Nghiên cứu - trao đổi
Bình đẳng giới và nâng cao chất lượng việc làm cho cả nam và nữ
02:54 PM 31/05/2016
(LĐXH) - Tình trạngrnphụ nữ nói chung và lao động nữ nói riêng bị phân biệt đối xử vẫn tồn tại trênrnphạm vi toàn cầu, ở một số nước đang phát triển, tình trạng phân biệt đối xử vớirnphụ nữ vẫn bị xem là trầm trọng. Năm 1979, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Côngrnước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (Convention onrnthe Elimination of all forms of Discrimination against Women - CEDAW).
Trong đó, phân biệt đối xử đối với phụ nữ được hiểu là bất cứ sự phân biệt, sự loại trừ hoặc hạn chế nào được thực hiện trên cơ sở giới tính mà có tác động hoặc nhằm mục đích làm suy giảm hoặc vô hiệu hoá sự công nhận, quyền thụ hưởng hoặc quyền sử dụng của phụ nữ, bất chấp tình trạng hôn nhân của họ, trên cơ sở bình quyền nam nữ, nhân quyền và các quyền tự do cơ bản khác trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, dân sự hoặc bất kỳ lĩnh vực nào khác.
Về việc việc làm, Công ước CEDAW khẳng định: Phải áp dụng mọi biện pháp thích hợp để xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ trong lĩnh vực việc làm nhằm đảm bảo trên cơ sở bình đẳng của nam giới và phụ nữ về: quyền làm việc - mọi người đều có quyền có việc làm, có việc làm là quyền không thể chối bỏ, là quyền cơ bản, liên quan đến quyền sống của con người; quyền hưởng các cơ hội việc làm như nhau, bao gồm cả việc áp dụng các tiêu chuẩn giống nhau để lựa chọn trong vấn đề việc làm; Các quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp và việc làm - trước hết phải xóa bỏ mọi định kiến về giới trong giáo dục, đào tạo, nghề nghiệp và việc làm; quyền được thăng tiến, đảm bảo công việc và tất cả các quyền lợi và các điều kiện dịch vụ; quyền được đào tạo nghề và đào tạo lại; các quyền hưởng thù lao như nhau, kể cả phúc lợi; các quyền an sinh xã hội, đặc biệt trong trường hợp hưu trí, thất nghiệp, ốm đau, khuyết tật, tuổi già và mất khả năng lao động khác, cũng như quyền được nghỉ phép; quyền được bảo vệ sức khỏe và điều kiện làm việc an toàn.
Năm 2001, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khởi động chương trình Việc làm bền vững, nhấn mạnh đến cơ hội cho nam giới và nữ có được việc làm và có năng suất cao trong điều kiện tự do, bình đẳng và nhân phẩm được tôn trọng - cụ thể là làm việc với đầy đủ quyền con người, phù hợp với  trình độ cá nhân; các điều kiện làm việc chấp nhận được, bình đẳng, có cơ hội phát triển và hoàn thiện các kỹ năng cá nhân; đảm bảo an sinh xã hội, an toàn tại nơi làm việc hướng tới chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa  rủi ro; và tăng cường đối thoại xã hội.
Như vậy rõ ràng, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao chất lượng việc làm, mở rộng cơ hội cho cả nam và nữ, đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận và thực hiện các quyền con người không chỉ là mong muốn, mà là yêu cầu, tiêu chuẩn trong thế giới hội nhập.
Việt Nam đã phê chuẩn Công ước CEDAW năm 1982 với một cơ sở pháp lý quan trọng đã được xác lập trong Hiến pháp về quyền bình đẳng giữa nam và nữ. Trong quá trình phát triển, hệ thống pháp luật liên quan đến vấn đề bình đẳng giới (BĐG), chống phân biệt đối xử với phụ nữ từng bước được hoàn thiện - Luật BĐG thông qua năm 2006, Luật phòng chống bạo lực gia đình thông qua năm 2007, và nhiều luật khác như Luật đất đai sửa đổi, Bộ luật Lao động, Luật dạy nghề (2006), Luật việc làm (2013), Luật hôn nhân và gia đình (2014), Luật giáo dục nghề nghiệp (2014) khẳng định bình đằng về quyền tài sản đối với đất đai của cả vợ và chồng, bình đẳng giữa nam và nữ trong đào tạo nghề, về nghề nghiệp, việc làm,… Chính phủ đã triển khai Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2020, và các chương trình quốc gia về BĐG,… 

Cần tiếp tục mở rộng cơ hội, đảm bảo môi trường bình đẳng, nâng cao năng lực tiếp cận và thực hiện các quyền về việc làm của phụ nữ và nam giới
Như vậy có thể thấy, ở Việt Nam, không chỉ là nhận thức xã hội về BĐG, mà tư tưởng định hướng về BĐG đã được nâng lên ở tâm cao, trở thành chỉ đạo của Đảng (Nghị quyết 11 của BCH TW về BĐG), được luật pháp hóa và được triển khai thực hiện bằng các chương trình hành động cụ thể ở các cấp.
Mức độ bất BĐG giới thống chỉ số đánh giá mức độ bất BĐG (GII) của Việt Nam giảm đáng kể - năm 2000 chỉ số này là 0,350; giảm xuống 0,315 năm 2005 và năm 2012 là 0,299. Viêt Nam là một trong số ít các quốc gia có mức thu nhập thấp nhưng đạt được tiến bộ quan trọng về BĐG.
Nhiều chỉ số khác cho thấy mức độ cải thiện về BĐG rất đáng kể, thậm chí nhiều chỉ số phản ánh sự vượt “vượt trội” của phụ nữ. Tỷ lệ chết bà mẹ giảm liên tục, tỷ lệ tham gia lưc lượng lao động của phụ nữ tăng và đạt ở mức cao – cao hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới (73% năm 2014 tăng 7 điểm % so với 2006), tỷ lệ lao động nữ có việc làm cao, tỷ lệ nữ làm công hưởng lương tăng; tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ thấp và không khác biệt so với nam; tỷ lệ nhập học của trẻ em gái ở các cấp phổ thông và đại học tăng rất nhanh; tỷ lệ phụ nữ tham đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã, huyện, tỉnh tăng liên tục trong 3 nhiệm kỳ gần đây; mức tăng tuổi thọ trung bình của phụ nữ cao (đạt 75,6 năm 2014),…
Tuy nhiên, khi xem xét một số chỉ tiêu cơ bản về thị trường lao động, việc làm, có thể thấy một số thách thức lớn đối với BĐG và cơ hội việc làm tốt đối với cả lao động nam và nữ:
Thứ nhất, tỷ lệ lao động của cả nam và nữ trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam còn quá cao - khoảng 45% đối với nam và 59% đối với nữ. Trong khi lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực lao đông năng suất thấp, mức cải thiện năng suất lao động rất chậm nên thu nhập của người lao động thấp, thấp nhất so với các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Đây có thể coi là thách thức lớn nhất đối với Việt Nam trong việc đảm bảo việc làm hiệu quả, việc làm có năng suất cao, lao động có thu nhập thỏa đáng, đảm bảo điều kiện lao động đối với một lượng lao động rất lớn đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp như hiện nay.
Thứ hai, tỷ lệ lao động làm các nghề đơn giản rất ở Việt Nam cũng rất cao, 37% đối với nam và 44% đối với nữ - cho thấy, trình độ sản xuất của nền kinh tế còn thấp, cung - cầu lao động trình độ thấp vẫn là chủ yếu. Ngoài ra, có sự khác biệt khá lớn giữa nam và nữ khi xem xét chỉ tiêu này – mức độ chênh lệch lên tới 7%. Điều đó đặt ra vấn đề làm thế nào để cải thiện được  việc làm, giảm số việc làm giản đơn, tạo điều kiện và cơ hội để nhiều phụ nữ tiếp cận được việc làm trình độ cao.
Thứ ba, tỷ lệ lao động làm việc dễ bị tổn thương (tự làm, làm việc gia đình, làm việc không có hợp đồng lao động,…) ở Việt Nam cũng rất cao, trên 60%, trong đó tỷ lệ nữ chiếm khoảng 2/3. Số liệu này phản ánh trình độ phát triển thị trường lao động của Việt Nam còn thấp (không có hợp đồng), phụ nữ ít cơ hội hơn so với nam giới. Cùng với tình trạng thị trường lao động trình độ thấp là hệ thống an sinh xã hội, đảm bảo phúc lợi xã hội về tiền lương – thu nhập, điều kiện lao động, bảo hiểm xã hội, đào tạo và đào tạo lại nâng cao trình độ,… đối với người lao động sẽ còn nhiều hạn chế. Mặc dù tỷ lệ lao động có việc làm ở Việt Nam khá cao (đạt mức 77,4% năm 2014), nhưng tỷ lệ lao động làm việc dễ bị tổn thương cũng rất cao cho thấy chất lượng việc làm nhìn chung còn thấp. Đây là thách thức vô cùng lớn trong việc cải thiện chất lượng việc làm và thực hiện các tiêu chuẩn việc làm bền vững đối với cả lao động nam và nữ.
Thứ tư, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động Việt Nam nhìn chung là thấp, khoảng 81% lực lượng lao động nam và 85% lực lượng lao động nữ không có bằng cấp, chưa kể đến các kỹ năng mềm hay ngoại ngữ; chỉ có chưa đầy 9% lực lượng lao động có trình độ cao đẳng, đại học và trên trên đại học - Đây là những thách thức, hạn chế rất lớn đối với cả lao động nam và lao động nữ của Việt Nam trong hội nhập, trước mắt là hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN sau 2015.
Bốn thách thức về giới kể trên có mối quan hệ hữu cơ với nhau, phản ánh chung tình trạng chất lượng lao động thấp, thiếu cơ hội việc làm tốt cho cả nam và nữ, trong đó phụ nữ ít cơ hội hơn so với nam. Mặt khác, những thách thức đó có mối quan hệ mật thiết với các chỉ số kinh tế vĩ mô, như cơ cấu kinh tế theo ngành/lĩnh vực, cơ cấu lao động theo ngành/lĩnh vực, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ lao động trong khu vực chính thức,… Như vậy, rõ ràng vấn đề giới trong việc làm là một vấn đề kinh tế xã hội, và BĐG trong việc làm cần được xem xét cả ở phạm vi kinh tế vĩ mô.
Như vậy, để mở rộng cơ hội, đảm bảo môi trường bình đẳng, nâng cao năng lực tiếp cận và thực hiện các quyền về việc làm của phụ nữ và nam giới, tạo ra nhiều việc làm tốt hơn, rõ ràng phải tính đến các giải pháp kinh tế vĩ mô về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thay đổi cơ cấu lao động, giảm tỷ lệ lao đông nông nghiệp, đồng thời với nó là mở rộng cơ hội việc làm phi nông nghiệp; phát triển kinh tế hàng hóa, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; phát triển thị trường lao động – thu hẹp khu vực phi chính thức; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao năng suất lao động và nâng cao năng lực hội nhập kinh tế quốc tế và kinh tế khu vực;…
Mặt khác, nhìn lại các thách thức cho thấy lao động phụ nữ đang đối mặt nới những thách thức lớn hơn so nam trong vấn đề việc làm - trình độ thấp, làm việc ở lĩnh vực có năng suất thấp, nghề nghiệp có mức thu nhập thấp, việc làm dễ bị tổn thương,…Do vậy, bên cạnh các biện pháp can thiệp vĩ mô phải có các biện pháp cụ thể về ưu tiên phụ nữ trong giáo dục, dạy nghề, đào tạo và đào tạo lại,  tiếp cận cơ hội việc làm, cải thiện điều kiện làm việc. Đồng thời tăng cường hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, dịch vụ xã hội ở khu vực phi chính thức, khu vực sản xuất nông nghiệp để hỗ trợ người lao động nói chung và phụ nữ nói riêng.

TS. Thái Phúc Thành

Từ khóa: