Lao động
Cần làm gì để đào tạo nghề gắn với thị trường lao động và việc làm bền vững
02:28 PM 12/03/2020
(LĐXH) Đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp (DN) là xu hướng tất yếu trong cơ chế thị trường. Việc gắn kết này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và DN. Câu chuyện kết nối cung - cầu trong đào tạo được nhắc đến nhiều nhưng vẫn khó thực hiện khi nơi đào tạo và nhà tuyển dụng chưa có tiếng nói chung về mặt chiến lược nhân lực.
Mô hình hợp tác giữa các cơ sở GDNN và DN để đào tạo gắn với thị trường lao động và việc làm bền vững
Mô hình hợp tác giữa GDNN và DN bao gồm các nhóm cơ bản của  
Nhóm yếu tố lợi ích: Nhóm yếu tố này được xác định trên cơ sở chia sẻ, gắn kết và hài hòa lợi ích giữa bên đào tạo nguồn nhân lực (các cơ sở GDNN) và bên sử dụng nguồn nhân lực (DN) hai bên cùng có lợi, đáp ứng nhu cầu của sản xuất. Đồng thời, góp phần tích cực vào lợi ích chung của quốc gia hướng vào tạo việc làm bền vững cho người lao động, giảm thất nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững đất nước.  
Nhóm yếu tố quá trình: Đó là các yếu tố liên quan đến thiết kế mô hình với những hoạt động gắn kết cụ thể giữa cơ sở GDNN và DN để có thể hành động được nhằm đem lại lợi ích cho cơ sở GDNN, DN và xã hội về sản phẩm đào tạo có chất lượng đáp ứng nhu cầu của xã hội, của DN. Theo đó, nội dung cơ bản của nhóm yếu tố này bao gồm: Hình thành khung chiến lược gắn kết giữa cơ sở GDNN với DN trong đào tạo phù hợp với từng giai đoạn và tầm nhìn xa hơn nữa; xác định khung hoạt động của mô hình gắn kết tổng thể hoặc với các hình thức gắn kết cụ thể, riêng lẻ giữa cơ sở GDNN với DN trong đào tạo phù hợp với khả năng của trường và hướng tới đáp ứng nhu cầu của DN về nguồn nhân lực; xây dựng chính sách và cơ chế gắn kết giữa cơ sở GDNN với DN trong đào tạo. Chính sách và cơ chế đó phải lấy chất lượng sản phẩm đào tạo làm cầu nối gắn kết theo nguyên tắc thị trường, nhất là thị trường lao động và trên cơ sở hài hòa, chia sẻ lợi ích các bên; thiết lập thể chế quản trị mô hình gắn kết giữa cơ sở GDNN với DN trong đào tạo (quản trị quá trình tổ chức gắn kết; đánh giá kết quả đầu ra; sự phản hồi từ DN...).
Nhóm yếu tố bảo đảm (điều kiện): Đó là các yếu tố tạo môi trường đào tạo gần với môi trường làm việc của DN, chủ yếu liên quan đến các yếu tố bảo đảm chất lượng đầu ra đáp ứng yêu cầu sử dụng nguồn nhân lực của xã hội, của DN. Theo đó, nội dung cơ bản của nhóm yếu tố này là: chất lượng đội ngũ giảng viên, nhất là giảng viên cơ sở GDNN đi thực tế tại DN để bổ sung, cập nhật kiến thức, công nghệ, nâng cao kỹ năng nghề, phương pháp giảng dạy và sử dụng giảng viên kiêm nhiệm của DN trong cơ sở GDNN; tăng cường mối tương tác giữa giảng viên và người sử dụng lao động được đào tạo...; thiết kế nội dung, chương trình, xây dựng giáo trình đào tạo bảo đảm chất lượng đầu ra của đào tạo phù hợp với yêu cầu của DN; đầu tư kết cấu hạ tầng đào tạo đáp ứng yêu cầu của DN, trước hết là phải bảo đảm cơ sở vật chất có khả năng đào tạo cập nhật kỹ thuật và công nghệ mà DN đang áp dụng; hoặc kết hợp sử dụng cơ sở vật chất của DN phục vụ cho đào tạo; xác định tiêu chí đầu vào và đầu ra của đào tạo phù hợp với yêu cầu của DN, kiểm định chất lượng đầu ra của đào tạo. Nguyên tắc ở đây là phải căn cứ vào tiêu chí đầu ra (về kiến thức, kỹ năng, nhân cách) để lựa chọn công nghệ đào tạo và xác định tiêu chí đầu vào phù hợp; hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản trị đào tạo theo các mô hình gắn kết được xác định; xây dựng phương án khả thi tạo nguồn tài chính cho thực hiện mô hình theo nguyên tắc tự chủ, có tư cách pháp nhân đầy đủ và tự chịu trách nhiệm; hình thành thiết chế tổ chức dịch vụ đào tạo gắn với nhu cầu của DN.
Giờ thực hành của Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội
 Tồn tại, hạn chế và giải pháp nhằm hợp tác giữa các cơ sở GDNN và DN
Về mặt nhận thức, cho đến nay chưa có sự thống nhất về khái niệm, cũng như nội hàm, cấu trúc mô hình gắn kết giữa cơ sở GDNN và DN trong kinh tế thị trường; đồng thời cả cơ sở GDNN và DN cũng chưa có sự đồng điệu về tư duy, nhận thức đầy đủ, đúng, đồng thuận về nhu cầu gắn kết và hợp tác với nhau  nên chưa thấy hết tính cấp thiết của sự gắn kết này. Hơn nữa, các hoạt động gắn kết vừa qua giữa cơ sở GDNN và DN thường có tính tự phát, thiếu bài bản.
Ở tầm vĩ mô, mặc dù đã có chủ trương tăng cường gắn kết giữa cơ sở GDNN và DN trong đào tạo, song Nhà nước chưa thể chế hóa mô hình gắn kết này thành cơ chế, chính sách rõ ràng và do đó cũng chưa có hướng dẫn cụ thể nhằm tạo hành lang pháp lý để các cơ sở GDNN và DN thực thi trách nhiệm theo luật định dẫn đến hiện nay mối quan hệ này vẫn còn rất hạn chế “mạnh ai nấy làm”.
Vấn đề rất cốt yếu để cơ sở GDNN xây dựng và phát triển mô hình gắn kết giữa đào tạo với nhu cầu sử dụng của DN là phải trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự trang trải cho cơ sở GDNN, nhưng trên thực tế các cơ sở GDNN đang gặp phải những rào cản lớn liên quan đến quản lý vĩ mô, nhất là việc trao cho các cơ sở GDNN được tự chủ về đầu tư, tài chính, cơ cấu bộ máy và nhân sự, tiền lương, chương trình đào tạo... với nhiều khó khăn, vướng mắc.
Trong những năm qua đã xuất hiện một số mô hình gắn kết giữa cơ sở GDNN và DN khá hiệu quả, đem lại lợi ích cho sinh viên, cơ sở GDNN, DN và xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đánh giá rằng, việc gắn kết này đang có xu hướng trở thành trào lưu, mang tính hình thức và còn nặng về sự tài trợ, hỗ trợ của DN. Vấn đề quan trọng ở đây là chưa thiết lập được mối quan hệ tương tác chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi để đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu của xã hội, của DN. Trong đó, quan trọng nhất là cơ sở GDNN cũng chưa chủ động đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo gắn với nhu cầu việc làm của xã hội, nhu cầu sử dụng của DN, còn DN không chỉ thụ động trong việc hỗ trợ các trường để đưa sinh viên đến tham quan thực tế và thực tập, mà còn chưa tư vấn và đề xuất với các cơ sở GDNN trong việc định hướng chiến lược đào tạo trong nền kinh tế thị trường và đổi mới phương thức đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội, của DN.
 
Công tác đào tạo nghề cho người lao động phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp
Một số giải pháp gắn kết các cơ sở GDNN và DN trong đào tạo
Để tăng cường sự gắn kết các cơ sở GDNN và DN trong đào tạo cần nâng cao nhận thức, quyết tâm của cả 2 phía, cả các cơ sở GDNN lẫn DN trong việc gắn kết và hợp tác với nhau trong đào tạo vì lợi ích của cả 2 bên, lợi ích của người học và lợi ích chung của xã hội.
 Các cơ sở GDNN cần xây dựng chiến lược hành động cụ thể để định hướng và điều chỉnh hoạt động gắn kết giữa cơ sở GDNN và DN không trái với chính sách chung của Nhà nước, tạo hành lang, khung thể chế quản trị nhà trường gắn kết trên thực tế. Các chiến lược cần tập trung vào vấn đề bảo đảm chia sẻ lợi ích hài hòa giữa các bên, thu hút đầu tư cơ sở vật chất, cơ chế động lực đối với giảng viên, với sinh viên...
Trong xu thế chuyển đổi cơ sở GDNN thành đơn vị cung cấp dịch vụ đào tạo (dịch vụ công hoặc dịch vụ  xã hội), để thực hiện mô hình gắn kết giữa cơ sở GDNN với DN trong đào tạo nhà trường cần tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ, có pháp nhân đầy đủ, có quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu và triển khai, bao gồm cả gắn kết với DN trong đào tạo. Trong đó, thực hiện nguyên tắc chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa các bên phù hợp với cơ chế thị trường trong đào tạo gắn kết với nhu cầu sử dụng của DN.
Về thiết chế tổ chức thực hiện mô hình gắn kết giữa cơ sở GDNN với DN trong đào tạo, các cơ sở GDNN cần thiết lập bộ phận chuyên trách xây dựng và tổ chức thực hiện mô hình gắn kết này thông qua thỏa thuận hoặc hợp đồng ký kết giữa cơ sở GDNN và DN cụ thể. Thiết lập được mối quan hệ gắn kết với mạng lưới các DN phù hợp với sở trường của trường mình (cùng ngành nghề). Các cơ sở GDNN cũng có thể nghiên cứu thành lập tổ chức dịch vụ đào tạo gắn với nhu cầu của DN (marketing đào tạo, PR thương hiệu nhà trường, thông tin thị trường lao động, tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm...).
Tiếp tục triển khai cơ chế 3 bên: Nhà nước - Cơ sở GDNN - DN thông qua chương trình hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; hợp tác với các hiệp hội DN, tập đoàn, DN lớn, có sử dụng nhiều nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt là những lĩnh vực thiếu nhân lực; Tăng cường vai trò của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội các DN vừa và nhỏ, các hiệp hội nghề nghiệp ... trong việc tham gia hoạch định chính sách, tham gia xây dựng các chuẩn; khuyến khích sự tham gia và giám sát của các hiệp hội nghề nghiệp trong các hoạt động GDNN. Hình thành bộ phận điều phối hoạt động DN, đơn vị sử dụng lao động gắn kết với GDNN ở các cấp với sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, đại diện DN, đơn vị sử dụng lao động, hiệp hội nghề nghiệp và đại diện cơ sở GDNN. Ban điều phối có trách nhiệm điều phối, hướng dẫn gắn kết hoạt động đào tạo giữa DN với cơ sở GDNN ở các cấp trung ương và địa phương phù hợp với định hướng phát triển chung; tư vấn, tham gia việc xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, chính sách phát triển GDNN trên cơ sở lấy ý kiến tham vấn của các DN, người lao động.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật về sự tham gia của DN, đơn vị sử dụng lao động trong hoạt động GDNN.
+ Hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với DN, đơn vị sử dụng lao động, các hiệp hội nghề nghiệp tham gia GDNN trên cơ sở lợi ích và trách nhiệm xã hội của DN, đơn vị sử dụng lao động. Ban hành các chính sách đối với các cơ sở GDNN trong DN, đơn vị sử dụng lao động nhất là các cơ sở GDNN trong các DN cổ phần hóa đảm bảo sự bình đẳng giữa cơ sở GDNN trong DN và cơ sở GDNN công lập. Miễn thuế các hoạt động đào tạo do DN, đơn vị sử dụng lao động thực hiện đối với người lao động của chính DN hoặc cho xã hội. Có chính sách để DN, đơn vị sử dụng lao động được tham gia đào tạo GDNN theo đặt hàng của Nhà nước; liên kết đào tạo với các cơ sở GDNN; được tham gia vào tất cả các công đoạn của quá trình đào tạo như xây dựng danh mục ngành, nghề đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo; tham gia đào tạo tại cơ sở GDNN; đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên.
+ Quy định về cơ chế cung cấp thông tin hai chiều về nhu cầu đào tạo, sử dụng và tuyển dụng lao động của DN, đơn vị sử dụng lao động theo ngành, nghề, trình độ đào tạo cho cơ quan quản lý nhà nước về GDNN; thông tin phản hồi về chất lượng lao động đã qua đào tạo của các cơ sở GDNN; đồng thời thu nhận thông tin từ cơ sở GDNN về quy mô đào tạo, ngành, nghề đang đào tạo.
+ Nghiên cứu áp dụng một số mô hình hợp tác đào tạo giữa cơ sở GDNN và DN, đơn vị sử dụng lao động thành công trên thế giới đối với một số ngành/nghề; xây dựng mô hình công tư trong lĩnh vực GDNN; đẩy mạnh các hoạt động đào tạo GDNN tại DN, đơn vị sử dụng lao động để nâng cao kỹ năng nghề người lao động, thực hiện đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động khi DN thay đổi công nghệ.
Quang Tuấn