Xã hội
TP.HCM: Sơ kết 1 năm thí điểm mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em
09:16 AM 22/03/2024
(LĐXH) - Hướng đến kỷ niệm ngày Công tác Xã hội Việt Nam, sáng ngày 20/3, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM đã phối hợp với Sở Y tế TP.HCM, Hội Bảo vệ quyền trẻ em (BVQTE) thành phố và Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thí điểm “Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP.HCM”.

Ông Lê Văn Thinh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới TP.HCM, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM phát biểu tại hội nghị

Tham dự hội nghị về phía Trung ương có ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em Bộ LĐ-TB&XH; bà Trần Thị Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới Bộ LĐ-TB&XH; bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ Phát triển, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; bà Lê Thị Lan Phương - Quyền trưởng nhóm chấm dứt bạo lực UN Women tại Việt Nam.

 Về phía TP.HCM có ông Lê Văn Thinh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới TP.HCM, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH; ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Ủy viên Ủy ban Trẻ em TP.HCM, Phó Giám đốc Sở Y tế; bà Trương Lê Mỹ Ngọc, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố; bà Mai Thị Ngọc Mai – Phó Chủ tịch Hội BVQTE Việt Nam - Chủ tịch Hội Bảo vệ QTE thành phố.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Thinh cho biết, trước khi thành lập mô  hình này, TP.HCM đã có nhiều chính sách để hạn chế bạo lực trên cơ sở giới như: các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nạn nhân, đường dây nóng tiếp nhận và xử lý trường hợp, xử phạt đối tượng gây bạo lực; quy chế phối hợp can thiệp xử lý các vụ bạo lực, xâm hại; tổ chức các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới;… Song tình trạng bạo lực vẫn xảy ra và có xu hướng gia tăng trẻ hóa số nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới. Theo đó, mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP.HCM đã được thành lập và đặt tại Bệnh viện Hùng Vương.

Lãnh đạo các đơn vị tổ chức chủ trì hội nghị

Mô hình này tập trung phòng ngừa, ngăn chặn và can thiệp đối với bệnh nhân không tự bảo vệ được bản thân vì vậy các dịch vụ trợ giúp nạn nhân được vận hành khép kín từ đầu vào cho đến cung cấp dịch vụ tạm lánh, bệnh nhân được bảo mật thông tin về nạn thân và gia đình.

Qua báo cáo sơ kết một năm vận hành mô hình cho thấy, sự nỗ lực của các bên, trong đó vai trò của Bệnh viện Hùng Vương (đầu vào của Mô hình), Trung tâm Công tác xã hội – Giáo dục dạy nghề thiếu niên (CTXH-GDDN) Thiếu niên thành phố (đầu ra của mô hình để trợ giúp và cung cấp dịch vụ cho nạn nhân tạm lánh) cùng với vai trò chỉ đạo, điều phối của Sở Y tế, Sở LĐ-TB&XH cùng các đối tác… Mô hình đã đem đến những thành quả đáng ghi nhận trong việc nâng cao nhận thức của bệnh nhân về vấn nạn bạo lực, xâm hại để phòng ngừa, đặc biệt trợ giúp kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực, xâm hại.

Toàn cảnh hội nghị

Tuy nhiên, với một năm vận hành mô hình đã nhận diện được các khoảng trống trong việc cung cấp dịch vụ cho nạn nhân như: đội ngũ tham gia vận hành mô hình chưa có kiến thức chuyên sâu về bạo lực giới, về tư vấn sức khỏe tâm thần cho bệnh nhân; vấn đề quản lý ca chưa chuyên nghiệp do chưa có nhân sự chuyên trách có kiến thức về giới và kinh nghiệm làm việc với nạn nhân và gia đình…

Đặc biệt, việc xây dựng định mức các hoạt động của mô hình đang vận dụng từ các văn bản pháp luật khác, chưa có hướng dẫn cụ thể định mức chi cho từng hoạt động của mô hình, do đó việc vận hành mô hình cũng như hỗ trợ nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt gặp nhiều khó khăn.

Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH, Sở Y tế thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn chuyên môn cho các đơn vị vận hành mô hình hiệu quả trên tinh thần khó đến đâu, gỡ đến đó. Đồng thời, rà soát quy chế hoạt động của mô hình để đề xuất bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho các đơn vị được thuận lợi hơn trong quá trình tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em Bộ LĐ-TB&XH phát biểu tại hội nghị

Đồng thời, xây dựng dự toán kinh phí đảm bảo các hoạt động của mô hình được vận hành hiệu quả; rà soát các cơ sở pháp lý hiện hành để vận dụng trong việc hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt không có khả năng chi trả; tổ chức các lớp đào tạo, thăm quan học tập kinh nghiệm cho đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên công tác xã hội và các bên về kiến thức chuyên ngành nhằm giúp cho việc phát hiện sớm các trường hợp bệnh nhân bị bạo lực, xâm hại và trầm cảm để phòng ngừa các hành vi bạo lực, xâm hại tái diễn…

Phó Trưởng ban thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới TP.HCM đề nghị, các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức và đơn vị liên quan, tập trung tuyên truyền về mô hình, để người dân trên địa bàn biết nhiều hơn về mô hình. Đặc biệt, cần quan tâm đến các ca do mô hình chuyển gửi về địa phương để trợ giúp, nạn nhân được trợ giúp kịp thời vượt qua rào cản xây dựng “trang mới cuộc đời”.

Báo cáo kết quả 1 năm triển khai thực hiện Mô hình Một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP.HCM, bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ - chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH cho biết, mô hình một cửa chính thức ra mắt từ tháng 3/2023 và được đặt tại Bệnh viện Hùng Vương (128 Hồng Bàng, phường 12, quận 5, TP.HCM). Kinh phí hoạt động của mô hình do ngân sách của UBND TP.HCM đảm bảo và được tổng hợp trong dự toán hằng năm của Sở Y tế và Sở LĐ-TB&XH thành phố.

Các đại biểu tham gia ý kiến

Mô hình với chức năng tiếp nhận, khám sàng lọc, điều trị, tư vấn và cung cấp dịch vụ tại chỗ cho bệnh nhân là phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục. Nếu cần nơi tạm lánh khẩn cấp, nhân viên công tác xã hội Bệnh viện Hùng Vương sẽ chuyển nạn nhân tới Trung tâm CTXH-GDDN Thiếu niên TP.HCM để chăm sóc và nuôi dưỡng, can thiệp trị liệu và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu khác.

Thống kê, sau 1 năm triển khai mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em, chương trình đã tiếp nhận hỗ trợ 51 ca là nạn nhân của bạo lực, cưỡng bức, xâm hại tình dục; trong đó có đến 14 ca là bé gái 14 tuổi, 16 ca là bé 15 tuổi, có 1 ca bé gái chỉ mới 10 tuổi. Trong đó, có 7 ca đồng ý báo công an xử lý, 1 ca xin về nhà tạm lánh (Trung tâm CTXH-GDDN Thiếu niên thành phố) để chăm sóc và nuôi dưỡng, can thiệp trị liệu tiếp.

Theo bà Kim Thanh, 51 ca được hỗ trợ trong năm qua của chương trình chưa phải là tất cả. Bởi năm 2023, tại bệnh viện Hùng Vương có 34.360 ca sinh thì đến 423 ca là trẻ vị thành niên, 9.762 ca phá thai thì có 105 ca là trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, chỉ có 51 ca (trong tổng số 528 trẻ vị thành niên sinh con, phá thai) có đồng ý chia sẻ, xác nhận là nạn nhân của bạo lực, xâm hại, cưỡng bức. Còn lại các trường hợp khác đều không muốn chia sẻ, chỉ muốn nhanh chóng phá thai hoặc sinh con rồi về nhà tự giải quyết.

“Hầu hết trẻ em bị xâm hại đều sống trong gia đình không phải là mái ấm, gia đình có cha mẹ ly hôn, ở với ông bà, sống cùng gia đình riêng của cha hoặc mẹ... Thậm chí, thủ phạm phần lớn là người thân của nạn nhân. Do đó, việc thiết kế nơi tạm lánh cho nạn nhân rất quan trọng”, bà Kim Thanh chia sẻ.

Các đại biểu tham gia ý kiến

Tham gia ý kiến tại hội nghị, bác sĩ CKII Phạm Quốc Hùng, Trưởng phòng Công tác xã hội bệnh viện Hùng Vương cho biết,  nhân viên ở phòng công tác xã hội kiêm nhiệm cả công việc này, chưa xây dựng định mức, đơn giá dịch vụ… nên không dùng để đánh giá hiệu quả công việc. Khi hỗ trợ nạn nhân, thời gian trò truyện, tư vấn… đều tận dụng lúc rảnh. Khi gọi điện liên lạc, mời nạn nhân cơm nước và nhiều thứ phát sinh khác họ đều bỏ tiền túi của mình ra chứ không có cơ chế nào thanh toán nên khó toàn tâm toàn ý với công việc.

Bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Phó giám đốc Trung tâm Công tác xã hội – Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM chia sẻ, Trung tâm áp dụng kinh phí hỗ trợ hiện hành của TP.HCM là 1.920.000 đồng/tháng/nạn nhân là tương đối đảm bảo đầy đủ chế độ ăn uống, lưu trú cho trẻ ở trung tâm. Tuy nhiên, nhu cầu dinh dưỡng của người mang thai đặc biệt hơn, chưa kể nạn nhân là trẻ em mang thai, trong thời gian mang thai đã phải đưa đi khám thai và điều trị bệnh khác hơn 10 lần. Rồi sau này còn hỗ trợ chi phí giám định ADN để tìm cha… Các chi phí này chưa có mức chi và hướng dẫn chi cụ thể.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiện Cục Trẻ em đang làm 2 công việc quan trọng. Một là hoàn thiện tài liệu hướng dẫn mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tích hợp. Hai là căn cứ làm dự toán hằng năm cho mô hình này cũng như định mức toàn bộ dịch vụ bảo vệ trẻ em. Dự kiến cuối năm 2024 sẽ có định mức kinh tế kỹ thuật cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

Trương Đăng