Xã hội
Yên Bái triển khai 421 dự án giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số
04:35 PM 13/08/2021
(LĐXH)- Theo số liệu thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Yên Bái, từ nguồn vốn quỹ Quốc gia về việc làm, tỉnh đã thực hiện 3.245 dự án cho vay giải quyết việc làm. Trong đó có 421 dự án của người dân tộc thiểu số và đã có 1.833 lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Tỉnh Yên Bái có hơn 30 dân tộc cùng sinh sống tại 180 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 7 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố. Trong đó, 7 dân tộc có dân số trên 10.000 người, 2 dân tộc có từ 2.000 đến 5.000 người, 03 dân tộc có từ 500 đến 2.000 người, còn lại các dân tộc khác có số dân dưới 500 người; cơ cấu dân tộc Kinh 49,6%, Tày 15,58%, Dao 10,3%, Mông 8,9%, Thái 6,7%...
Theo thống kê, dân số toàn tỉnh Yên Bái có khoảng 831,6 nghìn người, trong đó lực lượng lao động chiếm 528.066 người. Nếu xét theo khu vực thì lực lượng lao động nông thôn đạt 433.225 người, chiếm 82,04% tổng lực lượng lao động; lao động khu vực thành thị 94.841 người, chiếm 17.96%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 là 63,2%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 31,5%.
Hiện nay, vấn đề thất nghiệp và các chính sách giải quyết việc làm ở Yên Bái đang là vấn đề đang được toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Tính riêng trong năm 2020, toàn tỉnh có trên 8.000 người thất nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp chung là 1,66%. Tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn luôn cao hơn khu vực thành thị, tương ứng là 1,51% và 0,55%. Nguyên nhân của việc tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn luôn cao là do kinh tế khu vực nông thôn chủ yếu là nông nghiệp, lao động trong ngành này thường hoạt động thời vụ; sau khoảng thời gian đó, họ chỉ làm các công việc gia đình hoặc công việc không chính thức trong thời gian ngắn, không đảm bảo sự ổn định, dẫn đến năng suất lao động thấp.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa. Theo đó, người lao động bị mất việc hoặc bị cắt giảm giờ làm, tình trạng thất nghiệp hay ít nhất là thiếu việc làm diễn ra ở mọi vị trí công việc của người lao động.

Lao động người dân tộc thiểu số huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) được vay vốn tự tạo việc làm để thoát nghèo

Từ thực tế trên, tỉnh Yên Bái đã xác định vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân, trong đó có người dân tộc thiểu số duy trì việc làm, tạo việc làm. Do đó, địa phương tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Qũy quốc gia giải quyết việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh. Đến nay, Ngân hàng CSXH Chính sách Xã hội Yên Bái đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan đến chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng đến tất cả các điểm giao dịch xã trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các Ban, ngành, hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng.
Hàng năm, căn cứ vào nhu cầu vốn vay từ các huyện, thị xã, thành phố và dựa trên kinh phí phân bổ tín dụng, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Yên Bái, các phòng giao dịch và các địa phương giao chỉ tiêu kế hoạch đến các xã, phường, thị trấn; đồng thời, thực hiện linh hoạt các biện pháp cân đối, thu hồi các khoản vay đến hạn để tổ chức giải ngân vốn kịp thời đến các đối tượng có nhu cầu vay. Trong đó, ưu tiên cho các chương trình, dự án sử dụng nhiều lao động và vốn để cho vay giải quyết việc làm đối với những đối tượng là thanh niên, phụ nữ khởi nghiệp…
Trên cơ sở bám sát các định hướng, chủ trương phát triển kinh tế ở từng khu vực và địa phương, rất nhiều lao động, trong đó có lao động là người dân tộc thiểu số sau khi được vay vốn đã tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp, nông thôn; phát triển ngành nghề truyền thống… mở ra hướng đi mới trong việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.
Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Yên Bái, từ năm 2016 đến ngày 30/6/2021, tổng nguồn cho vay hỗ trợ tạo việc làm từ quỹ Quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác trên địa bàn tỉnh là 162,028 tỷ đồng, bao gồm: nguồn vốn từ quỹ Quốc gia về việc làm 75,121 tỷ đồng, vốn do ngân sách địa phương ủy thác cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội 46,929 tỷ đồng, vốn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội: 39,978 tỷ đồng.
Cụ thể, doanh số cho vay từ quỹ Quốc gia về việc làm đạt 120,749 tỷ đồng, tổng dư nợ 75,033 tỷ đồng, vốn tồn đọng 88 triệu đồng. Tổng số dự án của người lao động là 3.244 dự án, trong đó có 421 dự án của người dân tộc thiểu số. Số lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 6.313 lượt người, trong đó có 1.833 lao động là người dân tộc thiểu số.
Doanh số cho vay từ nguồn ngân sách địa phương ủy thác cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 58,574 tỷ đồng, tổng dư nợ 45,995 tỷ đồng, vốn tồn đọng 934 triệu đồng. Tổng số dự án của người lao động là 1.238 dự án, trong đó có 150 dự án và dự án của người dân tộc thiểu số; số lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 1.265 lao động, trong đó có 150 lao động là người dân tộc thiểu số.
Doanh số cho vay từ vốn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội là 51,355 tỷ đồng, tổng dư nợ 39,887 tỷ đồng, số vốn tồn đọng 91 triệu đồng. Tổng số dự án cho vay là 1.172 dự án, trong đó có 70 dự án của người dân tộc thiểu số; số lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 1.172 lao động, trong đó có 150 lao động là người dân tộc thiểu số.
Có thể thấy rằng, từ nguồn vốn Qũy quốc gia giải quyết việc làm và một số nguồn tín dụng ưu đãi khác về giải quyết việc làm đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng và giải quyết việc làm cho hàng nghìn người lao động của tỉnh Yên Bái. Đặc biệt, thông qua quỹ Quốc gia về việc làm đã hỗ trợ nhiều đối tượng lao động, trong đó có lao động là người dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Chí Tâm