Lao động
Ảnh hưởng của Hiệp định EVFTA tới chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam
08:11 AM 20/09/2021
(LĐXH) Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 7-2020 đã mở ra nhiều cơ hội phát triển lớn cho thị trường lao động. Mỗi năm, có khoảng 146.000 vị trí việc làm mới cho người lao động, tuy nhiên đa số việc làm này đều đòi hỏi người lao động phải đáp ứng được các yêu cầu về chuyên môn và kỹ năng rất cao. Đây là một bài toán khó đối với lực lượng lao động của Việt Nam vốn dồi dào nhưng chất lượng không cao, chỉ phù hợp với các công việc trình độ thấp. Bởi vậy, cần có những giải pháp hợp lí nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng được nhu cầu của thị trường hội nhập quốc tế hiện nay.
Thuận lợi và khó khăn của thị trường lao động Việt Nam sau khi EVFTA có hiệu lực
Theo tính toán của các cơ quan chức năng, Hiệp định EVFTA sẽ làm gia tăng khoảng 146.000 vị trí việc làm tại Việt Nam mỗi năm, tập trung vào các ngành như dệt may, da giày, nội thất… “Đây là những ngành thị trường lao động Việt Nam có thế mạnh, nên người lao động sẽ có thêm cơ hội việc làm”, bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Dịch vụ Tuyển dụng và Tư vấn nhân sự của Tập đoàn Manpower tại Việt Nam đánh giá.
Trong khi đó, Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) dự báo, trong tương lai gần, mức tăng thêm việc làm trong một số ngành dự kiến như sau: Dệt may tăng 71.300 việc làm (năm 2025) và 72.600 việc làm (năm 2030), mức tăng tương ứng so với năm 2018 là 1,2%, 2,3% và 2,4%; ngành da giày có tốc độ tăng việc làm là 4,3% và 3,8% vào các năm 2025 và 2030. Một số ngành khác cũng có số lượng việc làm tăng cao là vận tải hàng không (1,5% vào năm 2025), vận tải thủy (0,9% vào năm 2025). Tuy nhiên, một số ngành sẽ chịu tác động giảm việc làm như ngành lâm nghiệp, khai khoáng, sản xuất lúa gạo với mức giảm từ 0,26 đến 0,36%/năm.
Dệt may Việt Nam có thể bị thiệt hại 11.000 tỷ
Người lao động làm việc trong ngành dệt may, da giày có nhiều cơ hội việc làm mới sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều hàng rào thuế quan giữa thị trường xuất khẩu Việt Nam và Liên minh châu Âu EU được gỡ bỏ thì các doanh nghiệp châu Âu sẽ phân phối lại quá trình sản xuất giữa khu vực châu Âu và châu Á theo hướng đầu tư vào các ngành cần nhiều lao động như dệt may, da giày,…, qua đó đem lại cho Việt Nam rất nhiều cơ hội việc làm mới.
Tuy vậy, sự gia tăng về cơ hội việc làm đã thấy rõ, song các dự báo cũng cho thấy, đại đa số việc làm mới đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng, tay nghề, nghiêm túc chấp hành kỷ luật mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Các doanh nghiệp châu Âu cần nhiều lao động có kinh nghiệm, chuyên môn, kỹ năng chuyên ngành, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, trong khi trình độ lao động tại Việt Nam lại chưa đáp ứng đủ các yêu cầu kể trên. Theo số liệu điều tra của Bộ LĐ-TB&XH năm 2019, chỉ có 23,14% người lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên và tỷ lệ này chỉ tăng lên 25,82% vào năm 2021. Những ngành được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều việc làm mới sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực lại tập trung nhiều lao động phổ thông, dễ mất việc làm do máy móc sẽ thay thế. “Người lao động có thêm những cơ hội việc làm, nhưng đi liền với đó là thách thức phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện môi trường làm việc, quan hệ lao động”, bà Chử Thị Lân, Giám đốc Trung tâm Môi trường và Điều kiện lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định.
Nâng cao trình độ nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập EVFTA
Để giải được bài toán về nguồn cung nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp châu Âu trong thời gian tới, Việt Nam cần quan tâm phát triển giáo dục và đào tạo gắn với phát triển khoa học và công nghệ, đầu tư nhân rộng, phát triển các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế; thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề; tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động. Muốn như vậy thì cần có sự chung tay góp sức giữa chính phủ, các cấp, các ngành liên quan và các doanh nghiệp, tổ chức, cùng nhau xây dựng, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc; đồng thời chủ động đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường lao động.
Dạy nghề cho các học viên tại Trung tâm Dạy nghề Thanh Xuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) 
Để có nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế, thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết, Bộ đang chủ động, tích cực kết nối với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn để liên kết đào tạo, đào tạo bổ sung, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, trong đó ưu tiên đào tạo các nghề thị trường lao động đang cần. Bộ cũng ban hành các quy chế hợp tác song phương giữa nhà trường và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các bên chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Đồng quan điểm, ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) kiến nghị các ngành, địa phương quan tâm phát triển giáo dục và đào tạo gắn với phát triển khoa học và công nghệ, đầu tư nhân rộng, phát triển các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế; thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề; tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động… Ngoài ra, một điểm cốt lõi khác là cần thay đổi cách thức đào tạo, sắp xếp lại hệ thống các trường nghề, thu gọn đầu mối, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, thiết bị học tập cho học viên.
Về phía đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho hay, các doanh nghiệp đang nỗ lực cải thiện điều kiện làm việc phù hợp với đặc thù của từng đơn vị, ngành, nghề, trên cơ sở tôn trọng và coi người lao động là “tài sản” quý giá nhất. Còn ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế Việt Nam khuyến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, cụ thể hóa các quy định pháp luật cho phù hợp với cam kết về lao động theo Hiệp định EVFTA.
Minh Ngọc