Lao động
Hà Nội: Người nghèo vẫn "khát" vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết làm
10:48 AM 25/09/2018
(LĐXH)- Đối tượng là các hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình trên thực tế có nhu cầu vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm là rất lớn.
Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng ưu đãi đối với gia đình nghèo và các đối tượng chính sách khác, những năm qua, thành phố Hà Nội đã tập trung huy động được các nguồn lực tài chính, tạo lập nguồn vốn đáp ứng cơ bản nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và chính sách trên địa bàn; tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội với chất lượng ngày càng được nâng cao.
Hà Nội cũng chỉ đạo triển khai mô hình quản lý tín dụng chính sách chặt chẽ với sự tham gia của cả hệ thống chính trị; tổ chức có hiệu quả mạng lưới hoạt động với sự hình thành của 7.500 tổ TK&VV, 561 điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn, qua đó giúp người nghèo và đối tượng chính sách tiếp cận với dịch vụ tín dụng ưu đãi một cách thuận lợi. Có thể khẳng định đây là cách làm hay, có hiệu quả và phù hợp với thực tiễn.
Nhu cầu vay vốn của người dân từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm là rất lớn
Nhờ đồng vốn ưu đãi từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội TP Hà Nội (NHCSXH), nhiều hộ gia đình ở vùng nông thôn ở Hà Nội đã chủ động mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm được việc làm mới, ổn định, từng bước cải thiện và nâng cao cuộc sống.
Có thể kể đến một số trường hợp điển hình như gia đình anh Lê Ngọc Luyến, Bí thư Chi đoàn thôn Lai Tạo (huyện Mỹ Đức) được đánh giá là hộ sử dụng vốn vay giải quyết việc làm đạt hiệu quả. Chỉ từ vốn vay 50 triệu đồng, anh đầu tư sản xuất trồng 3 sào bưởi Diễn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Sản phẩm tiêu thụ mạnh, có nguồn thu nhập, anh mạnh dạn đầu tư thêm vào xưởng hàn sắt khung nhôm kính. Không chỉ trả hết vốn và lãi cho ngân hàng mà kinh tế gia đình anh khấm khá lên nhiều so với trước.
Cũng qua chương trình giải quyết việc làm, gia đình anh Nguyễn Văn Hoạt, Đội 8, thôn Thượng, Phùng Xá (Mỹ Đức) được giải ngân 300 triệu đồng (năm 2015) đầu tư vào mua máy dệt công nghiệp phục vụ cho việc sản xuất khăn mặt, tạo việc làm cho 12 lao động thường xuyên trong xã với mức lương từ 3 đến 8 triệu đồng/tháng. Tại công ty cổ phần may Mỹ Đức (huyện Mỹ Đức), nhờ nguồn vốn giải quyết việc làm, 400 lao động thường xuyên có việc làm ổn định với mức lương 5 triệu đồng/tháng.
Theo đánh giá của lãnh đạo địa phương, lãi suất của NHCSXH ưu đãi và ổn định hơn các ngân hàng thương mại khác, nên từ khi triển khai chương trình cho vay GQVL luôn nhận được sự hưởng ứng của các hộ dân khu vực nông thôn. Chính vì thế, đa số hộ gia đình mong muốn Chính phủ nâng mức cho vay để có thể mở rộng quy mô sản xuất, tạo nhiều việc làm cho người nông dân.
Quyết định 71/QĐ-TTg 2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, quy định rõ: Mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh được vay tối đa 500 triệu đồng/dự án và 20 triệu đồng/hộ. Thế nhưng trên thực tế, đến thời điểm này, số cơ sở được vay 500 triệu đồng chiếm tỷ lệ rất thấp. Phổ biến là mức vay vài chục triệu đồng, đối tượng là các hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình và số đối tượng này trên thực tế có nhu cầu vay vốn là rất lớn. Do đó, NHCSXH đã tăng cường nhiều giải pháp để đáp ứng nhu cầu này. Theo đó, việc cho vay của NHCSXH được thực hiện theo phương thức cho vay trực tiếp đến người vay, có ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện bình xét cho vay các đối tượng công khai tại các tổ TK&VV dưới sự chứng kiến, giám sát của trưởng thôn, tổ trưởng dân phố.
Ngân hàng giải ngân trực tiếp cho các họ vay vốn tại các điểm giao dịch xã đã thể hiện rõ chủ trương “xã hội hóa các hoạt động tín dụng chính sách”, thực sự phát huy hiệu quả và huy động sức mạnh của toàn xã hội tham gia hoạt động tín dụng chính sách; đồng thời đã tạo một kênh dẫn vốn hiệu quả, kịp thời đến các đối tượng hưởng thụ.
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh TP Hà Nội đã yêu cầu các ngân hàng chính sách xã hội cấp huyện chủ động, tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương cân đối, bố trí ngân sách chuyển vốn sang ngân hàng để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đồng thời, đẩy mạnh huy động vốn từ dân cư, tổ chức kinh tế và huy động vốn thông qua các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn trên địa bàn thành phố. 
Bên cạnh đó, ngân hàng tiếp tục tổ chức giải ngân kịp thời vốn thu hồi cho vay quay vòng và vốn được bổ sung mới trong năm 2018 theo chỉ tiêu kế hoạch được trung ương và thành phố giao, không để tồn đọng vốn. Các đơn vị của ngân hàng cũng tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn, phấn đấu thu hồi nợ quá hạn tồn đọng và có giải pháp ngăn ngừa nợ quá hạn phát sinh; nâng cao chất lượng hoạt động ở các điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn, bảo đảm hiệu quả và tuân thủ đúng quy định.
Hồng Minh
Từ khóa: vay Vốn