Sức khỏe - Đời sống
Lưu ý không thể bỏ qua để giải nhiệt an toàn khi nắng nóng
02:41 PM 05/06/2017
Hiện thượng nắng nóng kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và sinh hoạt của người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ và người già.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, miền Bắc đang trong những ngày nắng nóng đặc biệt gay gắt, phổ biến từ 37-40 độ, có nơi trên 42 độ. 
Cẩn trọng với ánh nắng trực tiếp
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Duy Phong (Trường ĐH Y dược TP.HCM), việc ánh nắng tác động trực tiếp lên cơ thể không chỉ gây những tác hại về da như bỏng rát, tổn thương da, tia cực tím trong ánh nắng sẽ gây hiện tượng cháy nắng khi tiếp xúc lâu dài làm da bị sạm đen và nguy hiểm hơn là gây ra ung thư da.
Che nắng và bù đủ nước để bảo vệ sức khỏe - Ảnh: Nam Trần
Bên cạnh đó, nắng nóng gây nên hiện tượng sốc nhiệt, cảm nắng khi đứng ngoài trời nắng trong thời gian dài gây nguy hiểm chết người. Mồ hôi khiến cơ thể nhanh bị khát, nếu không bổ sung nước kịp thời thì cơ thể sẽ bị mất nước.
Uống nước không đúng như nước có gas, nước đá quá lạnh không làm hết khát mà cơn khát còn kéo dài hơn, lại còn gây ra các bệnh viêm họng, không bù các chất điện giải đã mất gây hiện tượng chóng mặt, buồn nôn, hôn mê…, làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể, nhất là người già và trẻ nhỏ.
Thị lực mắt có thể bị suy giảm do tác động của tia cực tím khi mắt không được bảo vệ bởi ánh nắng mặt trời gay gắt.
Giải nhiệt sao cho an toàn
Bác sĩ lưu ý để tránh nóng và cũng không thể từ bỏ công việc nên nhiều người phải thường xuyên thay đổi môi trường lạnh nóng liên tục khiến việc thay đổi nhiệt độ đột ngột dễ gây sốc nhiệt.
“Cơ thể là một máy điều hòa tự nhiên, tự động thích nghi với môi trường mới nhưng cần thời gian đủ, không nên quá lạm dụng giảm nóng tức thời. Mỗi lúc thay đổi nhiệt độ cần bước vào “vùng đệm” dung hòa giữa nóng và lạnh để cơ thể kịp thích nghi, tránh sốc nhiệt”- bác sĩ Phong chia sẻ.
Đối với ánh nắng trực tiếp, khi ra ngoài cơ thể cần được cha chắn, bảo vệ bởi các lớp quần áo, khẩu trang sáng màu tránh hấp thu nhiệt, dùng kính râm bảo vệ mắt.
Quan trọng, tránh ra đường vào khoảng thời gian nắng nóng gay gắt nhất. Sử dụng thêm các loại kem chống nắng có chỉ số phù hợp.
Uống các loại nước điện giải như nước ép trái cây tươi, tăng cường rau củ quả, vitamin… tăng sức đề kháng.
Lưu ý dùng thực phẩm không quá lạnh vì có thể gây viêm họng.
Trời nắng nóng cũng khiến ăn không ngon miệng, ăn uống không được đầy đủ. Cần cân nhắc ăn đủ lượng và chất cho cơ thể khỏe mạnh. Bảo vệ thực phẩm tránh ôi thiu, do không khí nóng dễ làm thức ăn hỏng.
Vệ sinh cá nhân và nơi ở sạch sẽ để tránh các mầm bệnh có thể sinh sôi trong nắng nóng.
Bác sĩ Duy Phong cũng khuyến cáo thêm, khi thời tiết nắng nóng tạo cảm giác khát, nhiều người uống nước rất lạnh hoặc nước có gas để đã khát tức thời.
Nhưng việc uống nước không đúng đó đã không giải khát mà còn không bù được các chất điện giải mất đi qua mồ hôi gây nên hiện tượng rối loạn điện giải.
Rối loạn điện giải là tình trạng mất cân bằng của các chất khoáng trong cơ thể. Để cơ thể có thể hoạt động bình thường, một số khoáng chất cần được duy trì ở một nồng độ nhất định và đảm bảo cân bằng giữa các chất.
Nếu không, các cơ quan giữ các chức năng sống còn của cơ thể như cơ và não sẽ bị rối loạn.
Chất điện giải bao gồm các khoáng chất như canxi, clo, magie, phosphate, kali và natri. Chúng hiện diện trong máu, dịch thể và nước tiểu. Ví dụ thiếu Kali gây liệt chân, thiếu canxi gây đau nhức vọp bẻ…

Quan tâm đến các bệnh lý nền

Đối với người bình thường sẽ dễ bị ảnh hưởng sức khỏe với ánh nắng và nắng nóng tác động trực tiếp. Tác động gián tiếp của nắng nóng cũng nguy hiểm không kém, đặc biệt là những người có bệnh lý nền như huyết áp, hen suyễn… sẽ khiến bệnh trở nặng hơn.

Nắng nóng cũng là nguyên nhân khiến một số chất ô nhiễm khác trong không khí tăng cao, làm gia tăng các bệnh tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, thậm chí gây đột tử.

Nhiệt độ tăng cao, nắng nóng dài ngày tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi-rút, vi khuẩn, côn trùng gây bệnh sinh sôi nảy nở. Các loại bệnh dễ mắc phải do nắng nóng như bệnh về đường hô hấp (viêm phổi, viêm họng, sốt vi-rút…), các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như tiêu chảy.

“Các hệ lụy liên quan đến nắng nóng cũng cần được lưu ý như việc sử dụng máy lạnh, siêu vi trùng ở đường hô hấp sẽ có môi trường thuận lợi phát tán, lây lan gây nên các bệnh về đường hô hấp. Hoặc việc thay đổi nhiệt độ đột ngột cũng khiến suy giảm sức đề kháng, gây nên các bệnh cảm cúm…” - bác sĩ Phong cho biết.

Theo Sức khỏe đời sống