Lao động
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Người lao động rất kỳ vọng vào hợp tác trong lĩnh vực di cư lao động giữa Việt Nam và Đức
06:30 AM 24/01/2024
(LĐXH)- Đây là một trong những nội dung được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh tại buổi tiếp và trao đổi với ông Hubertus Heil, Bộ trưởng Bộ Lao động và Xã hội Cộng hòa Liên bang Đức (CHLB Đức) chiều ngày 23/1.
Sự kiện hợp tác đặc biệt
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Tổng thống CHLB Đức Frank-Walter Steinmeier tới Việt Nam, sau cuộc Hội đàm với Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Văn Thưởng, chiều 23/1, hai nhà lãnh đạo hai nước đã chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ (MOU) giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động và Xã hội CHLB Đức trong lĩnh vực di cư lao động. Đây là Bản ghi nhớ hợp tác chung duy nhất về lĩnh vực lao động – việc làm được ký kết trong chuyến thăm và làm việc của Tổng thống CHLB Đức tại Việt Nam.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Hubertus Heil trao Bản ghi nhớ
Phát biểu chào mừng Bộ trưởng Bộ Lao động và Xã hội CHLB Đức Hubertus Heil tới thăm và trao đổi với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh: Việc ký Bản ghi nhớ cho thấy hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia dành sự quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực lao động, việc làm. Đây là một sự kiện đặc biệt trong hợp tác của hai quốc gia. Người lao động Việt Nam và Đức rất kỳ vọng vào lĩnh vực hợp tác này.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thông tin: Riêng năm 2023, Việt Nam đã đưa hơn 150 nghìn người lao động đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng tại các quốc gia như Hungary, Bungaria, Canada…, trong đó, thị trường chiếm ưu thế vẫn là Nhật Bản, Hàn Quốc.
“Đối với thị trường Đức, thời gian qua, Việt Nam đã đưa hàng nghìn lao động từ Việt Nam sang làm việc tại Đức trong ngành điều dưỡng. Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trực tiếp tới các cơ sở điều dưỡng ở Đức để kiểm tra, xem xét năng lực và điều kiện làm việc của các điều dưỡng viên Việt Nam tại nước sở tại” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chia sẻ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chào mừng Bộ trưởng Hubertus Heil tới thăm và làm việc
Trong đó, trên cơ sở Ý định thư ký giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức, kể từ năm 2015 đến nay, hai bên đã phối hợp tuyển chọn, đào tạo tiếng Đức tại Việt Nam và tổ chức xuất cảnh cho 916 người lao động của 7 khóa học xuất cảnh sang học tập và làm việc tại CHLB Đức. Tuy nhiên, do quy định của Luật nghề điều hưỡng mới của Đức, Công ty triển khai của phía Đức là Vivantes đang gặp khó khăn nên đã có thông báo không tuyển chọn, đào tạo ứng viên. Hai bên kết thúc chương trình vào tháng 9/2022.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Cơ quan Lao động Liên bang Đức đã triển khai hợp tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi học tập, làm việc trong ngành điều dưỡng chăm sóc người già, người bệnh và điều dưỡng đa khoa. Kết quả đã có khoảng 1.700 lao động Việt Nam xuất cảnh đi học tập, làm việc tại Cộng hòa liên bang Đức. Người lao động nhập cư làm việc ổn định với mức thu nhập cao và được hưởng các chế độ phúc lợi như công dân Đức…
Tháo gỡ rào cản để thu hút lao động
Trao đổi về lực lượng lao động Việt Nam sang CHLB Đức làm việc vẫn còn hạn chế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Hiện nay, rào cản lớn nhất khiến người lao động của Việt Nam khó tham gia thị trường lao động tại Đức là vấn đề cấp thị thực (VISA). Thậm chí, nhiều người lao động Việt Nam chưa thể tới Đức để làm việc do một số yêu cầu chứng chỉ, kỹ năng nghề và đặc biệt là yêu cầu khắt khe về ngôn ngữ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định lao động Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu từ phía CHLB Đức
“Hiện có nhiều quốc gia "đặt hàng" Việt Nam về cung cấp nguồn nhân lực. Ngay trong chuyến thăm Rumani mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhận đề xuất từ quốc gia này, đề nghị Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện để tăng số lượng lao động sang Rumani làm việc” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết.
Người lao động Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí, yêu cầu từ từ thị trường Đức. Song để tăng số lượng lao động Việt Nam tới CHLB Đức làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đề nghị Đức hạ tiêu chí tuyển chọn lao động; tạo điều kiện hơn cho người lao động Việt Nam về chứng chỉ, kỹ năng nghề nghiệp và nới lỏng các điều kiện yêu cầu đối với người lao động Việt Nam được đào tạo đúng ngành nghề, phù hợp với nhu cầu của CHLB Đức.
“Các điều dưỡng viên sau khi được đào tạo tại các trường Đại học Y tế hoặc Cao đẳng Y tại Việt Nam thì khi tới Đức chỉ cần đào tạo bổ sung thêm về ngôn ngữ” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nêu ví dụ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, gợi mở: Tới đây, ngoài việc trao đổi bằng hình thức trực tuyến, hai Bộ có thể tổ chức diễn đàn lao động quốc gia tại Đức. Khi đó, Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ cùng với các doanh nghiệp Việt Nam sang Đức tham gia tháo gỡ những rào cản, khó khăn mà Đức đang gặp phải trong vấn đề tuyển chọn lao động.
Quanh cảnh buổi tiếp tại trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội 
Cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu và những trao đổi thẳng thắn của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Hubertus Heil cũng khẳng định: Trong khuôn khổ tháp tùng chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Tổng thống CHLB Đức Frank-Walter Steinmeier, lãnh đạo Bộ Lao động và Xã hội CHLB Đức và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam đã có cơ hội trao đổi về nhiều vấn đề trong lĩnh vực lao động – việc làm. Đặc biệt là sự kiện ký kết Bản ghi nhớ chung giữa hai Bộ có vai trò lớn đối với mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Bộ trưởng Hubertus Heil, cho biết: Hiện nay, Đức đã và đang phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số. Theo thống kê, đến năm 2025 sẽ có một số lượng lớn người lao động được sinh ra kể từ năm 1945 nghỉ hưu, khiến nhu cầu về người lao động cần thay thế đến năm 2035 của Đức là 7 triệu người.
“Hiện nay, Đức đang thiếu hụt lao động ở nhiều lĩnh vực, nhiều khu vực, đặc biệt trong các lĩnh vực như y tế (nhân lực điều dưỡng), công nghệ thông tin và một số ngành nghề khác” - Bộ trưởng Hubertus Heil, thông tin.
Bộ trưởng Hubertus Heil, chia sẻ: Để tăng cường thu hút người lao động từ nhiều quốc gia khác, nhất là từ Việt Nam, vừa qua, Quốc hội Đức đã hiện đại hóa Luật Nhập cư lao động với một số cải tiến về định cư lao động mới và tương lai có thể thay đổi thêm việc công nhận các chứng chỉ ngôn ngữ cũng như các chứng chỉ nghề nghiệp có liên quan. Thời gian tới, CHLB Đức sẽ số hóa quy trình cấp thị thực (VISA) giúp giảm thời gian xử lý hồ sơ xin cấp thị thực và tăng cường quảng bá về các ngành nghề của Đức để người lao động thuận lợi xác định công việc.
Nhằm hiện thực hóa Bản ghi nhớ chung giữa hai Bộ, Bộ trưởng Hubertus Heil đề xuất với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trước mắt, lãnh đạo hai Bộ cần tổ chức một Hội thảo trực tuyến giúp tăng cường khả năng thu hút người lao động từ Việt Nam tới làm việc tại Đức. Đồng thời, xác định cụ thể kế hoạch triển khai Bản ghi nhớ chung cũng như thảo luận về các vướng mắc và đưa ra biện pháp tháo gỡ...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Hubertus Heil cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc hai Bộ chụp ảnh chung
Cuối buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Hubertus Heil thống nhất với đề xuất tổ chức diễn đàn lao động quốc gia do hai Bộ trưởng chủ trì để hai bên cùng nhau trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực lao động – việc làm giữa hai Bộ. Qua đó, tạo cơ hội kết nối, đáp ứng các nhu cầu về tuyển dụng người lao động của doanh nghiệp CHLB Đức.

Trần Thắng