Pháp luật
Hỏi - Đáp về Chính sách bảo hiểm thất nghiệp
02:49 PM 11/10/2019
(LĐXH)- Để giúp quý độc giả tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản của chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Việc làm (Bộ Lao động – TBXH) thông tin, giải đáp những thắc mắc về các quy định trong chính sách, trình tự thực hiện BHTN!
Hỏi: Sau thời gian thử việc, tôi có giao kết hợp đồng lao động theo công việc nhất định có thời hạn 2 tháng, tôi được tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm tai nạn lao động nhưng không được tham gia BHTN. Vậy xin hỏi, đối tượng bắt buộc tham gia đóng BHTN được quy định thế nào?
(Nguyễn Văn Đức, phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh)
Đáp: Theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm (Luật số 38/2013/QH13), đối tượng bắt buộc tham gia BHTN gồm:
1. NLĐ phải tham gia BHTN khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau: hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Trong trường hợp NLĐ giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì NLĐ và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia BHTN.
NLĐ đến Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp
2. NLĐ theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình không phải tham gia BHTN.
3. Người sử dụng lao động tham gia BHTN bao gồm: cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm.
Như vậy, căn cứ quy định trên, ông/bà không thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHTN (do hợp đồng lao động ông/bà đã giao kết có thời hạn 2 tháng). Tuy nhiên, ông/bà sẽ thuộc đối tượng tham gia đóng BHXH bắt buộc vì theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014, NLĐ là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH gồm người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng.
Hỏi: Tôi mới tiếp nhận công tác quản lý nhân sự và được phân công phụ trách mảng BHXH, BHYT và BHTN tại Công ty TNHH Minh Đức (thành phố Cần Thơ). Xin cho biết chính sách BHTN hiện nay quy định tại văn bản nào? Gồm những chế độ nào?
(Trần Vũ My, phường An Cư, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ)
Đáp:
1. Hiện nay, chính sách BHTN được quy định tại các văn bản sau:
- Luật Việc làm năm 2013 (Luật số: 38/2013/QH13).
- Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN.
- Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22-8-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, BHXH và đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 7-10-2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22-8-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, BHXH, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Quyết định số 77/2014/QĐ-Ttg ngày 24-12-2014 quy định mức hỗ trợ học nghề đối với NLĐ tham gia BHTN.
- Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31-7-2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Điều 52 Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN.
- Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 25-3-2016 hướng dẫn thực hiện Khoản 6 Điều 32 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN về việc thông báo biến động lao động làm việc tại các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Ngoài ra, còn các văn bản khác liên quan như: Bộ Luật Lao động; Luật Viên chức, Luật Cán bộ công chức…
2. Các chế độ BHTN:
Theo quy định tại Điều 42 Luật Việc làm, các chế độ BHTN gồm: trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 51 Luật Việc làm, NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ BHYT theo quy định  pháp luật về BHYT./.