Lao động
Giải pháp nào để thu hút lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước?
10:03 AM 25/10/2017
(LĐXH)- Với mức lương hấp dẫn, nhiều lao động đã ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp để kiếm tiền. Ngoài vận động tuyên truyền, cần làm gì để thu hút số lao động này trở về?
Năm 2017, Hàn Quốc chính thức tiếp nhận 3.600 lao động Việt Nam theo Chương trình EPS - chương trình  cấp phép cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc. Với mức lương trung bình trên 25 triệu đồng mỗi tháng, đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc được xem như con đường thoát nghèo cho nhiều lao động Việt Nam. Tuy nhiên, quyền lợi của nhiều lao động có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc đang bị ảnh hưởng bởi hơn 16.000 lao động cư trú bất hợp pháp tại thị trường này. 
Số lượng lao động của TP Hà Nội có nhu cầu đi XKLĐ tại Hàn Quốc rất lớn
Cách trung tâm thành phố khoảng 30km, xã Hương Ngải (huyện Thạch Thất, Hà Nội) từng được xem là “điểm sáng” về xuất khẩu lao động với số lượng đông nhất so với các xã khác trong tỉnh Hà Tây (cũ). Nhiều gia đình trong xã có tới 3 – 5 người đi xuất khẩu lao động, thậm chí có người đi 2 – 3 lần. Thông qua nguồn thu từ người đi xuất khẩu lao động  gửi về, nhiều gia đình đã thoát nghèo, có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, nuôi dạy con ăn học.   
Tuy nhiên, do số lượng lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc quá nhiều, nên huyện Thạch Thất bị đưa vào danh sách 44 quận/huyện trên toàn quốc bị cấm đi XKLĐ tại Hàn Quốc. Đến nay, cùng với huyện, Hương Ngải đã và đang tìm nhiều giải pháp để kêu gọi số lượng lao động hết hợp đồng ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp về nước, cũng như lao động sắp hết hợp đồng trở về nước đúng thời hạn.
Tuy nhiên, với khoảng 50 lao động đang cư trú bất hợp pháp, thực tế cho thấy, dù đã tuyên truyền, vận động nhưng trong năm qua tại xã Hương Ngải có rất ít lao động “chui” từ Hàn Quốc trở về. Trong khi đó, hàng chục lao động địa phương có nhu cầu muốn đi nhưng vẫn phải "xếp hàng" vì số lượng "chui" trở về quá ít.
Nói về biện pháp kêu gọi lao động cư trú bất hợp pháp về nước, ông Vũ Minh Hải thông tin: “Thời điểm tháng 7/2016, sau khi huyện Thạch Thất nhận được công văn của Bộ, Sở yêu cầu kêu gọi lao động về nước, huyện ngay sau đó đã có văn bản đề nghị các xã tuyên truyền vận động các gia đình có con em ở lại bất hợp pháp về nước. Xã đã thông báo rộng rãi trên đài truyền thanh, các đoàn thể cũng tổ chức tuyên truyền vận động tới từng hộ gia đình có con em đang ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp về nước đúng theo quy định của nước sở tại; qua đó tạo điều kiện và trao cơ hội cho những người ở quê nhà có nhu cầu muốn đi XKLĐ. Sau khi tuyên truyền, cũng đã có một số lao động trở về, tuy không nhiều. Trong tháng 10/2017 đã có 2 lao động tự về”.
Theo lãnh đạo địa phương, từ trước đến nay, thành phố, huyện cũng đã tổ chức một số phiên giao dịch việc làm cho người lao động hết hạn hợp đồng ở Hàn Quốc về nước, tuy nhiên vẫn ít lao động kiếm được việc làm. Đồng thời đề nghị, thông qua các phiên giao dịch này, các công ty Hàn Quốc đang hoạt động trên địa bàn huyện cũng như các huyện lân cận (như Quốc Oai, Hoài Đức...) tiếp nhận nhiều hơn nữa, để thu hút lực lượng bỏ trốn ở nước ngoài trở về.
Đánh giá chung cho thấy, những lao động địa phương đang làm việc tại Hàn Quốc có kỹ năng tay nghề khá, do đó khi trở về nước, họ mong muốn được làm việc đúng chuyên môn, có cơ hội phát triển và nhận mức lương xứng đáng, điều đó sẽ giúp họ yên tâm trở về.
Lãnh đạo xã Hương Ngãi cũng cho biết, để thu hút lao động cư trú bất hợp pháp trở về, bên cạnh sự vận động, địa phương cũng phát triển nghề mộc truyền thống để thu hút lao động. Là xã được công nhận chuẩn nông thôn mới, Hương Ngải đang từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao mức sống người dân, đặc biệt xây dựng hình ảnh người dân văn minh, sống và làm việc theo pháp luật./.
Hồng Minh