Lao động
Hà Nam: Triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn lao động
08:44 AM 06/04/2024
(LĐXH) – Theo số liệu của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam, năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 41 vụ tai nạn lao động làm 42 người bị nạn, trong đó: 11 vụ tai nạn chết người; 11 người chết; 06 người bị thương nặng.
Tổng số tai nạn giao thông liên quan đến lao động là 25 vụ làm 26 người bị thương (05 vụ tai nạn chết người làm 05 người chết, 01 vụ tai nạn nặng làm 01 người bị thương nặng).
Phân loại các vụ tai nạn lao động theo nghề nghiệp cho thấy, trong ngành khai khoáng và xây dựng động xảy ra 04 vụ làm 04 người chết; trong công nghiệp xảy ra 06 vụ làm 06 người chết; thu dọn vật thải xảy ra 01 vụ làm 01 người chết.
Qua công tác khai báo tai nạn lao động và biên bản điều tra của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh cho thấy, tai nạn lao động thường có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả lỗi người lao động và người sử dụng lao động, cụ thể các nhóm nguyên nhân chính: Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, không huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động; Người lao động không chấp hành quy trình vận hành an toàn lao động, không chấp hành pháp luật giao thông đường bộ, bất cẩn, chủ quan...
Công ty Điện lực Hà Nam phổ biến nội quy trước giờ làm việc
Để tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, hạn chế thấp nhất số vụ tai nạn lao động xảy ra, các Sở, ban, ngành, hội, đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường, đa dạng hóa các hoạt động thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức về đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho người lao động, người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng mạng xã hội; tuyên truyền, thông tin kịp thời về nguyên nhân các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố để phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cộng đồng. Tăng cường các hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin, hướng dẫn các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp, cơ sở; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trong một số ngành, lĩnh vực để xảy ra nhiều tai nạn lao động như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, khai khoáng, làm việc trong không gian hạn chế, sử dụng điện, thiết bị áp lực, hóa chất, sử dụng các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, các khu vực làng nghề, cụm công nghiệp ...; kiểm tra, tự kiểm tra rà soát nội quy, quy trình an toàn, vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp, nhà máy, phân xưởng, tổ, đội để phát hiện thiếu sót, các nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động và có giải pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động.
UBND các huyện, thị xã, thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về an toàn, vệ sinh lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó chú trọng khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn báo cáo kịp thời đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan công an cấp huyện khi có sự cố, tai nạn để giải quyết theo quy định.
Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, bộ phận trực thuộc tăng cường triển khai các chương trình hành động cụ thể nhằm đẩy mạnh các hoạt động đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin, truyền thông, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động, chú trọng các huấn luyện thực hành, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động; rà soát, xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại các phân xưởng, nhà máy, các máy, thiết bị; tổ chức đối thoại, chia sẻ các sáng kiến điển hình, mô hình hay trong triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động. Tăng cường nghiên cứu, đầu tư cải tiến dây chuyền, máy, thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tiếp tục triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe, cải thiện điều kiện làm việc, giảm căng thẳng tại nơi làm việc./.
Minh Hưng