Xã hội
Quảng Ninh hướng đến mục tiêu 100% trẻ em mồ côi được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ phù hợp
01:42 PM 04/04/2024
(LĐXH) – Tại kế hoạch thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023 – 2030, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu 100% trẻ em mồ côi được chăm sóc thay thế bởi người thân thích, cá nhân, gia đình không phải là người thân thích, được nhận làm con nuôi hoặc được chăm sóc nuôi dưỡng tạm thời, tại các cơ sở trợ giúp xã hội, được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ phù hợp…
Chương trình trên được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh với mục tiêu trẻ em được chăm sóc sức khỏe tâm thần, trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trẻ em mồ côi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ phù hợp nhằm thực hiện các quyền của trẻ em, chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em. Chương trình phấn đấu 80% trẻ em có vấn đề sức khỏe tâm thần, trẻ em có nguy cơ cao rối loạn sức khỏe tâm thần được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tâm lý, các dịch vụ xã hội phù hợp tại trường học, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và tại cộng đồng; 100% trẻ em mồ côi được chăm sóc thay thế bởi người thân thích, cá nhân, gia đình không phải là người thân thích, được nhận làm con nuôi hoặc được chăm sóc nuôi dưỡng tạm thời, tại các cơ sở trợ giúp xã hội, được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ phù hợp.
Tham vấn và tâm lý trị liệu cho trẻ em rối nhiễu tâm trí tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh
Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp, cụ thể như: Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và triển khai thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật, chính sách về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi với các hình thức, mô hình đa dạng, linh hoạt, trong đó chú trọng chăm sóc thay thế cho trẻ em tại gia đình. Rà soát, hoàn thiện, bổ sung hoặc xây dựng mới các chính sách, dịch vụ, mô hình chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần tại các cơ sở trợ giúp xã hội và tại cộng đồng.
Truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng về chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, bảo vệ và chăm sóc trẻ em mồ côi, chú trọng cung cấp các thông tin về quyền trẻ em, kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ, người chăm sóc, người nhận chăm sóc thay thế trẻ em, cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông về chăm sóc sức khỏe tâm thần, chăm sóc, nuôi dưỡng và chăm sóc thay thế trẻ em mồ côi. Tăng cường đào tạo, tập huấn và các hoạt động nâng cao năng lực, phát triển đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành đặc biệt là cán bộ làm công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, giáo viên, nhất là giáo viên làm công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em… về tư vấn, hỗ trợ, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, chăm sóc nuôi dưỡng và chăm sóc thay thế trẻ em mồ côi.
Bên cạnh đó, phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em toàn diện và liên tục: Tăng cường các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em; trong các chương trình, hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám sức khoẻ định kỳ cho trẻ em lồng ghép với việc khám, sàng lọc để phát hiện sớm các rối loạn sức khỏe tâm thần ở trẻ em để khuyến nghị với cha mẹ, người chăm sóc về các biện pháp phòng ngừa, điều trị sớm cho trẻ; phát triển dịch vụ hỗ trợ phòng ngừa, phát hiện sớm, tư vấn tham vấn cho trẻ em có vấn đề sức khỏe tâm thần, trẻ em có nguy cơ rối loạn tâm thần; xây dựng mạng lưới dịch vụ, kết nối, chuyển tuyến dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em từ cấp xã đến cấp tỉnh và tuyến trung ương; phát triển chương trình tư vấn, hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em các kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần…
Phát triển dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc thay thế trẻ em mồ côi: Trẻ em mồ côi được chăm sóc nuôi dưỡng, chăm sóc thay thế phù hợp và tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ theo nhu cầu để phát triển toàn diện. Ưu tiên chăm sóc thay thế trẻ em mồ côi tại gia đình bởi người thân thích, người không thân thích, nhận con nuôi có điều kiện phù hợp cho sự phát triển của trẻ; phát triển mạng lưới dịch vụ tìm gia đình chăm sóc thay thế, tư vấn, hỗ trợ các gia đình về chăm sóc thay thế; tăng cường chuyển trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em tập trung về các cá nhân, gia đình chăm sóc thay thế, nhận con nuôi; trợ giúp trẻ hoà nhập cộng đồng;phát động, duy trì phong trào xã hội tham gia chăm sóc, hỗ trợ trẻ em mồ côi, gia đình, cá nhân nhận chăm sóc thay thế, nhận đỡ đầu trẻ em mồ côi. 
Tăng cường phối hợp liên ngành, xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi phù hợp với từng đối tượng. Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, đánh giá thực hiện Chương trình. Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá về tình hình chăm sóc sức khoẻ tâm thần trẻ em, trẻ em mồ côi. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường hợp tác quốc tế, vận động mọi nguồn lực xã hội, kinh nghiệm, sáng kiến để chăm sóc sức khỏe tâm thần, chăm sóc trẻ em mồ côi…/.
Hưng Minh