Lao động
Hội thảo quốc gia chuẩn bị cho Diễn đàn lao động di cư ASEAN lần thứ 16
08:18 PM 19/10/2023
(LĐXH) - Ngày 19/10/2023, tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã diễn ra Hội thảo quốc gia chuẩn bị cho Diễn đàn lao động di cư ASEAN lần thứ 16. Đây là hoạt động thường niên do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức.
Hội nghị có sự tham gia của đại diện các đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Ngoại giao; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; các tổ quốc tế liên quan tại Việt Nam như ILO, IOM, GIZ, UN WOMEN, Đại sứ quán Úc, Canada.
Toàn cảnh Hội thảo
Trong bài phát biểu khai mạc, ông Lưu Quang Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Diễn đàn lao động di cư ASEAN (AFML) và các Hội thảo quốc gia để chuẩn bị cho Diễn đàn là hoạt động thường niên để chia sẻ về thực trạng, các vấn đề và kinh nghiệm liên quan tại các nước thành viên ASEAN trong bảo vệ lao động di cư theo những góc độ khác nhau. 
ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về nhiều chủ đề liên quan đến lao động di cư nhằm tăng cường nhận thức của cộng đồng về vai trò của người lao động, cũng như các biện pháp bảo vệ lao động di cư bằng luật pháp và chính sách và các hành động của các bên ở cả cấp khu vực và quốc gia.

Ông Lưu Quang Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế phát biểu khai mạc Hội thảo

“Sau gần 3 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nền kinh tế cũng như các hoạt động đang được phục hồi và từng bước phát triển trở lại. Tuy nhiên, người lao động di cư vẫn còn phải đối mặt với khá nhiều khó khăn khi làm việc ở nước ngoài. Do đó, còn rất nhiều việc phải làm để đảm bảo sự bảo vệ cơ bản cho người lao động di cư trong những tình huống bất thường trong khu vực. Tôi hi vọng, Hội thảo sẽ tiếp tục là cơ hội tốt để các đại biểu cùng thảo luận về những nội dung liên quan đến việc bảo vệ lao động di cư ở cấp quốc gia và từ đó đưa ra những ý kiến đóng góp vào các khuyến nghị chung của ASEAN” – Ông Lưu Quang Tuấn nhấn mạnh.
Cũng tại Hội thảo bà Anna Engblom, Trưởng cố vấn kỹ thuật, Dự án TAM GIÁC ASEAN, ILO cho biết: Chủ đề của Hội thảo hôm nay rất quan trọng đối với phúc lợi của hàng triệu người di cư đang làm việc trong khu vực ASEAN, cũng như đối với nhiều người sử dụng lao động phụ thuộc vào lao động nhập cư và Chính phủ các nước ASEAN.
Theo bà Anna Engblom, ở khu vực ASEAN, trong khi hàng triệu phụ nữ và nam giới di cư rời quê hương để làm việc ở nước ngoài thông qua các con đường hợp pháp mỗi năm, thì vẫn có một số lượng chưa xác định được những người di cư làm việc trong tình trạng phi chính thức. Do vậy, để giảm tình trạng di cư bất thường trong khu vực, các quốc gia nơi xuất xứ và nơi đến cần hợp tác để tạo ra các kênh di cư thường xuyên nhanh hơn, rẻ hơn, dễ tiếp cận hơn cho nhiều người lao động nhập cư hơn và đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động. Các quốc gia tiếp nhận cũng cần đảm bảo rằng tình trạng thường trú để người lao động di cư được bảo vệ quyền lợi, điều kiện làm việc, tự do cá nhân và chất lượng cuộc sống tốt hơn so với những gì họ có thể làm với tư cách là người lao động di cư không thường xuyên”- bà Anna Engblom nêu rõ.
Bà Anna Engblom, Trưởng cố vấn kỹ thuật, Dự án TAM GIÁC ASEAN, ILO nêu các khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả quy trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong ASEAN
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận theo hai tiểu chủ đề, bao gồm:
- Tiểu chủ đề 1: Cải thiện các chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong ASEAN: Tập trung vào các qui định, thủ tục liên quan đến di cư lao động tạm thời hiện nay ở ASEAN như hệ thống giấy phép lao động, các thỏa thuận/MOU lao động song phương và lao động trong nước, lao động thời vụ và các chương trình qua biên giới - nhằm làm cho chúng trở nên đáp ứng hơn về giới, an toàn, chi phí hợp lý, dễ tiếp cận và hiệu quả.
- Tiểu chủ đề 2: Đảm bảo quy trình di cư hợp pháp mang tính bao trùm và đáp ứng với thị trường lao động. Phiên họp đã chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế, khu vực và thảo luận các biện pháp khác nhau để các chính phủ ứng phó với tình trạng thiếu lao động và kỹ năng, bao gồm xác định các ngành nghề có nhu cầu dựa trên thông tin và dự báo thị trường lao động cũng như các biện pháp tăng cường phát triển kỹ năng và tạo điều kiện công nhận lẫn nhau về kỹ năng, trình độ và năng lực.
Cuối cùng, dưới sự điều hành của Vụ Hợp tác quốc tế và ILO, Hội thảo đã thống nhất đối với các khuyến nghị chung của Việt Nam để gửi đến Diễn đàn cấp khu vực lần thứ 16 sẽ được tổ chức vào cuối tháng 10/2023 tại Indonesia.
Đức Dương