Pháp luật
Hỏi - Đáp về Tổ chức Hội nghị Người lao động thường niên
03:35 PM 02/12/2019
(LĐXH)-Để giúp quý độc giả tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản về các quy định của Nhà nước về vai trò của việc tổ chức Hội nghị Người lao động thường niên trong doanh nghiệp, Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội thông tin, giải đáp những thắc mắc của độc giả liên quan đến lĩnh vực này.
Hỏi: Công ty Tân Á chuyên sản xuất các mặt hàng từ gỗ, sử dụng 15 lao động. Thời gian qua, người lao động có những kiến nghị liên quan trực tiếp đến việc làm của người lao động và muốn bày tỏ công khai vấn đề này. Người lao động đã đề nghị người sử dụng lao động tổ chức hội nghị người lao động để bàn về nội dung trên cùng một số việc liên quan khác. Tuy nhiên, công ty Tân Á từ chối với lý do doanh nghiệp sử dụng ít lao động (15 người) thì không cần tổ chức hội nghị người lao động, nếu có yêu cầu gì chỉ cần gặp trực tiếp cán bộ phụ trách để phản ánh. Tập thể người lao động công ty Tân Á đề nghị cho biết, doanh nghiệp có bao nhiêu lao động thì được tổ chức hội nghị người lao động?
Anh Phan Hữu Phước (Công ty Tân Á - Hà Nội)
Trả lời: Điều 14 Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 06 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc quy định:
1. Doanh nghiệp có từ 10 người lao động trở lên phải tổ chức hội nghị người lao động.
2. Hội nghị người lao động được tổ chức 12 tháng một lần.
3. Hội nghị người lao động được tổ chức theo hình thức hội nghị toàn thể đối với doanh nghiệp có dưới 100 lao động, theo hình thức hội nghị đại biểu đối với doanh nghiệp có từ 100 lao động trở lên.
Như vậy, công ty có từ 10 người lao động trở lên là phải tổ chức hội nghị người lao động. Công ty Tân Á sử dụng 15 lao động nhưng không tổ chức hội nghị này là vi phạm pháp luật. Người lao động công ty Tân Á căn cứ vào các quy định của pháp luật để yêu cầu người sử dụng lao động tổ chức hội nghị người lao động; trường hợp cần thiết có thể kiến nghị đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cơ quan Lao động, Thương binh và Xã hội) để can thiệp.
 
Hỏi: Doanh nghiệp nơi tôi đang làm việc dự kiến tổ chức hội nghị người lao động trong tháng tới. Doanh nghiệp đã đưa ra nhiều nội dung để thảo luận tại hội nghị này. Tuy nhiên, một số kiến nghị của người lao động không thấy có trong chương trình làm việc. Vậy nội dung hội nghị người lao động của doanh nghiệp có đảm bảo không? Pháp luật quy định hội nghị người lao động phải bao gồm những nội dung gì?
Chị Nguyễn Thị Nhàn (Hà Nội)
Trả lời:
 Theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 06 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, nội dung hội nghị người lao động như sau:
1. Hội nghị người lao động thảo luận các nội dung sau:
a) Tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và những nội dung trực tiếp liên quan đến việc làm của người lao động, lợi ích của doanh nghiệp;
b) Kết quả kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, các quy định, quy chế của doanh nghiệp;
c) Tình hình khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo;
d) Điều kiện làm việc và các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc;
đ) Kiến nghị, đề xuất của mỗi bên;
e) Các nội dung khác mà hai bên quan tâm.
2. Bầu thành viên đại diện cho tập thể lao động tham gia đối thoại định kỳ.
3. Thông qua nghị quyết hội nghị người lao động.
Như vậy, theo quy định tại điểm e khoản 1 nêu trên, việc không đưa các kiến nghị của người lao động vào chương trình thảo luận của hội nghị người lao động là chưa đúng quy định. Do đó, doanh nghiệp YK cần xem xét bổ sung và hoàn thiện nội dung, chương trình của hội nghị đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Hỏi: Công ty Đại An có 700 công nhân, đang tiến hành các thủ tục để tổ chức hội nghị người lao động. Để hướng dẫn các bộ phận bầu đại biểu tham dự hội nghị, đại diện công đoàn của công ty muốn biết thành phần tham dự hội nghị người lao động bao gồm những người nào và số lượng đại biểu tham dự là bao nhiêu người?
Anh Lê Văn Đại (Công ty Đại An - Hà Nội)
Trả lời:
Khoản 2 Điều 16 và khoản 1, 2 Điều 17 Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 06 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc quy định như sau:
1. Thành phần tham gia hội nghị đại biểu bao gồm:
a) Đại biểu đương nhiên bao gồm thành viên Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Trưởng ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên; Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng, Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc người đại diện của Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi không có công đoàn cơ sở, người đứng đầu tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp (nếu có);
b) Đại biểu bầu là những người được hội nghị người lao động cấp phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất bầu theo quy định. Người sử dụng lao động và tổ chức đại diện tập thể người lao động tại cơ sở thống nhất, quyết định số lượng, cơ cấu đại biểu được bầu tham dự hội nghị đại biểu và phân bổ số lượng, cơ cấu đại biểu được bầu tương ứng với số lượng và cơ cấu lao động của từng phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất.
2. Số lượng đại biểu bầu tối thiểu:
a) Đối với doanh nghiệp có 100 lao động thì bầu ít nhất là 50 đại biểu;
b) Đối với doanh nghiệp có từ 101 đến dưới 1000 lao động, ngoài số đại biểu phải bầu ban đầu tại điểm a nêu trên, cứ 100 lao động thì bầu thêm ít nhất 5 đại biểu;
c) Đối với doanh nghiệp có 1000 lao động thì bầu ít nhất là 100 đại biểu;
d) Đối với doanh nghiệp có từ 1001 đến dưới 5000 lao động, ngoài số đại biểu phải bầu ban đầu tại điểm c nêu trên, cứ 1000 lao động thì bầu thêm ít nhất 20 đại biểu;
đ) Đối với doanh nghiệp có từ 5000 lao động trở lên thì bầu ít nhất là 200 đại biểu.
Theo các quy định trên, thành phần tham dự hội nghị người lao động của công ty Đại An bao gồm: Đại biểu đương nhiên và đại biểu bầu với số lượng ít nhất là 80 đại biểu./.