Sức khỏe - Đời sống
Hội nghị tập huấn cho đội ngũ nhà báo, cán bộ tuyên truyền viên về bảo vệ môi trường không khí
05:14 PM 23/08/2022
(LĐXH) - Ngày 23-8-2022, tại Vĩnh Phúc, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị “Tập huấn cho đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên và cán bộ tuyên truyền viên về bảo vệ môi trường không khí” với mục đích giúp các cơ quan truyền thông báo chí nắm bắt được những quy định mới về ô nhiễm môi trường không khí tại Việt Nam và từ đó thực hiện công tác truyền thông tới người dân rõ ràng, chính xác và cụ thể hơn.

Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Tổng Cục môi trường Lê Hoài Nam phát biểu
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ô nhiễm không khí là sự ô nhiễm đối với môi trường, được gây ra bởi bất kỳ tác động vật lý, hóa học hoặc sinh học nào có thể làm thay đổi bản chất tự nhiên của khí quyển. Các chất gây ô nhiễm không khí có thể được phát thải trực tiếp vào bầu khí quyển (chất ô nhiễm sơ cấp) hoặc có thể được hình thành trong bầu khí quyển (chất ô nhiễm sơ cấp). Một số chất ô nhiễm sơ cấp có thể bao gồm sulfur dioxide (SO2), oxide của ni-tơ (NOx), carbon monoxide (CO), hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC). Còn đối với chất ô nhiễm thứ cấp, ozone (O3) tại mặt đất là chất ô nhiễm thứ cấp đặc trưng và được hình thành bởi phản ứng quang hóa. Bên cạnh đó, bụi là một trong những chất ô nhiễm phổ biến nhất và có thể là cả chất ô nhiễm sơ cấp và thứ cấp. Bụi là tổng các hạt (lỏng hoặc rắn) lơ lửng trong không khí. Mức độ độc hại của bụi có thể được xếp hạng theo kích thước, với các hạt bụi thô (PM10), hạt bụi mịn (PM2.5) và hạt bụi siêu mịn (PM0.1) có đường kính khí động học lần lượt nhỏ hơn hoặc bằng 10 µm, 2,5 µm và 0,1 µm.
Giảng viên Trường Đại học Y tế cộng đồng, Bộ Y tế TS. Nguyễn Thị Trang Nhung chia sẻ

Giảng viên Trường Đại học Y tế cộng đồng, Bộ Y tế TS. Nguyễn Thị Trang Nhung chia sẻ: ”Hiện nay, cơ chế ảnh hưởng sức khỏe của ô nhiễm không khí vẫn đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, có hai cơ chế được tán thành, bao gồm phản ứng viêm (inflammation), ứng kích oxy hóa (oxidative stress) với các độc tố trong các thành phần trong chất ô nhiễm. Đối với phản ứng viêm, chất ô nhiễm không khí có thể kích hoạt phản ứng của cytokin (một dạng tế bào truyền tin trong hệ thống miễn dịch) và hoạt hóa phản ứng viêm để cơ thể chống lại những tác nhân ngoại lai. Phản ứng viêm này được đặc trưng bởi một số triệu chứng gồm sưng, nóng, đỏ, đau. Mặc dù là cơ chế bảo vệ, nhưng phản ứng viêm quá mức cũng có thể gây ra một số bệnh, đặc biệt liên quan đến hệ hô hấp như viêm phổi hay bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính (COPD). Còn đối với ứng kích oxy hóa, các chất ô nhiễm không khí gồm các thành phần có chứa nhiều gốc tự do (free radicals). Sau khi xâm nhập vào cơ thể, các chất này có thể tác động đến tế bào bằng cách lấy đi những electron (những hạt mang điện tích âm) của các hợp chất trong cơ thể người, dẫn đến một số phản ứng viêm”.

Toàn cảnh hội nghị
Từ những ảnh hưởng tiêu cực từ ô nhiễm môi trường không khí, các chuyên gia đưa ra những giải pháp can thiệp để giảm bớt sự ô nhiễm. Có thể được chia thành hai nhóm chính, gồm nhóm giải pháp được sử dụng bởi từng cá nhân và nhóm giải pháp có thể được thực hiện ở cấp độ quản lý. Đối với cấp độ cá nhân, các giải pháp này bao gồm các hành vi hoặc biện pháp mà từng cá nhân có thể thực hiện nhằm giảm sự phơi nhiễm với ô nhiễm không khí, từ đó giảm được một số tác động tiêu cực đối với sức khỏe. Đối với cấp độ quản lý, các giải pháp này có thể bao gồm xây dựng kế hoạch, ban hành luật pháp và quy chế phù hợp nhằm giảm tác động của ô nhiễm không khí lên sức khỏe.
Phát biểu hội nghị, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường - Tổng Cục môi trường Lê Hoài Nam cho biết: ”Trong năm 2022, Vụ sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định, chính sách mới của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật tới cơ quan, tổ chức, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các quy định về bảo vệ môi trường không khí trong Luật và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Hội nghị này có ý nghĩa quan trọng, là dịp giới thiệu những quy định mới về bảo vệ môi trường không khí cho đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cán bộ tuyên truyền viên, đồng thời tiếp nhận những tham vấn, đề xuất các giải pháp của các đại biểu tham dự hội nghị trong việc phát huy vai trò của báo chí trong trong công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường không khí".
Cũng trong thời gian qua, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương tuyên truyền về bảo vệ môi trường với nhiều hình thức đa dạng, hướng tới nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Đặc biệt, tổ chức các hoạt động công bố thông tin, khuyến cáo về xử lý, ứng phó với việc ô nhiễm không khí và bảo vệ môi trường. Tăng cường đầu tư cho hoạt động quan trắc môi trường không khí tại các đô thị lớn. Thường xuyên tổng hợp các kết quả quan trắc, đánh giá chất lượng không khí, đưa ra cảnh báo, khuyến nghị và đăng tải chính thức trên website của Tổng cục Môi trường tại địa chỉ vea.gov.vn để phục vụ công tác chuyên môn về giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng./.
Lê Minh