Lao động
Hòa Bình: Gần 15 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động khó khăn do dịch Covid-19
10:51 AM 30/09/2021
(LĐXH) – Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành và địa phương, khẩn trương rà soát đối tượng bị ảnh hưởng để hỗ trợ kịp thời. Tính đến ngày 14/9/2021 toàn tỉnh đã hỗ trợ gần 15 tỷ đồng đến các đối tượng.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đang triển khai chính sách cho vay đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

Để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành tổng hợp, rà soát, thẩm định các đối tượng bị ảnh hưởng và trình UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đôn đốc UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết. Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh có 3.015 doanh nghiệp, với trên 72 nghìn lao động. Trong đó, có 9 doanh nghiệp dừng hoạt động, 75 doanh nghiệp có lao động bị ngừng việc, 12 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, du lịch, dịch vụ lưu trú, đưa lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài gặp khó khăn. Tính đến ngày 14/9/2021 toàn tỉnh đã hỗ trợ gần 15 tỷ đồng đến các đối tượng.
Công ty cổ phần Tập đoàn IBB là doanh nghiệp sản xuất, phân phối nước giải khát và bia, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Ông Nguyễn Ngọc Quân, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Nếu như không ảnh hưởng của dịch bệnh, công ty có khoảng 40 lao động làm việc thường xuyên, thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng. Nhưng hiện nhiều lao động buộc phải nghỉ việc vì sản xuất bị đình trệ. Mặc dù tạm ngừng hoạt động nhưng công ty vẫn phải trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho một số lao động chủ chốt nên thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, khi được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thông tin, hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục vay vốn và thực hiện giải ngân kịp thời đã giúp công ty tháo gỡ khó khăn. "Thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, chúng tôi đã nhanh chóng được tiếp cận gói vay hỗ trợ theo Nghị quyết 69. Đây không khác nào phao cứu sinh với doanh nghiệp trong lúc khó khăn” - ông Quân chia sẻ.
Tính đến ngày 14/9/2021, toàn tỉnh đã hỗ trợ gần 15 tỷ đồng đến các đối tượng (Ảnh minh họa)
Công ty cổ phần điện tử viễn thông Thành Biên (thành phố Hòa Bình) cũng đã được giải ngân hơn 785 triệu đồng để phục vụ trả lương cho 251 lượt lao động theo Nghị quyết 68. Ông Nguyễn Thành Biên, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết: Nghị quyết 68 được ban hành và triển khai kịp thời đã đem lại niềm vui cho các doanh nghiệp. Gói vay vốn từ Nghị quyết 68 là sự hỗ trợ hết sức thiết thực cho các doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó khăn có thể còn nhiều ở thời gian tới. Do đó, chúng tôi mong muốn được kéo dài thời hạn cho vay, giãn, hoãn nợ và cho vay mới với thủ tục hành chính đơn giản hơn.
Có thể nói, với sự hỗ trợ khẩn trương, kịp thời của các Sở, ban, ngành và địa phương của tỉnh Hòa Bình đã giúp người lao động phần nào vơi bớt những khó khăn trong cuộc sống, giúp các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, cùng cả nước vượt qua đại dịch Covid-19.
Từ nay đến cuối năm 2021, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình sẽ đôn đốc UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết số 68; Thẩm định danh sách, kinh phí đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn…/.
Minh Cảnh