Xã hội
Những điều chưa biết về nữ Anh hùng, Liệt sỹ Võ Thị Xuyến
02:28 PM 27/07/2017
(LĐXH) - Trong hàng triệu liệt sỹ đã anh dũng hy sinh qua các thời kỳ, tôi muốn nhắc đến một con người, một thiếu nữ đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc- Liệt sỹ, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Võ Thị Xuyến, nhưng còn ít người biết đến…
Liệt sỹ Võ Thị Xuyến
Liệt sỹ Võ Thị Xuyến sinh ra, lớn lên tại vùng quê giàu truyền thống cách mạng- Huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Bà đã sống và chiến đấu ở khắp chiến trường Khu V và hy sinh tại Phan Rang.  Bà sinh năm 1924 và hy sinh năm 1946, nhưng vì nhiều lý do thất lạc hồ sơ, giấy tờ trong chiến tranh, nên đến tháng 12 năm 1991 mới được Nhà nước truy tặng Liệt sỹ và đến 2014 mới được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Công trạng của Bà, dù muộn, đã được Nhà nước và nhân dân ghi nhận và đã được nhiều đài, báo và phương tiện truyền thông nhắc đến. Tuy nhiên, chắc ít người biết về sự hy sinh của Bà, thật lẫm liệt, thật kiên cường và thật khó quên.
Như đã biết, sau khi giành độc lập năm 1945, giặc Pháp lại gây hấn ở nhiều nơi nhằm chiếm nước ta một lần nữa. Trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng ấy, cấp trên đã cử Bà Xuyến, với tư cách Chủ nhiệm Việt Minh của Thị Xã Phan Rang - Tháp Chàm, về vùng Ninh Thuận, Bình Thuận, để vận động thanh niên tham gia hàng ngũ cách mạng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong một lần đi vận động, Bà cùng một số đồng chí đã bị địch bắt tại bến đò Tri Thủy, Ninh Hải. Địch đưa Bà và những người cùng bị bắt về đồn đánh đập, tra khảo và dụ dỗ chiêu hàng. Riêng Bà là người chỉ huy, nên địch tập trung tra khảo bằng mọi cách, nhằm khai thác tình hình của cách mạng, nhưng Bà chỉ một mực trả lời “tôi không có chỉ để nói với các ông cả”. Tra tấn, dụ dỗ bằng nhiều hình thức, nhưng không khai thác được gì, tên đồn trưởng đã sai lính bịt mắt Bà dẫn ra bìa rừng gần đó. Một loạt sung vang lên, đồng đội những tưởng Bà đã bị bắn chết, nhưng đó chỉ là loạt đạn uy hiếp, nhằm lung lay tinh thần của Bà và cũng là để uy hiếp những đồng đội khác, nhằm tiếp tục khai thác tin tức. Không khai thác được gì, địch đành phải thả Bà, nhưng vẫn theo dõi.  Vào một ngày cuối tháng 9 năm 1946, khi Chính phủ ta và Pháp vừa ký bản tạm Hòa ước, trong khi Bà đang tuyên truyền cho đồng bào về nội dung bản tạm ước này, thì bị mật thám Pháp bắt lại. Chúng đưa Bà về nhà lao Phan Rang, liên tục tra khảo, đánh đập Bà có lúc chết đi, sống lại hòng khai thác bí mật của tổ chức. Bị đau đớn về thể xác, hành hạ về tinh thần, nhưng Bà một mực không khai báo và hễ tỉnh lại là Bà lại động viên những người đồng chí trong nhà giam “các đồng chí hãy cứng rắn, cố gắng chịu đựng, kiên quyết không khai, tuyệt đối không phản bội Tổ quốc, không được phản bội đồng bào, bà con mình”. Sau nhiều lần tra tấn với mọi dụng cụ, với mọi thủ đoạn, địch vẫn không khai thác được gì  từ Bà về bí mật của tổ chức, về những thông tin của cách mạng.  Không khuất phục được người phụ nữ nhỏ bé, nhưng kiên cường, bọn địch đã quyết định chôn sống Bà. Cách mà bọn địch chôn sống Bà cũng thật là man rợ và đê hèn. Thay vì lấp đất cho chết ngay, chúng chôn Bà từ từ, cứ lấp được một ít chúng tại tra khảo để mong Bà khai báo, nhưng Bà vẫn một mực “Tao không có gì phải khai cả”. Chúng tiếp tục chôn Bà dần dần đến lưng, rồi đến cổ cho Bà chết dần. Trước khi chết, Bà dõng dạc nói “thà chết vinh còn hơn sống nhục, chúng mày giết tao, đồng bào tao sẽ trả thù chúng mày”. Bà đã chút hơi thở cuối cùng vào ngày 30 tháng 10 năm 1946 khi vừa tròn 22 tuổi để lại niềm thương tiếc của đồng bào, đồng chí và làm kẻ thù phải khiếp sợ. Sự hy sinh của Bà là tấm gương để lớp lớp thanh niên trong Vùng Miền Trung thời kỳ đó noi theo về ý chí kiên cường và lòng dũng cảm, về tinh thần yêu nước, không tính toán thiệt, hơn cho bản thân.
Cần nói thêm về gia đình Bà Võ Thị Xuyến. Bà sinh ra trong một gia đình gồm 11 thành viên, trong đó có hai người con nuôi của Cha mẹ. Cha Bà cũng là một người tham gia hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945 và bị địch bắt năm 1940, đưa đi quản thúc ở Buôn Mê Thuột. Do bị giam cầm, bị tra tấn nên ông đã bị bệnh chết sau khi được tha. Trong 11 thành viên trong gia đình có tới 9 người tham gia hoạt động qua các thời kỳ, trong đó có 2 người được phong và truy phong AHLLVT, 2 liệt sỹ, 2 chiến sỹ bị địch bắt tù đày, 2 người là cán bộ cơ sở trong lòng địch, 1 người được truy phong Bà mẹ VNAH. Truyền thống quê hương xứ Quảng, truyền thống gia đình đã hun đúc ý chí kiên cường của một phụ nữ mới ngoài hai mươi tuổi. Sự hy sinh của Bà Võ Thị Xuyến đã tô thắm thêm truyền thống của Bà Trưng,  Bà Triệu, tô thắm  thêm truyền thống của người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương Binh  - Liệt sỹ, nhắc lại câu chuyện về một nữ anh hùng để thấy được sự hy sinh vô bờ bến của biết bao lớp người con đất Việt, để cho đất nước ta được như ngày nay. Còn biết bao câu chuyện, biết bao tấm gương hy sinh anh dũng của các Ông, các Bà, các Anh, các Chị, có người được ghi vào sử sách, có người hy sinh một cách thầm lặng, chúng ta, những thế hệ con cháu, cần phải biết, cần phải nhớ, vì đấy là giá trị cốt lõi của dân tộc Việt Nam mà không dân tộc nào có được. Hãy đừng lãng quên.
Mạc Tuấn Linh
(Ghi chép theo tư liệu của Bà Võ Thị Xuân Lan, em ruột Anh hùng, Liệt sỹ Võ Thị Xuyến cung cấp)