Văn hóa - Thể thao
Sách cũng là.. người Thầy
02:43 PM 19/04/2024
(LXH) - Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, được tổ chức vào ngày 21 tháng 4 hàng năm, không chỉ là dịp để tôn vinh văn hóa đọc mà còn là cơ hội để chúng ta nhìn lại tình trạng đọc sách trong cộng đồng, trường học, đặc biệt là trong giới trẻ hiện nay. Trong khi sự kiện này với vai trò của sách trong việc giáo dục và phát triển xã hội, một hiện tượng đáng lo ngại đang dần hé lộ “thói quen đọc sách của học sinh và sinh viên Việt Nam đang có dấu hiệu suy giảm”.

Theo một nghiên cứu gần đây do Viện Nghiên cứu Giáo dục Việt Nam thực hiện, chỉ có khoảng 45% học sinh phổ thông và sinh viên ở Việt Nam dành thời gian đọc sách hàng ngày, giảm so với mức 60% được ghi nhận cách đây năm năm. Sự sụt giảm này không chỉ là một dấu hiệu đáng buồn về sự thiếu hụt trong việc tiếp cận tri thức mà còn là một lời cảnh báo về tương lai của xã hội hiện đại, nơi kiến thức và thông tin đóng vai trò trung tâm.

Văn hóa đọc sách trên tàu lửa - Ảnh: Hoàng Bảo

Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các sự kiện và hoạt động được tổ chức không chỉ nhằm mục đích tăng cường văn hóa đọc mà còn tạo dựng một nền tảng vững chắc cho tương lai của giáo dục và phát triển bền vững. Qua đó, ngày càng nhiều người trẻ nhận thức được tầm quan trọng của việc đọc sách như một phần không thể thiếu trong đời sống cá nhân và xã hội.

Nhận thức được tình trạng này, nhiều trường học và thư viện trên khắp Việt Nam đã bắt đầu triển khai các sáng kiến như: "Một Giờ Đọc Sách Mỗi Ngày", tại Khoa Sư phạm tin, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng với chủ để “Nghe Sách Kể “, Trường THPT Tam Giang, Phong Điền, Thừa Thiên Huế – tổ chức “ Cuộc thi Hùng Biện Sách Em Yêu Thích” hoặc các cuộc thi đọc sách khác với mục đích khuyến khích các em học sinh, sinh viên dành thời gian cho sách vở. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức và cá nhân cũng đã chủ động tạo ra các góc đọc sách trong cộng đồng, cung cấp không gian và nguồn sách phong phú để thu hút người đọc” – Tuy nhiên, các hoạt động kể trên dường như vẫn chưa thật sự đem lại hiệu quả khi thực trạng đáng buồn là hiện nay, các thư viện vẫn còn vắng bóng dáng các em học sinh đến đọc sách.

Ông Lê Viết Chung – Đại học Sư Phạm, Đại học Đà Nẵng chia sẻ: “Đọc sách là một hành trình khám phá không giới hạn, một cuộc phiêu lưu trong tri thức mà mỗi người chúng ta đều có thể và nên tham gia. Trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay (trí tuệ nhân tạo và ChatGPT), việc đầu tư vào sách và văn hóa đọc chính là đầu tư cho một tương lai sáng sủa, nơi mỗi cá nhân đều có đủ khả năng để nắm bắt và tạo ra thay đổi. Trong Ngày Sách và Văn hóa Đọc Việt Nam, hãy cùng nhau khẳng định lại cam kết với việc đọc sách, không chỉ vì bản thân mà còn vì sự phát triển của cả cộng đồng và xã hội”.

Ông Hoàng Trọng Thủy, Trưởng Văn phòng đại diện tổ chức Zhi-Shan Foundation, người sáng lập dự án Làm bạn với sách cho biết: “Sách và việc đọc sách có vai trò rất quan trọng trong việc tích luỹ tri thức, bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện kỹ năng - 3 nhân tố tạo nên năng lực của một con người. Đọc sách, giúp nuôi dưỡng tâm hồn, năng lực thẩm mỹ, hiểu biết xã hội, kỹ năng giao tiếp và xử lý xung đột, khả năng ứng phó và xử lý các tình huống trong cuộc sống. Việc thờ ơ với sách ở hầu hết mọi lứa tuổi, ngành nghề, lĩnh vực, đặc biệt là thế hệ trẻ là một lời nhắc nhở rất cần thiết, phải thúc đẩy các chương trình khuyến đọc một cách bài bản và sâu rộng".

Đọc sách tại quán cafe - Ảnh: Hoàng Bảo

“Sách là nguồn tri thức vô tận của nhân loại, sách cho chúng ta kiến thức, kỹ năng về cách sống, cách làm người, sách sẽ hướng cho chúng ta tới những giá trị nhân văn cao cả của một xã hội văn minh. Vậy nên, đọc sách là rất cần thiết và nhu cầu tất yếu của mỗi con người. Khi tâm hồn còn trong trắng, thơ ngây như ở lứa tuổi học sinh thì việc đọc sách càng có ý nghĩa hơn, nó sẽ góp phần rất lớn trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách về sau của một con người”  – Ông Nguyễn Đăng Thuận, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương ( huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế ) cho hay.

Có thể nói, sách và việc đọc sách có vai trò không thể phủ nhận trong việc hình thành nhân cách và kỹ năng tư duy phản biện cho thế hệ trẻ. Chúng không chỉ cung cấp kiến thức sâu rộng về thế giới bên ngoài, mà còn giúp phát triển khả năng phân tích, giao tiếp và hiểu biết xã hội bên trong. Việc suy giảm thói quen đọc sách là một lời nhắc nhở - cảnh báo về việc cần thiết phải thúc đẩy các chương trình khuyến khích đọc sách, đặc biệt là trong giới trẻ.

 Quỹ Chí Thiện Vì Trẻ Em tài trợ thư viện – Trường THCS Nguyễn Tri Phương ( Phong Điền)

Việc đọc sách luôn có một vai trò không thể thiếu đối với học sinh, sinh viên trong nhà trường, đặc biệt là những buổi nói chuyện từ các chuyên gia, diễn giả có chất lượng từ những trang sách. Ở đó, học sinh, sinh viên không chỉ học được kiến thức, mà còn tìm thấy những bài học về cuộc sống, tình yêu và cả sự nghiệp. Mỗi cuốn sách đều mở ra một thế giới mới, giúp người đọc mở rộng tầm nhìn và hiểu biết, làm giàu thêm tư duy và cảm xúc của mình.

Trong công việc, sách giúp người đọc phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện và khả năng giao tiếp. Những cuốn sách về quản lý và lãnh đạo đã cung cấp cho học sinh, sinh viên những chiến lược và phương pháp tiếp cận mới trong việc xử lý công việc và dẫn dắt đội nhóm. Không chỉ vậy, sách còn là nguồn cảm hứng không ngừng cho người đọc trong việc đặt ra mục tiêu và theo đuổi đam mê của bản thân.

Học sinh Trường THPT Tam Giang tham gia ngày Sách Việt Nam, Ảnh: Hoàng Dũng

Diễn giả Hoàng Đức Bảo – chuyên gia kỹ năng mềm cho hay: “ Trong đời sống cá nhân, sách giúp thấu hiểu hơn về những cảm xúc và tâm lý con người. Từ những cuốn tiểu thuyết tâm lý, học được cách thấu cảm và thông cảm với người khác, từ đó cải thiện mối quan hệ với gia đình và bạn bè. Sách cũng là người bạn đồng hành trong những chuyến đi xa, là nơi tìm thấy sự bình yên giữa nhịp sống hối hả hàng ngày”.

Cuộc thi Hùng biện Sách em yêu thích Trường THPT Tam Giang, Ảnh: Hoàng Dũng

Khi hiểu rằng, sách cũng là người thầy, là người bạn, là người đồng hành không thể thiếu trong cuộc sống. Thì việc đọc sách không chỉ là sở thích, mà còn là một phần của bản sắc văn hóa của cách sống và làm việc. Phải cho thế hệ trẻ nhận thấy rằng, mỗi trang sách là một bước tiến mới trong hành trình phát triển bản thân và mỗi cuốn sách là một cơ hội để tôi luyện tốt hơn cho  chính bản thân của mỗi người so với ngày hôm qua.                                                                                                               

                                                                                                                           Bảo Nghi