Xã hội
Quảng Ninh: Nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
11:06 AM 23/08/2021
(LĐXH) - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bình đẳng giới (BĐG), vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả tích cực. Các mục tiêu BĐG được thực hiện hiệu quả, tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em tiếp cận với những chương trình, dịch vụ xã hội thiết yếu về y tế, giáo dục, việc làm, nhà ở, nước sạch...; Từng bước thu hẹp khoảng cách giới, nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Kết quả thực hiện mục tiêu BĐG trong lĩnh vực chính trị giai đoạn 2016-2020: Nữ tham gia lãnh đạo quản lý tại các cơ quan thuộc UBND tỉnh chiếm 15,65% (18/115 là nữ); nữ lãnh đạo UBND cấp huyện chiếm 8,7% (4/46 là nữ); nữ lãnh đạo cấp phòng của Sở ngành và UBND cấp huyện chiếm 28,32% ( 452/1.596 là nữ); nữ lãnh đạo UBND cấp xã chiếm 16,32% (78/478 là nữ). Năm 2020, có 8/12 cơ quan của Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội ở cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ (chiếm 66,66%); ở cấp huyện - 13/13 huyện, thị xã, thành phố đều có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Hiện, tỉnh có 03 nữ lãnh đạo chủ chốt: 01 nữ giữ chức vụ Phó bí thư Tỉnh ủy; 01 nữ giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh; 01 nữ giữ chức vụ Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.

Các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực lao động, việc làm có liên quan trực tiếp đến phụ nữ cũng được tích cực triển khai. Qua đó, đã giúp tạo việc làm tăng thêm cho 92.734 lao động (đạt 100,6% kế hoạch). Tỷ lệ lao động nữ được tạo việc làm hằng năm đạt từ 48,66 - 52,75,2% (tăng 6,55% so với giai đoạn 2011-2015). Khoảng cách giữa nam và nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm đang được cân bằng. Trong giai đoạn này, toàn tỉnh thành lập mới 8.099 doanh nghiệp, trong đó có 2.663 doanh nghiệp do nữ làm chủ chiếm tỷ lệ 32,9% (tăng hơn so với giai đoạn 2011-2015 là 7,7%); Hỗ trợ 32.002 lượt hộ Phụ nữ nghèo vay vốn ưu đãi, trong đó: Hộ phụ nữ nghèo ở xã nông thôn là 19.063 lượt hộ, hộ Phụ nữ nghèo thuộc xã vùng dân tộc và miền núi là 12.939 lượt hộ.

Công tác giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ cũng được chú trọng,với việc thường xuyên cử cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức chính trị và năng lực chuyên môn, trình độ quản lý. Tỷ lệ cán bộ nữ được đào tạo trình độ cao cấp, trung cấp lý luận chính trị hằng năm đạt từ 45% đến 54%, với 1.680 nữ cán bộ công chức, viên chức được đào tạo.Tỷ lệ nữ có trình độ thạc sỹ tăng nhanh, tính đến hết năm 2020, trong tổng số 2.817 cán bộ có trình độ thạc sỹ thì có 2.227 cán bộ nữ, đạt 83,7%(vượt 33,7% so với chỉ tiêu của Trung ương và của tỉnh) và nữ có trình độ tiến sỹ là 24/70 người, đạt 34,28% (vượt 9,28% so với chỉ tiêu của Trung ương và của tỉnh). Đến năm 2020, tỷ lệ biết chữ của nữ trong độ tuổi từ 18 đến 40 trung bình hằng năm đạt 98,37%; Tỷ lệ biết chữ của nữ người dân tộc thiểu số đến năm 2020 đạt 91,48%.

Cán bộ dân số xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà phát tờ rơi, tuyên truyền chính sách dân số cho người dân trên địa bàn. 

Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng triển khai đồng bộ và đa dạng các hoạt động chăm sóc sức khỏe và đảm bảo thụ hưởng các dịch vụ văn hóa- thông tin cho phụ nữ và trẻ em. Từ sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các cấp, các ngành, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh đã giảm xuống mức 112,5 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái. Năm 2020, tỷ lệ gia đình đạt tiêu chí gia đình văn hoá là 94% và 90% làng, khu phố được công nhận làng, khu phố văn hoá.

Thời gian qua, việc lồng ghép phòng, chống bạo lực gia đình với phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và thực hiện BĐG trong gia đình cũng có những bước tiến đáng kể. Đến năm 2020, trên địa bàn 100% xã phường, thị trấn đã xây dựng, triển khai mô hình phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới như: Mô hình ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; Địa chỉ tin cậy-Nhà tạm lánh; Mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, ép kết hôn trong nhóm đồng bào dân tộc thiểu số; Mô hình tăng cường sự tham gia của nam giới trong phòng chống bạo lực giới…; 100% xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền trực tiếp, qua loa phát thanh, phát tài liệu tuyên truyền về BĐG và phòng chống bạo lực giới cho người dân trên địa bàn.

Từ năm 2016 đến năm 2020, toàn tỉnh đã có 1.056 trường hợp được tư vấn các vấn đề liên quan đến BĐG qua tổng đài; đã can thiệp hỗ trợ, hỗ trợ khẩn cấp cho 60 đối tượng và 16 trường hợp là phụ nữ, trẻ em gái bị lạm dụng, bị bạo hành về thể chất, tình dục và tinh thần tại các gia đình, cộng đồng trên địa bàn tỉnh; chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà tạm lánh cho 46 trường hợp bị bạo lực trên cơ sở giới (trong đó có 05 trẻ em đi cùng mẹ); kết nối, chuyển gửi 192 trường hợp; vận động các nhà hảo tâm tài trợ cho 02 đối tượng là nạn nhân bị bạo lực gia đình được đi học nghề miễn phí tại Hà Nội và Quảng Nam. Năm 2019, tỉnh triển khai xây dựng “Mô hình hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái“ (Ngôi nhà Ánh Dương (NNAD) tỉnh Quảng Ninh) do chính phủ Hàn Quốc tài trợ với tổng kinh phí hơn 8,4 tỷ đồng. Mô hình đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 4/2020, đến hết năm 2020 NNAD đã tiếp nhận thông tin 137 cuộc liên quan đến BĐG và cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội cho 47 trường hợp; trong 7 tháng đầu năm 2021, NNAD tiếp nhận, tư vấn và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu cho 12 nạn nhân, trong số đó có 09 nạn nhân tạm lánh (là người Quảng Ninh: 06 nạn nhân; Hải Phòng: 03 nạn nhân); kết nối, tạo việc làm cho 02 đối tượng là nạn nhân bị bạo lực giới sau thời gian tạm lánh.

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác BĐG, VSTBPN. Giúp phụ nữ tự tin vươn lên, dần khẳng định vai trò của mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Minh Hiền