Lao động
Để phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp ở Bắc Giang
09:55 AM 05/06/2023
(LĐXH) – Người lao động thất nghiệp trong tỉnh Bắc Giang chưa thực sự quan tâm đến chính sách hỗ trợ học nghề sơ cấp. Mặc dù được tư vấn về chính sách với mức hỗ trợ mới nhưng người đăng ký học nghề chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
BHTN là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong khoảng thời gian thất nghiệp, khi có yêu cầu sẽ được nhận trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng đủ các yêu cầu theo quy định tại điều 49 Luật Việc làm năm 2013.

Người lao động làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm DVVL tỉnh Bắc Giang

Theo Điều 55 của Luật Việc làm, người lao động được hỗ trợ học nghề phải đáp ứng các điều kiện: Đã chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và xã hội ở các tỉnh thành; người lao động chưa tìm được việc làm sau 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động đã tham gia BHTN từ đủ 9 tháng trở lên, trong vòng 24 tháng làm việc, tính đến thời điểm chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động.
Để hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải nộp đủ BHTN 12 tháng trở lên. Nhưng đối với hỗ trợ học nghề, người lao động chỉ cần đóng từ đủ 9 tháng trở lên. Mức hỗ trợ học nghề được quy định như sau: Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, tùy thời gian và mức phí quy định cụ thể của từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mức phí không quá 4,5 triệu đồng/khóa học. Với những lao động tham gia khóa đào tạo nghề từ trên 3 tháng, căn cứ vào học phí của từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp và thời gian học thực tế, người lao động được hỗ trợ mức phí không quá 1,5 triệu đồng/tháng.
Mặc dù được tư vấn về chính sách với mức hỗ trợ mới nhưng người đăng ký học nghề chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng lao động tham gia BHTN. Theo báo cáo của Phòng BHTN, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh, năm 2022, toàn tỉnh có gần 20 nghìn trường hợp có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp song chỉ có 94 người đăng ký tham gia học nghề (chiếm 0,47%), chủ yếu học lái xe, học ngoại ngữ… Trong 5 tháng đầu năm 2023, Trung tâm đã đã tiếp nhận gần 12 nghìn người lao động đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tuy nhiên chưa có trường hợp nào đăng ký hỗ trợ học nghề.

Người lao động được hướng dẫn làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo đại diện Trung tâm DVVL tỉnh, hiện nay, đa phần người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp đều là lao động phổ thông (chiếm hơn 90%). Khi mất việc tạm thời, đa phần người lao động chỉ nghĩ đến việc nhận được tiền trợ cấp thất nghiệp, nhanh chóng tìm công việc mới, lựa chọn học nghề được ít người quan tâm. Mặt khác, với thời gian đào tạo tối đa không quá 6 tháng theo chính sách hiện nay thì người lao động chỉ được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề. Khi đó, dù có xin được việc mới cũng chỉ thu nhập cao hơn lao động phổ thông không đáng kể. 
Bà Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng miền núi Bắc Giang cho rằng mức hỗ trợ học nghề đã được điều chỉnh nhưng cũng mới đáp ứng được nhóm nghề phổ thông như: May mặc, chăn nuôi thú y. Trong khi một số nghề mũi nhọn có thể giúp người lao động chuyển đổi nghề, mang lại thu nhập khá như: Công nghệ ô tô, điện tử, điện lạnh, cơ khí thì mức học phí rất cao. Do đó, lao động thất nghiệp khó có khả năng để theo học. Vì vậy, bà Hồng kiến nghị, mức hỗ trợ của chính sách này vẫn cần được tăng thêm theo thời gian và ngành nghề đào tạo, giảm gánh nặng về chi phí, giúp người lao động có nhiều lựa chọn.
Theo ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở tiếp tục chỉ đạo Trung tâm DVVL tỉnh đẩy mạnh tư vấn giúp người lao động hiểu rõ về chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp thông qua đội ngũ tư vấn viên trực tiếp tại trung tâm và các đợt tuyên truyền lưu động ở các huyện, thành phố. Đồng thời, rà soát, quy hoạch hệ thống các trường nghề, bổ sung danh mục ngành nghề đào tạo phù hợp nhu cầu thị trường. Khuyến khích để các trường có chính sách giảm học phí đối với một số nghề có chi phí học cao. Bên cạnh đó, Sở tập trung đầu tư hệ thống dự báo cung - cầu lao động, đặc biệt là nhân rộng các mô hình liên kết đào tạo với doanh nghiệp. Khi lao động được đào tạo chuyển đổi đúng nghề mà doanh nghiệp cần và được tuyển dụng ngay khi kết thúc khóa học thì chính sách hỗ trợ học nghề mới thực sự phát huy hiệu quả./.
Minh Phương