 2023. Kết quả, năm 2023, đã tuyển sinh đào tạo 13.575 người, đạt 169,7%. Trong đó, trình độ cao đẳng 128 người, trung cấp 1.282 người, sơ cấp 6.107 và đào tạo dưới 3 tháng 6.058 người. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67,5%, trong đó tỷ lệ có bằng, chứng chỉ 26% (đạt 100% kế hoạch năm).
Tỉnh Tuyên Quang đã giải quyết việc làm cho trên 22.000 lao động trong năm 2023
Trong năm, Sở đã hoàn thành thu thập thông tin về người lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác trên địa bàn theo Kế hoạch số 219/KH-UBND ngày 15/9/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương hướng dẫn, hỗ trợ, đôn đốc các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn thực hiện đúng các chế độ chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động về các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, các quy định trong nội quy, quy chế của doanh nghiệp; báo cáo tình hình sử dụng lao động, tiền lương năm 2023 và kế hoạch thưởng cho người lao động trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024.
Sở và các cơ quan, đơn vị cũng triển khai các giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Đến tháng 12/2023, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 29,66%; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 24,32%. Đồng thời, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã thực hiện đúng, đủ, kịp thời chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động. Trong năm 2023, Trung tâm tiếp nhận 7.523 hồ sơ đề nghị hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, có 7.361 người được giải quyết chính sách trợ cấp thất nghiệp với kinh phí hỗ trợ gần 105 tỷ đồng và 2 người được hỗ trợ học nghề với kinh phí 9 triệu đồng.
Thực hiện công tác công tác quản lý người lao động là người nước ngoài trên địa bàn tỉnh, Sở đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận cho 26 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng 164 lao động người nước ngoài; cấp mới 63 giấy phép, gia hạn 54 giấy phép; cấp lại 15 giấy phép cho lao động là người nước ngoài; thu hồi 69 giấy phép lao động của 29 đơn vị, doanh nghiệp.
Về công tác giới thiệu việc làm, kết nối cung – cầu lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh thường xuyên chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm, các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động, đào tạo nghề, kết nối thông tin, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp với nhu cầu tìm việc của người lao động để đưa lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho 16.280 lượt người lao động; giới thiệu, kết nối việc làm, học nghề cho 2.962 lượt người lao động, trong đó có 918 người lao động tìm được việc làm, 53 người đi học nghề; đăng tải 343 lượt thông tin tuyển dụng việc làm, tuyển sinh học nghề trên website, cổng thông tin điện tử và fanpage của Trung tâm; cấp phát 19.000 tờ rơi, gần 600 quyển tài liệu thông báo tuyển dụng, tuyển sinh của các đơn vị doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho người lao động và các xã, phường, thị trấn; đôn đốc, triển khai hướng dẫn thực hiện các chính sách, hoạt động hỗ trợ việc làm thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, Sở đã đẩy mạnh cho vay giải quyết việc làm từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm và nguồn vốn của tỉnh ủy thác. Thực hiện công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là ngoại ngữ, văn hóa khi làm việc ở nước ngoài. Quản lý chặt hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đủ điều kiện pháp lý, năng lực hoạt động tham gia tuyển chọn, đưa lao động Vĩnh Phúc đi làm việc ở nước ngoài. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan có liên quan để thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm quy định của pháp luật về đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Kết quả, năm 2023, toàn tỉnh tạo việc làm cho 25.953 lượt lao động, trong đó: Lao động làm việc trong các ngành kinh tế tại tỉnh là 16.610 người; lao động đi làm việc các tỉnh, thành phố 8.282 người; lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng 1.061 người, đạt 117% kế hoạch năm 2023, tăng 04% so cùng kỳ năm 2022.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Tuyên Quang, năm 2024, tỉnh phấn đấu số lao động được giải quyết việc làm là 22.550 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69,5%, trong đó tỷ lệ có bằng, chứng chỉ đạt 28%. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội của lực lượng lao động trong độ tuổi đạt 31%. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của lao động trong độ tuổi đạt 24,7%.
Theo đó, Sở tham mưu thực hiện các giải pháp đổi mới công tác giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; rà soát nắm chắc thực trạng lao động và thị trường lao động, triển khai công tác giải quyết việc làm đồng bộ, từ khâu hướng nghiệp, đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, đến hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh. Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ về giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ lao động tham gia thị trường lao động, đăc biệt là các cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời Sở tiếp tục phối hợp với các ngành, Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố kiểm tra, nắm tình hình việc triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện./.
Mỹ Hạnh