Xã hội
Tết Nguyên tiêu của người Hoa - Sự tiếp biến với văn hóa Việt
03:49 PM 29/09/2021
(LĐXH) - Tết Nguyên tiêu, còn gọi là Lễ Thượng nguyên, Lễ Hoa đăng,… Lễ hội Nguyên Tiêu thường được diễn ra thành một đợt hoạt động kéo dài từ 3 đến 4 ngày (khoảng 12 hoặc 13 đến rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm). Đây là một trong những lễ hội cổ truyền đã có từ lâu đời, trong tâm niệm của người Hoa cũng như của người Việt, thì Tết Nguyên tiêu cũng quan trọng không kém Tết Nguyên đán. Tết Nguyên Tiêu khác biệt với Tết Nguyên đán vì đây là cái Tết của cộng đồng, được tổ chức tại các hội quán, đền, miếu là cơ sở tín ngưỡng truyền thống của cộng đồng.
Lệ trao Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên Tiêu của người Hoa Quận 5, TPHCM” 

Lễ hội Nguyên tiêu ngoài ý nghĩa truyền thống mà cộng đồng người Hoa mang theo trong quá trình di cư đến vùng đất mới, còn là sự tiếp biến với văn hóa Việt. Lễ hội Nguyên tiêu tổ chức với quy mô lớn tại quận 5, TPHCM từ năm 1990. Từ năm 2000, Lễ hội Nguyên tiêu đã được TP.HCM đưa vào danh mục lễ hội của TPHCM. Vào năm 2007, ngày hội văn hóa người Hoa do Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) tổ chức với quy mô toàn quốc. Đến cuối năm 2019, Lễ hội Nguyên tiêu của người Hoa ở quận 5 đã được UBND TP.HCM kiến nghị Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, vinh dự này đã đem lại cho bà con người Hoa niềm phấn khởi và tự hào. Đặc biệt, tháng 7 năm 2020, UBND quận 5, TP.HCM đã tổ chức Lễ đón nhận bằng Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu của người Hoa Quận 5, TP.HCM”.

Đoàn diễu hành xe chở Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên Tiêu của người Hoa Quận 5, TPHCM

Trong những ngày hội đó, Lễ hội Nguyên tiêu được tôn vinh và thăng hoa. Lễ hội diễn ra với màu sắc lung linh, đa dạng trên khắp đường phố. Trong những ngày lễ hội diễn ra nhiều hoạt động biểu diễn đặc biệt như diễu hành xe hoa, Bát Tiên đi cà kheo, Phúc Lộc Thọ, múa Lân sư rồng, múa quạt, múa cờ, ca múa nhạc các dân tộc, đấu đèn thỉnh lộc, ca cổ nhạc và diễn tuồng cổ người Hoa,… thu hút hàng nghìn khách tham quan trong và ngoài nước đến tham dự lễ hội. Có thể nói, Tết Nguyên tiêu ở quận 5 là sự kết hợp, sáng tạo hài hòa giữa văn hóa Việt và văn hóa của cộng đồng người Hoa tạo nên nét văn hóa đặc thù riêng. Lễ hội bao giờ cũng diễn ra trong không khí náo nức, vui nhộn, mọi người đều tự nguyện tham gia lễ hội. Vào dịp Tết Nguyên tiêu, các đường phố khu vực Chợ Lớn ở quận 5 đông nghẹt người, nhất là các hội quán như Tuệ Thành, Nghĩa An, Quỳnh Phủ,… Tiếng chiêng trống, kèn, nhạc như náo nức say mê thúc giục mọi người vui chơi hết mình. Những màu sắc rực rỡ của trang trí, cờ phướng, áo quần làm rực cả khu phố. Trong những ngày này, không khí hội hè, Tết nhất luôn tràn ngập các khu phố. Dọc theo các tuyến đường Nguyễn Trãi, Lương Nhữ Học, Triệu Quang Phục, Hãi Thượng Lãn Ông, quận 5, TPHCM… nhà nhà treo đèn đỏ trước cửa để chào mừng.

Tết Nguyên tiêu của cộng đồng người Hoa mang nhiều giá trị. Dưới góc độ văn hóa, Tết Nguyên tiêu giữ được những nét cơ bản thể hiện việc bảo tồn, thực hành tập quán xã hội, tín ngưỡng của người Hoa rất tốt. Cùng đó, Tết Nguyên tiêu hiện nay còn có những nét giao lưu cùng văn hóa bản địa, dưới góc độ khoa học đó là bằng chứng cho quá trình cộng cư, tiếp biến văn hóa, giữ được đặc trưng văn hóa tộc người nhưng vẫn hòa hợp với cộng đồng chung.

Theo TS Võ Thị Mỹ, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại TP.HCM, Lễ hội là sản phẩm văn hóa thể hiện bản sắc dân tộc, là tài sản vô giá trong kho tàng Di sản văn hóa phi vật thể được kết tinh lâu đời trong tiến trình lịch sử nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh và củng cố ý thức cộng đồng. Người Hoa là một trong 53 dân tộc thiểu số, sinh sống lâu đời trên các tỉnh, thành của Việt Nam. Văn hóa người Hoa là một phần cấu thành văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, được hình thành và phát triển qua nhiều thế kỷ định cư và hội nhập. Người Hoa luôn ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tín ngưỡng, lễ hội góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần; tăng tình đoàn kết cộng đồng, xây dựng nếp sống văn hóa ở địa phương, nâng cao ý thức và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc giữ gìn, phát huy giá trị của lễ hội, góp phần vào công cuộc xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

 Thùy Trang