Xã hội
Nhìn lại các hoạt động của mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tôn giáo
11:20 AM 12/10/2021
(LĐXH) - Hiện nay, cả nước có 113 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo, hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 11.800 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số 2.600 nhân viên, bình quân 1 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo chăm sóc, nuôi dưỡng 104 đối tượng bảo trợ xã hội...

Các cơ sở tôn giáo thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, hỗ trợ chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn

Các cơ sở trợ giúp xã hội có nhiệm vụ tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc nhiều loại đối tượng khác nhau. Các cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp nhiều nhóm dịch vụ khác nhau như (i) chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội; (ii) tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất, dạy văn hoá, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp; (iii) cung cấp các dịch vụ công tác xã hội; (iv) hỗ trợ hòa nhập cộng đồng. Các cơ sở trợ giúp xã hội đã phần nào đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho nhiều nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khănCác cơ sở được phân bố ở các vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Bắc Trung bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long. Ngoài ra còn có trên 50 cơ sở trợ giúp xã hội của các tổ chức tôn giáo nuôi dưỡng, chăm sóc từ 10 đối tượng trở lên chưa thực hiện thủ tục thành lập theo quy định của pháp luật, đa số các cơ sở này tập trung tại các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Hà Nội, Lâm Đồng...
Các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo không chỉ hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội là tín đồ của các tôn giáo mà còn hỗ trợ đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, không phân biệt tôn giáo tại các địa phương. Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, hiện nay, các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng 11.800 đối tượng bảo trợ xã hội/năm, trong đó có trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, người khuyết tật, người cao tuổi, người tâm thần và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác.
Nhiệm vụ chính của cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo là tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như trẻ em mồ côi, người già không nơi nương tựa, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS... Tổ chức lao động sản xuất, phục hồi chức năng cho đối tượng. Phần lớn các cơ sở liên kết với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động sản xuất, hướng nghiệp và dạy nghề, tạo việc làm cho đối tượng, góp phần nâng cao chất lượng đời sống và tinh thần cho đối tượng được nuôi dưỡng, chăm sóc tại một số cơ sở do các tổ chức, cá nhân tôn giáo như Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng, Trường nuôi dạy trẻ mồ côi Pháp Võ tại Tp. Hồ Chí Minh; cơ sở bảo trợ Minh Đức tại tỉnh Tây Ninh; cơ sở BTXH ngoài công lập Nhà tình thương Chùa Bửu Châu tại tỉnh Gia Lai; cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập Vinh Sơn I tại tỉnh Kon Tum...
Trợ giúp các đối tượng tham gia các hoạt động tập thể. Tại một số cơ sở tổ chức các hoạt động xã hội như: hội thi giọng hát hay, cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền, tổ chức kéo co và các hoạt động tự quản, văn hoá, thể thao, các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khoẻ của từng nhóm đối tượng. Phối hợp với chính quyền địa phương đưa đối tượng đủ điều kiện hoặc tự nguyện xin ra khỏi cơ sở để trở về với gia đình, tái hoà nhập cộng đồng; hỗ trợ, tạo điều kiện cho đối tượng ổn định cuộc sống.
Thời gian qua, nhiều cơ sở thuộc các tổ chức tôn giáo tại một số tỉnh, thành phố như cơ sở bảo trợ xã hội Nhà tình thương Chùa Bửu Châu tại tỉnh Gia Lai; Lớp khiếm thính Mai Anh (thành phố Đà Lạt); Cơ sở Bảo trợ xã hội Dưỡng lão tình thương Suối Tiên tại tỉnh Đồng Nai... đã bước đầu cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho các nhóm người dân có hoàn cảnh khó khăn, gồm: Đánh giá nhu cầu về khía cạnh xã hội của đối tượng để cung cấp những hỗ trợ tâm lý xã hội và các dịch vụ chăm sóc; quản lý trường hợp; trị liệu tâm lý cho đối tượng; hỗ trợ tiếp cận dịch vụ xã hội theo quy định của pháp luật; vận động xã hội hỗ trợ đối tượng; hỗ trợ chăm sóc đối tượng tại gia đình, cộng đồng; nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức và cộng tác viên công tác xã hội về lĩnh vực chăm sóc, phục hồi chức năng cho đối tượng; cung cấp dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cho đối tượng; cung cấp các hỗ trợ khẩn cấp liên quan đến rối loạn tâm lý, khủng hoảng tâm lý.
Riêng về cơ sở vật chất các tổ chức tôn giáo đã đầu tư về đất đai, cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng cơ sở để nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng. Trên cơ sở đó, các tổ chức tôn giáo đã huy động thêm nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức quốc tế, cá nhân... để bảo đảm các nguồn lực chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn tại cơ sở và cộng đồng.
Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, phục hồi cho đối tượng, một số tổ chức tôn giáo đã tự nguyện hiến đất, hỗ trợ kinh phí để xây dựng một số cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn; nhiều tổ chức tôn giáo đã vận động các nhà hảo tâm tích cực tham gia công tác xã hội, góp phần cùng với các cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc đối tượng hiệu quả, bền vững.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn có một số cơ sở bảo trợ  xã hội do tổ chức tôn giáo thành lập chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội và Thông tư số 04/2011/TT-BLĐTBXH ngày 25/2/2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Diện tích của một số cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo còn chật hẹp, đa số tại các cơ sở thờ tự của tôn giáo, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội như người già cô đơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nhiễm HIV/AIDS, trẻ em mồ côi, người khuyết tật.../.
Nguyễn Hữu Bắc