Văn hóa - Thể thao
Lễ hội làng Bát Tràng: Lưu giữ nét đẹp văn hoá truyền thống
04:43 PM 21/03/2024
(LĐXH)- Lễ hội làng Bát Tràng được tổ chức vào ngày 14 – 15/2 âm lịch hàng năm, lễ hội là nơi để tìm về những giá trị lịch sử, văn hóa của làng nghề gốm.
Lễ hội được tổ chức tại Đình Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Đình Bát Tràng là nơi thờ 6 vị thần có công trong việc giúp dân giữ nước, gồm: Bạch Mã Đại Vương, Phan Đại Tướng, Tràng Thuận Nghi Dung, Cai Minh Đại Vương, Lưu Thiên Tử Đại Vương, Hồ Quốc Thần Đại Vương.
Lễ hội Làng nghề Bát Tràng được tổ chức nhằm tôn vinh nghề truyền thống và thể hiện ước vọng của người dân về một cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Tất cả những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đó sẽ được tái hiện trong những ngày Hội làng.
Lễ hội làng Bát Tràng xưa kéo dài 15 ngày trong tháng Hai âm lịch. Ngày nay, Hội làng chỉ tổ chức trong 3 ngày, 14, 15 và 16 tháng hai âm lịch. Các hoạt động sẽ được tổ chức tại các di tích lịch sử đã được xếp hạng như: Kim Trúc Tự, Đền Mẫu Bản Hương, Văn Từ, mà trọng tâm là Đình làng Bát Tràng. Theo Ban Tổ chức, những hoạt động chính của Lễ hội làng Bát Tràng 2024 gồm có:
Ngày 14 tháng Hai: 9 giờ sáng khai hội. Dân làng dâng lễ Tam sinh (Trâu, Dê, Lợn ) sau đó hai đoàn rước thực hiện chương trình cấp thủy, rước nước và rước bộ. Đoàn cấp thủy, thực hiện nghi thức lấy nước dòng Nhị Hà vào chóe cúng dâng vào đại đình, dùng để cúng tế cả năm. Đoàn rước bộ, dâng hương tại Kim Trúc Tự, nhà thờ Bác Hồ, Đền Mẫu Bản Hương.
Lễ hội làng nghề Bát Tràng thu hút đông đảo du khách tham gia.
10 giờ tập trung tại Khu triển lãm 1.000 năm Thăng Long, thực hiện Lễ công bố và tiếp nhận quyết định của Sở Công thương; ra mắt mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo, phát triển nghề gốm di sản quốc gia, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch :xã Bát Tràng.
Đúng 11 giờ hai đoàn rước thủy bộ tập kết về Đình dâng lễ Tế Thánh. Ngày 15 tháng Hai: từ 8 giờ các tổ chức doanh nghiêp và cộng đồng dân cư, quý khách dâng lễ. 11 giờ 30 thụ lộc.
Ngày 16 tháng Hai: lễ tạ; 20 giờ cùng ngày thả hoa đăng, đốt pháo bông trên dòng Nhị Hà kính cáo trời đất thủy thần, lễ hội làng Bát Tràng đã thành công.
Trong 3 ngày lễ hội có tổ chức: Giao hiếu với 4 làng; Thi đấu thể thao: Các trò chơi dân gian và 3 đêm liên hoan văn nghệ quần chúng. Thông qua Hội xuân truyền thống làng gốm, dân làng cầu mong “Mưa thuận gió hòa” “Quốc thái dân an”,“ Dân sinh an lành hạnh phúc “ Sản xuất tiêu thụ hanh thông”, “Tăng cường khối đại đoàn kết”…
Hội làng cũng là dịp để người dân tưởng nhớ và tri ân công đức của các bậc Thánh Thần, Thành hoàng Làng và các bậc tiền nhân tiên tổ. Giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện lòng yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc; nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, góp phần xây dựng quê gốm Bát Tràng ngày càng giàu đẹp văn minh.
Du khách đến với du lịch lễ hội làng nghề Bát Tràng ngoài được vui chơi giải trí, thì còn có cơ hội thưởng thức những chương trình nghệ thuật có chút trầm lắng bên những sản phẩm gốm hay tận hưởng những khoảnh khắc tự tay mình nặn những sản phẩm gốm. Đây còn là cơ hội để tìm thấy những món gốm tinh xảo, được chế tác tỉ mỉ dưới bàn tay của những nghệ nhân.
Bên cạnh đó, những năm gần đây lễ hội làng nghề Bát Tràng còn tổ chức các trận thi đấu thể thao, giao lưu quan họ trên hồ Long Nhỡn để thu hút thêm sự chú ý của du khách, làm lễ hội mới mẻ hơn qua từng năm cũng như giúp gắn kết tình cảm hiếu hảo của người dân các làng./.
Thảo Lan