Lao động
Kon Tum có 1.126 lao động thất nghiệp do tác động của dịch COVID-19
10:18 AM 31/08/2021
(LĐXH)- Theo báo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Kon Tum, số lao động thất nghiệp do tác động của dịch Covid-19 tính từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2021 là 1.126 người, tăng 64 người (tăng 0,06%) so với cùng thời điểm năm 2020.
Theo thống kê, lực lượng lao động của tỉnh Kon Tum tính đến tháng 06/2021 là 277.041 người, trong đó lao động có việc làm là 276.568 người (chiếm 99,82%). Do tác động của dịch bệnh Covid-19, số lao động thất nghiệp tính từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2021 là 1.126 người, tăng 64 người (tăng 0,06%). Qua rà soát, số lao động tự do, lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị ảnh hưởng ước có khoảng 6.163 người.
Tính đến tháng 8 năm 2021, toàn tỉnh có 3.748 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó doanh nghiệp đang hoạt động là 2.740 doanh nghiệp; số doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng năm 2021 là 215 doanh nghiệp. Tổng số vốn đăng ký đến nay đạt 45.000 tỷ đồng, trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là khoảng 5.600 tỷ đồng (bằng 264,8% so với cùng kỳ).

Kon Tum tổ chức Ngày hội việc làm khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư chưa xuất hiện

Đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Kon Tum, cho thấy: Trước khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, công tác an sinh xã hội được bảo đảm, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động mạnh đến các lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn. Trong đó, một số ngành như: vận tải, dịch vụ lưu trú, du lịch lữ hành, các cơ sở giáo dục đào tạo... phải tạm ngừng hoạt động để phòng chống dịch bệnh.
Cụ thể, trong 8 tháng năm 2021, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động ở Kon Tum là 115 doanh nghiệp, tăng 7,75% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp đang bị khóa (bị thu hồi, đang làm thủ tục giải thể) là 892 doanh nghiệp. Số liệu này cho thấy tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…
Trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, tỉnh Kon Tum đã nghiêm túc thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự nỗ lực các cấp, các ngành của tỉnh và các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong việc triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, chính sách thiết thực, cụ thể với quyết tâm cao, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ người lao động mất, thiếu việc làm.
Kết quả tính đến ngày 15/8/2021, toàn tỉnh có 2.141 lao động được tạo việc làm thông qua chương trình việc làm, gồm: cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh là 496 lao động, làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 45 lao động, tạo việc làm thông qua vốn vay Quỹ quốc gia giải quyết việc làm là 1.600 lao động. Trong 8 tháng năm 2021, đã có 92 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 55,9% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng và người lao động tìm hiểu lựa chọn việc làm phù hợp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Kon Tum) đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động như: thu thập, cập nhật cung, cầu lao động; truyền thông, phổ biến chính sách pháp luật về lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm; thường xuyên cung cấp kịp thời thông tin về thị trường lao động (vị trí việc làm)… trên trang thông tin điện tử vieclamkontum.vn; thông tin trên mạng xã hội Facebook, điện thoại, hộp thư điện tử…
Mặc dù đến nay, Kon Tum chưa có ca F0 trong cộng đồng, song vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, nếu dịch bệnh kéo dài như hiện nay có thể tiếp tục ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp sản xuất, cung ứng nguyên liệu, chế biến tiêu thụ nông, lâm sản trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, thị trường lao động trong thời gian tới sẽ còn chịu ảnh hưởng nặng nề, nhiều nhóm lao động sẽ rơi vào tình trạng mất việc làm, giảm giờ làm, giảm thu nhập trong khu công nghiệp, doanh nghiệp, nhất là nhóm lao động yếu thế, dễ bị tổn thương (lao động tự do, không có giao kết hợp đồng lao động).
Chính vì vậy, để tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ, chia sẻ gánh nặng cho doanh nghiệp, người lao động để phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong đó có việc hỗ trợ doanh nghiệp nguồn vốn lãi suất ưu đãi bảo đảm việc làm cho người lao động; miễn, giảm học phí cho con em người lao động làm việc trong các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 khi năm học mới bắt đầu...

Chí Tâm