Xã hội
Hơn 9.600 trẻ em được hỗ trợ, can thiệp sau kết nối với Tổng đài 111
11:29 AM 19/05/2023
(LĐXH) - Sau 19 năm hoạt động, Tổng đài 111 đã tiếp nhận 5.398.105 cuộc gọi đến, trong đó, đã tư vấn 469.408 cuộc gọi và hỗ trợ, can thiệp cho 9.601 ca trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, bị bóc lột, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và vi phạm quyền trẻ em. Đây là số liệu được Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố tại Hội nghị tập huấn triển khai "Tháng hành động vì trẻ em năm 2023".

Theo báo cáo của Tổng đài 111, sau 19 năm hoạt động, Tổng đài đã tiếp nhận 5.398.105 cuộc gọi đến, trong đó, đã tư vấn 469.408 cuộc gọi và hỗ trợ, can thiệp cho 9.601 ca trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, bị bóc lột, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và vi phạm quyền trẻ em. Trong tổng số ca hỗ trợ, can thiệp có 43.68% số ca bạo lực trẻ em, 25.75% số ca về xâm hại tình dục trẻ em, 7,79% số ca về trẻ em bị bóc lột, cùng với hàng trăm ca hỗ trợ trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc, sao nhãng, bị mua bán, vi phạm quyền trẻ em, tranh chấp quyền nuôi dưỡng…

Trong số 469.408 cuộc gọi tư vấn của Tổng đài có 252.345 ca tư vấn chuyên sâu, chiếm 53,8%, trong đó có 28.172 ca tư vấn về xâm hại, bạo lực (chiếm 11,2%); 96.732 ca tư vấn liên quan đến những khó khăn của trẻ em trong quan hệ ứng xử với các thành viên trong gia đình, với bạn bè, thầy cô giáo và ngoài cộng đồng (chiếm 38,3%); 43.108 ca tư vấn liên quan đến sức khỏe thể chất của trẻ em (chiếm 17,1%); 25.473 ca tư vấn về pháp luật (chiếm 10,1%); 19.406 ca tư vấn liên quan đến tâm lý của trẻ em (chiếm 7,7%), 17.856 ca tư vấn về sức khỏe sinh sản (chiếm 7,1%), và 21.598 ca về các vấn đề khác (chiếm 8,5%). Trẻ em là nhóm gọi đến Tổng đài nhiều nhất, có 225.956 cuộc gọi (chiếm 48,1%); cha mẹ, người chăm sóc trẻ có 80.568 cuộc gọi (chiếm 17,2%); người dân quan tâm đến các vấn đề của trẻ em có 123.015 cuộc gọi (chiếm 26,2%); cán bộ xã hội có 32.203 cuộc gọi (chiếm 6,9%); nhóm đối tượng khác có 7.666 cuộc gọi (chiếm 1,6%)...

Trung bình mỗi phút có một cuộc gọi đến tổng đài 111

Bên cạnh việc tiếp nhận thông tin, tư vấn và hỗ trợ cho trẻ em qua điện thoại, năm 2022 Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã triển khai mô hình hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em trong tình trạng khẩn cấp. Năm 2022 và quý 1 năm 2023 Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em thực hiện hỗ trợ khẩn cấp 20 ca trẻ em bị xâm hại với 20 trẻ em (có 09 trẻ em bị xâm hại tình dục và 11 trẻ em bị bạo lực).

Tuy nhiên các ca tư vấn liên quan đến xâm hại, bạo lực trẻ em và tư vấn liên quan đến phát luật tăng mạnh trong những năm gần đây. Tính từ năm 2020 đến nay tỉ lệ các cuộc gọi tư vấn liên quan đến xâm hại, bạo lực chiếm 51,3% trong tổng số ca tư vấn chuyên sâu ở Tổng đài; cuộc gọi tư vấn về pháp luật chiếm 27,9%; các cuộc gọi tư vấn về ứng xử giảm chỉ còn 13,7%; các cuộc gọi về sức khỏe thể chất chiếm 3%; các cuộc gọi tư vấn về tâm lý chiếm 2,8%; cuộc gọi tư vấn về sức khỏe sinh sản chiếm 1,3%

Mã QR code của tài khoản Zalo chính thức của Tổng đài 111

Trong bối cảnh thống kê của các cơ quan quản lý nhà nước cho thấy số vụ việc bạo lực đối với trẻ em trong trường học, trong gia đình đang có chiều hướng tăng lên trong 4 tháng đầu năm 2023, đơn cử như các cuộc gọi đến Tổng đài 111 đã tăng gần 11% số vụ việc so với cùng kỳ năm 2022 liên quan đến vấn đề này, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em hơn bao giờ hết cần được quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Theo luật định, tháng 6 hằng năm là Tháng Hành động vì trẻ em, được thực hiện nhằm thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em của toàn thể xã hội. Năm nay chủ đề Tháng hành động là “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”, huy động sự chung tay của toàn xã hội cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, qua đó, tiếp tục xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ em.

Thông điệp và khẩu hiệu truyền thông Tháng hành động vì trẻ em năm 2023:

1. Chung tay xây dựng môi trờng sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em.

2. Phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em là đảm bảo quyền được sống của trẻ em.

3. Cho trẻ em học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

4. Gọi Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111.

5. Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động.

6. Gia đình, nhà trường cùng đồng hành để trẻ em được an toàn trên môi trường mạng.

7. Không gian mạng an toàn, công dân số tương lai.

8. Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng.

9. Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi xâm hại trẻ em.

Nguyễn Đăng Doanh

Từ khóa: Tổng đài 111 BVTE bao