Xã hội
Sơn La đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 11,17%
03:36 PM 05/03/2024
(LĐXH)- Ngày 4/3, UBND tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 11,17%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%, tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo giảm từ 4-5%.
Thời gian qua, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La. Tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo sát sao các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách tổ chức thực hiện Chương trình cơ bản phù hợp, đồng bộ và hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh phối hợp tương đối chặt chẽ trong tổ chức thực hiện, thông tin báo cáo và giám sát, đánh giá tiến độ, hiệu quả thực hiện Chương trình...
Nguồn vốn tín dụng chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo ở Sơn La năm 2023 là 1.229.387 triệu đồng
Kết quả trong năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Sơn La giảm từ 17,83% xuống còn 14,17%, tương đương 42.147 hộ, giảm 3,66% so với năm 2022, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (giảm 3%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (giảm từ 4-5%/năm); trong đó, tỷ lệ hộ nghèo huyện Thuận Châu giảm từ 30,96% xuống còn 23,77% (giảm 7,19%/năm), huyện Sốp Cộp giảm từ 34,28% xuống còn 30,23% (giảm 4,05%/năm).
Tỉnh đã hỗ trợ phát triển các mô hình giảm nghèo trong lĩnh vực phát triển sản xuất, góp phần tạo sinh kế, việc làm bền vững, thu nhập tốt, thích ứng biến đổi khí hậu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.
Hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho 20.712 lao động, đạt 83% kế hoạch, trong đó có trên 10% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở vùng nghèo, vùng khó khăn. Hỗ trợ đào tạo 3.107 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ 27 người lao động trên địa bàn huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…
Đối với các chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản: Chiều thiếu hụt về việc làm, 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm.
Chiều thiếu hụt về y tế, 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ bảo hiểm y tế theo quy định; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 26,1% đạt chỉ tiêu kế hoạch.
Chiều thiếu hụt về giáo dục, tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 97,6% (đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch). Tỷ lệ người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 54%; trong đó, có bằng cấp, chứng chỉ là 20% đạt chỉ tiêu kế hoạch; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kĩ năng nghề phù hợp.
Chiều thiếu hụt về nhà ở, giảm tỷ lệ thiếu hụt về chất lượng nhà ở của hộ nghèo xuống còn 22% (đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch), hộ cận nghèo xuống còn 12,7%; giảm tỷ lệ thiếu hụt về diện tích nhà ở của hộ nghèo xuống còn 28,5%, hộ cận nghèo xuống còn 17,4%.
Chiều thiếu hụt về nước sinh hoạt và vệ sinh, 93,45% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 48,35% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Chiều thiếu hụt về thông tin, 94,3% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 72% hộ gia đình sinh sống trên địa bàn huyện nghèo được tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật giảm nghèo, kiến thức, kỹ năng, mô hình giảm nghèo hiệu quả thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông...
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, năm 2023, tỉnh Sơn La được giao tổng kinh phí là 532.319 triệu đồng (đã bao gồm kinh phí năm 2022 chuyển nguồn sang năm 2023); trong đó, vốn đầu tư 248.741 triệu đồng, vốn sự nghiệp 283.578 triệu đồng.
Về nguồn lực huy động khác gồm nguồn vốn tín dụng chính sách (Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sơn La) là 1.229.387 triệu đồng; nguồn xã hội hóa là 78.826 triệu đồng (hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Đề án 337 của UBND tỉnh).
Tổng giá trị khối lượng công việc hoàn thành và số kinh phí đã thực hiện giải ngân đến 31/01/2024 là 281.738 triệu đồng/532.319 triệu đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 53% trên tổng số kinh phí thực hiện Chương trình năm 2023. Trong đó, vốn đầu tư giải ngân được 216.234 triệu đồng/248.741 triệu đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 87%; vốn sự nghiệp giải ngân được 65.504 triệu đồng/283.578 triệu đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 23%.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 11,17%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%, tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo giảm từ 4-5%.
Tỉnh sẽ hỗ trợ phát triển các mô hình giảm nghèo góp phần tạo sinh kế, việc làm bền vững, thu nhập tốt, thích ứng biến đổi khí hậu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất.
Hỗ trợ kết nối, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động, trong đó có trên 10% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở vùng nghèo, vùng khó khăn.
Hỗ trợ đào tạo 4.600 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động thuộc các huyện nghèo; hỗ trợ 50 người lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đảm bảo 100% cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo các cấp được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo và lập kế hoạch có sự tham gia của cộng đồng, người dân…

Chí Tâm