Xã hội
Tăng cường nguồn lực cho công tác trẻ em
02:47 PM 21/11/2018
(LĐXH) - Theo báo cáo nhanh của 49 tỉnh, thành phố, đến cuối tháng 9/2018, tổng ngân sách được phân bổ cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của 44/49 tỉnh, thành phố năm 2018 là 94.884 triệu đồng, đề nghị phân bổ ngân sách năm 2019 của 37/63 tỉnh, thành phố là 100.658 triệu đồng, nhiều hơn 7,6% so với năm 2018.

Việc tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em đã được quy định tại Hiến pháp và Luật Trẻ em, cùng đó nhiều mô hình, hoạt động để trẻ tham gia được triển khai. Tuy nhiên, tiếng nói của trẻ em vào quá trình xây dựng các văn bản liên quan đến trẻ em ở một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân dễ nhận thấy là ở một số địa phương, nguồn lực bao gồm cả nhân lực, vật lực cho công tác trẻ em vẫn chưa được quan tâm đầy đủ.

Theo luật định, cụ thể tại Điều 90 của Luật Trẻ em 2016 giao UBND các cấp “Chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyền trẻ em; bố trí và vận động nguồn lực đảm bảo thực hiện quyền trẻ em...”, “UBND cấp xã giao nhiệm vụ cụ thể về thực hiện quyền trẻ em, bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em...”. Nhằm tăng cường nguồn lực cho công tác trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội luôn tích cực vận động, tranh thủ nguồn lực, mở rộng hợp tác cả song phương và đa phương, cả về tài chính và kỹ thuật trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Tuy nhiên, tới thời điểm này, theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, công tác trẻ em vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội về công tác trẻ em chưa thực sự đầy đủ. Công tác chỉ đạo thực hiện ở một số địa phương còn chậm hoặc thực hiện chưa đầy đủ, chưa tương xứng với tiềm lực của địa phương; việc thực hiện chế độ báo cáo về tình hình thực hiện công tác trẻ em ở địa phương còn chậm, chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em tại địa phương làm ảnh hưởng đến việc nắm thông tin để kịp thời tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách cũng như những giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trong thực hiện quyền trẻ em.

Trẻ em cần được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh...

Theo báo cáo nhanh của 49 tỉnh, thành phố, đến cuối tháng 9/2018, tổng ngân sách được phân bổ cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của 44/49 tỉnh, thành phố năm 2018 là 94.884 triệu đồng, đề nghị phân bổ ngân sách năm 2019 của 37/63 tỉnh, thành phố là 100.658 triệu đồng, nhiều hơn 7,6% so với năm 2018. Hầu hết các địa phương đều đề nghị phân bổ ngân sách năm sau cao hơn năm trước: 38 tỉnh, thành phố đề nghị phân bổ ngân sách năm 2019 cao hơn ngân sách được phân bổ năm 2018, một số tỉnh có đề nghị phân bổ ngân sách khá cao như Ninh Thuận, Lai Châu, Lào Cai, Khánh Hòa; 2 tỉnh, thành phố có đề nghị phân bổ ngân sách năm 2019 giữ nguyên so với ngân sách được phân bổ năm 2018 (Quảng Ngãi và Thành phố Hồ Chí Minh); 3 tỉnh có đề nghị phân bổ ngân sách năm 2019 giảm hơn so với ngân sách được phân bổ năm 2018 (Bắc Kạn, Trà Vinh, Cà Mau). Năm 2019 có: 11 tỉnh, thành phố đề nghị phân bổ ngân sách trên 3.000 triệu đồng, 6 tỉnh, thành phố đề nghị phân bổ ngân sách từ 2.000 - 3.000 triệu đồng; 9 tỉnh, thành phố đề nghị phân bổ ngân sách từ 1.000 - 2.000 triệu đồng; 11 tỉnh, thành phố đề nghị phân bổ ngân sách dưới 1.000 triệu đồng.

Để thực hiện tốt hơn công tác trẻ em trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp tăng cường giám sát việc thực hiện Luật Trẻ em và pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; việc bố trí nhân lực và ngân sách ở địa phương để thực hiện công tác bảo vệ trẻ em; trách nhiệm bảo vệ trẻ em của các bộ, ban, ngành trung ương; việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững liên quan đến bảo vệ trẻ em như trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em bị trừng phạt bằng hình thức bạo lực, kết hôn sớm, lao động trẻ em. Quyết định dành tỷ lệ ngân sách hằng năm phù hợp cho việc thực hiện các Chương trình, đề án, kế hoạch về trẻ em; cho công tác bảo vệ trẻ em nói chung, bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng.

và được tạo điều kiện để phát triển toàn diện

Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề xuất Chính phủ yêu cầu và kiểm tra việc xác định các nội dung, mục tiêu và chỉ tiêu bảo vệ trẻ em trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của các Bộ, ngành, địa phương; bố trí và sử dụng ngân sách hằng năm của bộ, ngành, địa phương để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em thuộc trách nhiệm được Luật Trẻ em quy định; bổ sung các chỉ tiêu liên quan đến phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em trong Mục tiêu phát triển bền vững vào hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia để theo dõi, đánh giá tình hình bảo vệ trẻ em. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh hướng dẫn việc bố trí và ưu tiên bố trí kinh phí để duy trì, phát triển các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; phát triển nghề công tác xã hội và nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp; thực hiện các chính sách hỗ trợ và vận động xã hội hỗ trợ cho trẻ em dân tộc thiểu số, vùng núi, vùng kinh tế - xã hội khó khăn.

Đối với Ủy ban Quốc gia về trẻ em, Bộ kiến nghị đôn đốc việc bổ sung, hoàn thiện chính sách về bảo vệ trẻ em và chính sách cho các nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh; xây dựng và thực hiện kế hoạch liên ngành, liên cấp phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Ủy ban định kỳ kiểm tra và chỉ đạo việc kiểm tra, thanh tra liên ngành việc thực hiện trách nhiệm của các bộ, ngành, tổ chức, địa phương trong công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

 

 Trần Huyền